Những ca bầu bí 'kinh dị' tại BV phụ sản

Trong khi hàng nghìn cặp vợ chồng hiếm muộn, chấp nhận chi tiền tỷ bằng mọi phương pháp để có thai, thì tại nhà H Bệnh viện Phụ sản Trung ương vẫn có nhiều cô gái đến xin bác sĩ phá bằng được mầm thai đang lớn dần.

Chuyện giật mình từ nhà H

Trong số nhiều phụ nữ xin được bỏ thai ở nhà H (Trung tâm tư vấn sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình) hôm đó, chị Thanh ngoài 40 tuổi, được nhiều người chú ý hơn cả, bởi ngoài chiếc mũ đội sùm sụp trên đầu, chị này còn đeo thêm chiếc khẩu trang với chiếc bụng đã to kềnh. Thấy chị cầm lá đơn xin phá thai, nhiều người không khỏi ngạc nhiên.

Chị cho biết phải lặn lội cùng người cô ruột của mình từ Quảng Ninh lên Hà Nội để bỏ bằng được cái thai dù nó đã được hơn 6 tháng: “Có ai muốn thế này đâu, đây là đứa con thứ ba, nhưng là con của 'tập hai'. Chồng thứ nhất chẳng may tai nạn qua đời, khi các con đã lớn, lại có người yêu thương nên quyết định đi thêm bước nữa".

Nhưng khi mang thai, do mâu thuẫn cuộc sống thường nhật với gia đình chồng, căng thẳng lên đến đỉnh điểm khi mẹ chồng chị đuổi ra khỏi nhà, bắt chị phá thai vì: “Tôi chả cần cháu do chị sinh ra”. Chồng chẳng động viên, lại còn hùa theo mẹ mắng chị xối xả, bắt đi phá thai. Tự ái, nên chị quyết định bỏ: “Cháu đích tôn mà người ta còn chả cần, còn chả thương xót thì mình giữ làm gì, rồi có đẻ cháu ra cũng khó sống nổi với sự đay nghiến, chì chiết của nhà chồng”.

Các "bà bầu" phải bỏ thai bất đắc dĩ

Tuy nhiên, khi vào phòng siêu âm, một bác sĩ nam tên là Tiến, còn rất trẻ, nửa động viên nửa trách móc: “Thai đẹp thế này mà cũng quyết định bỏ, chị không thấy có tội với cháu bé à? Chỗ chúng tôi không 'giải quyết' cho những trường hợp như chị. Chị để đơn lại đấy và về đi, thêm con thêm của, bao nhiều cặp vợ chồng mất cả hàng trăm triệu đồng mà còn chẳng mang thai được kia kìa”. Được bác sĩ khuyên và những người xung quanh động viên, chị Thanh cùng người cô lại lẳng lặng rời bệnh viện.

Còn trường hợp của cô bé tật nguyền tên Huyền tìm đến nhà H. lại khiến nhiều người thương cảm. Cô bé mới 16 tuổi, muốn bỏ thai phải có chữ ký giám hộ của bố mẹ đi cùng. Nhìn cô bé xinh xẻo nhưng gầy gò, đặc biệt cả hai cánh tay không thể cử động được, nhiều người ngán ngẩm: “Nếu sinh con, việc nuôi con sẽ gặp rất nhiều trở ngại, nên việc bỏ thai cũng dễ thông cảm hơn”.

Bố mẹ Huyền với dáng dấp “nông dân thứ thiệt” phân trần: “Con dại cái mang, tưởng ‘cái thằng chết tiệt’ yêu nó, ai dè khi phát hiện con bé có chửa, nó ‘ù té quyền’ ngay. Con bé vốn bị liệt cả hai tay từ khi lên 3 tuổi, mọi sinh hoạt của nó chủ yếu dựa vào bố mẹ, bây giờ sinh con làm sao mà nuôi được. Mà bực nhất là tôi không muốn cháu sinh ra đứa con cho cái giống mất dạy kia, nên kiên quyết phải bỏ thai cho cháu”.

Còn Huyền cứ đứng trân trân, câm lặng rồi khóc khi bác sĩ tư vấn: “Sao lại phải bỏ thai? Cháu cứ sinh nó ra, cháu tật nguyền thế này, nó sẽ là chỗ cho cháu nương tựa sau này”. Huyền khóc nấc lên, dường như cô bé không muốn bỏ thai, nhưng trước sự kiên quyết của bậc phụ huynh, cô bé đành đi vào phòng để “giải quyết”.

Cũng tại khu nhà H hôm đó, trường hợp chị Nga khiến nhiều người thấy sợ. Sau khi siêu âm, bác sĩ phán tỉnh queo: “Phải nhập viện khẩn cấp, lên đó sẽ có bác sĩ xử lý. Ở đây chúng tôi không đủ phương tiện, nhỡ băng huyến, cấp cứu không kịp. Thai của chị đậu vào vết mổ tử cung, chúng tôi gọi là ‘chửa vết mổ’, khi hút thai, gây chảy máu rất nhiều, thậm chí không cầm được máu, bắt buộc phải cắt toàn bộ tử cung, tệ hơn nữa, có thể dẫn tới việc mất mạng”.

