Rotavirus vào mùa: cách điều trị tại nhà cho bé
Mùa đông xuân là thời điểm bệnh tiêu chảy cấp do Rotavirus vào mùa, nhiều sai lầm của cha mẹ khiến bệnh nặng lên trong khi bệnh có thể điều trị tại nhà.
Bù nước cho trẻ
Cháu Bùi Long H. trú tại Kim Liên, Hà Nội nhập viện trong tình trạng mất nước, nôn trớ, tiêu chảy không cầm được. Bố mẹ cháu bé cho biết cháu bị tiêu chảy nhiều ngày. Bố mẹ nhầm với tiêu chảy bình thường nên mua kháng sinh và men tiêu hóa về cho con uống nhưng bệnh không đỡ. Hay trường hợp của cháu Hoàng Văn N. trú tại Thanh Xuân, Hà Nội cũng bị các triệu chứng tương tự. Mẹ cháu bé để con ở nhà tự chữa nhưng 3 ngày sau bệnh nặng lên. Bé L. bỏ bú, kiệt sức, khóc không ra nước mắt.
Bệnh nhi điều trị tại bệnh viện Bạch Mai. Ảnh TT&VH
Thạc sĩ Nguyễn Thị Việt Hà, Bệnh viện Nhi Trung uơng cho biết Rotavirus là nguyên nhân hàng đầu gây tiêu chảy nặng, nhập viện thậm chí tử vong ở trẻ nhỏ trên toàn cầu cũng như ở Việt Nam. Trẻ bị tiêu chảy cấp do Rotavirus có tỷ lệ nhập viện cao gấp ba lần so với tiêu chảy do nguyên nhân khác. Tại Việt Nam, 55% trường hợp tiêu chảy cấp nhập viện ở trẻ nhỏ là do Rotavirus.
Nhiễm Rotavirus gây tử vong 453.000 trẻ em dưới 5 tuổi trên thế giới mỗi năm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu tại các nước đang phát triển. Nguyên nhân chính gây tử vong khi trẻ bị tiêu chảy là mất nước và điện giải, tiếp theo là suy dinh dưỡng.
Khi trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus có thể điều trị tại nhà. Tuy nhiên, bác sĩ Hà cho biết việc điều trị tại nhà cần đảm bảo đúng nguyên tắc do bác sĩ tư vấn. Hiện nay, các dung dịch bù nước thông dụng là dung dịch ORS (oresol), ORS II, viên hoặc gói hydrite.
Pha dung dịch bù nước đúng là điều quan trọng giúp trẻ mau hồi phục và giảm thiểu tình trạng mất nước và sụt cân. Chính vì vậy khi điều trị cho trẻ bị tiêu chảy do Rotavirus cần bù nước cho trẻ. Mỗi gói ORS lớn cần pha với 1 lít nước đun sôi để nguội (không nên pha nửa gói ORS với nửa lít nước), mỗi gói ORS II hoặc mỗi viên/gói hydrite pha với 200ml nước đun sôi để nguội. Dung dịch bù nước đã pha nếu quá 24 giờ không uống hết phải bỏ đi.
Đặc biệt, nhiều bà mẹ tự dùng kháng sinh điều trị cho trẻ khi trẻ bị tiêu chảy dẫn đến hậu quả là làm rối loạn thêm vi khuẩn chí (vi khuẩn có ích) trong đường tiêu hóa của trẻ, vừa không chữa được bệnh lại dễ dẫn đến ngộ độc thuốc và kéo dài ngày bệnh và giảm khả năng hấp thu của trẻ. Chỉ sử dụng kháng sinh cần theo chỉ định của nhân viên y tế, áp dụng trong trường hợp tiêu chảy do vi khuẩn, amip (phân có nhầy máu).