Bác sĩ nói dứt lời, chị Nga ôm mặt khóc gọi chồng đến, không ngờ vụ “lỡ kế hoạch” lại trở thành chuyện nghiêm trọng như vậy. Ngay trong ngày, chị Nga được chuyển lên khoa Phụ 1 của Bệnh viện Phụ sản Trung ương điều trị và xử lý thai.

Những bà chửa bất đắc dĩ phải bỏ thai

Các cụ vẫn có câu: “Bà chửa cửa mả”, ý nói đến sự nguy hiểm, ranh giới giữa cái chết và sự sống rất mong manh bởi theo nhiều bác sĩ, biến chứng trong sản khoa rất nhanh và nguy hiểm, chỉ cần một chút sơ suất, sản phụ có thể mất mạng sống. Và khi đến phòng cấp cứu của Khoa phụ 1 mới thấm thía hết nỗi nguy hiểm của mỗi sản phụ ở đây.

Bệnh viện quá tải, một chiếc giường đơn có ít nhất 3 bệnh nhân nằm chung, nhưng sự chật chội không "nhằm nhò" gì với những lo toan về sức khỏe và tính mạng của các cô, các chị tại đây. Tại phòng cấp cứu của Khoa phụ 1 là những bà bầu chủ yếu mang thai 5 đến 7 tuần, phần lớn là điều trị bỏ thai vì chúng hình thành vào phần hiểm như: thai ngoài tử cung, thai bám vòi trứng, bám vết mổ, góc tử cung hoặc nằm ở cổ tử cung...

Trong các loại thai này, nan giải nhất vẫn là thai hình thành ở cổ tử cung và thai bám vết mổ.

Những ca bầu bí 'kinh dị' tại BV phụ sản - 1

Các bà bầu phải "bỏ thai" bất đắc dĩ

Chị Phương, một bệnh nhân có “thâm niên” tại phòng cấp cứu kể khi một bệnh nhân khác vừa nhập viện đã nằng nặc đòi trốn về nhà buổi tối vì quá chật: “Chị đừng về, thai chị nguy hiểm lắm, mới hôm qua có trường hợp chửa vết mổ như chị cấp cứu suýt chết đấy, nhưng cũng chỉ mới cầm được máu thôi. Bác sĩ nói đợi vài hôm sức khỏe tốt hơn, sẽ phẫu thuật cắt nốt tử cung. Cũng may là được cấp cứu kịp chứ ở tuyến dưới, có khi mạng sống cũng không giữ được”.

Về lý do phải nằm ở khoa Phụ 1 tới gần 2 tháng, chị Phương kể: "Buồn lắm, lấy chồng cả 9 năm nay rồi nhưng cứ mang thai được hơn 2 tháng là hỏng. Lần gần đây nhất khi phát hiện có bầu, hai vợ chồng mừng mừng tủi tủi. Em quyết bỏ làm ở nhà để giữ cái thai cho chắc ăn. Nhưng mới được hơn 4 tuần, em bị ra máu, đến trung tâm y tế huyện khám, người ta 'đẩy' em lên viện Trung ương ngay. Thì ra, mầm thai đậu vào cổ tử cung, xin bác sĩ tuyến dưới bỏ thai, nhưng các bác ấy bảo phải về trung ương chứ các bác không làm được.

Chửa cổ tử cung là loại thai nguy hiểm bậc nhất trong các loại mang thai cần phải xử lý. Để thai lớn, vỡ tử cung là về 'chầu giời' ngay. Phá thai bằng biện pháp thông thường cũng khó thoát 'án tử'. Vì thế, với những bà chửa dạng này, phác đồ điều trị an toàn nhất là dùng thuốc để bào thai tự tiêu và tự bong ra ngoài. Em điều trị ở đây 2 tháng, dù cái thai đã được xử lý gần hết, nhưng phải hoàn toàn yên tâm, bác sĩ mới cho xuất viện".

Trong khi phần lớn các bệnh nhân phải bỏ thai tại đây đều lo lắng cho vấn đề sức khỏe của mình thì hôm đó, có chị Nguyên quê ở Hải Dương đã khóc tu tu trước khi lên bàn mổ vì lý do rất "trời ơi".

Vừa sụt sịt, chị N. vừa kể: "Em không sợ phẫu thuật nội soi vì thai đậu vòi trứng, mà vì trước khi lên bàn mổ, chồng em thay vì động viên lại tiếc tiền: 'Mày tiêu tiền của ông nhiều quá, từ hôm theo mày lên bệnh viện điều trị đến nay, cả mổ nữa là 'toi' chục triệu đồng, bằng cả năm tiền chơi gái của ông', chồng vậy thì em không buồn sao được". Nhưng được các chị em trong phòng động viên, chị Nguyên quệt nước mắt đi xuống phòng phẫu thuật.

Cũng tại Khoa phụ này, không ít trường hợp thụ tinh nhân tạo nhưng mầm thai vẫn "chạy" ra ngoài tử cung. Trong số này có Huyền, một cô gái Hà Nội, lấy chồng 6 năm, thụ tinh nhân tạo đến 4 lần nhưng đều bị hỏng. "Chán lắm, lần nào cũng cố, mà cuối cùng cứ như canh bạc ấy, chồng em không tiếc tiền để thụ tinh nhân tạo, nhưng chán nhất là cứ mang thai được 5 - 6 tuần là hỏng.

Lần này là lần hỏng thai thứ 4, chán quá nên em không cho chồng vào thăm nữa, cũng may thai mình dễ xử lý, chứ hôm qua vào đây chứng kiến cảnh có chị phải đánh cược tính mạng của mình để xử lý thai, em sợ lắm rồi. Chị Hà nằm cùng giường em cũng thụ tinh 4 lần cũng chung số phận như em, chị ấy cũng nản vụ 'bầu bí' vì em với chị ấy cùng thụ tinh nhân tạo cùng đợt", Huyền chia sẻ.

Những ca bầu bí 'kinh dị' tại BV phụ sản - 2

Nữ hộ lý thường xuyên kiểm tra sức khỏe cho sản phụ

Bác sĩ chuyên khoa 2 Lê Thị Quyên, Khoa phụ 1 cho biết: "Bệnh viện càng ngày càng quá tải, những ca khó mà khoa phải tiếp nhận lại rất nguy hiểm, bệnh nhân tuyến dưới chuyển lên đây nhiều, chúng tôi rất thương bệnh nhân phải điều trị trong tình trạng chật chội. Ngày trước, các ca mang thai vết mổ chẳng hạn, chỉ có khoảng 30 - 40 ca mỗi năm, nhưng hiện nay trung bình mỗi năm chúng tôi tiếp nhận đến hơn 300 ca.

Xử lý những ca này là phải hút thai, nghe có vẻ đơn giản, song việc hút thai không dễ, chúng tôi phải chuẩn bị nhân lực, vật lực. Ngoài việc bác sĩ phải có chuyên môn cao, khéo léo mới thực hiện được các ca hút thai, cơ địa của bệnh nhân cũng rất quan trọng. Có người cầm máu được, cũng có người không thể, dẫn tới băng huyết, phải cắt tử cung, thậm chí tử vong. Vì thế trước khi thực hiện những ca hút thai vết mổ, chúng tôi phải gặp người nhà bệnh nhân tư vấn để họ hiểu vấn đề và xác định tư tưởng".

Quả như lời bác sĩ Quyên, khi chứng kiến các bà bầu mang thai tại đây, chúng tôi mới thấm thía rằng tai biến sản khoa luôn là mối nguy hiểm hàng đầu trong y học.

Hết hồn những ca cấp cứu sản phụ

Với những phụ nữ phải bỏ thai bất đắc dĩ, những tưởng chuyện xử lý thai là đơn giản, nhưng vào Khoa phụ 1, chúng tôi từng chứng kiến ca cấp cứu "thót tim" của một sản phụ được chuyển từ tuyến dưới lên.

Do chủ quan, khi phát hiện "lỡ kế hoạch", chị Minh đã đến một phòng khám sản khoa tại thị xã, nhưng không may cái thai đậu vào góc tử cung, khó xử lý và gây chảy máu rất nhiều. Chị Minh được chuyển lên bệnh viện phụ sản Trung ương, sau khi khám và hội chẩn, các bác sĩ đưa chị Minh vào phòng cấp cứu để xử lý tiếp vì mầm thai vẫn chưa được làm sạch, bên cạnh đó là nguy cơ băng huyết.

Khi chị Minh vừa lên bàn viện, ngay lập tức máu chảy ồ ạt, các nữ y tá liên tục chạy từ phòng tiêm sang phòng hành chính để lấy thêm thuốc cầm máu nhưng cũng chẳng "ăn thua', máu của bệnh nhân cứ thế bắn xối xả vào xe để dụng cụ y tế, bắn cả lên áo của các bác sĩ, bắn lên tường. Chồng chị Minh ngồi ngoài hành lang mặt tái xám, lo cho tính mạng của vợ khó giữ được.

Nhưng rồi bằng mọi biện pháp có thể, các bác sĩ đã cầm được máu cho bệnh nhân, nhưng một bác lắc đầu: "Ca này đành phải cắt tử cung". Sau vụ cấp cứu đó, nhân viên vệ sinh phải mất 20 phút mới dọn và lau sạch "hiện trường".

Nếu như ở Khoa phụ 1 là những bệnh nhân mang thai nguy hiểm và phải bỏ thai thì tại Khoa sản 1, các sản phụ gặp không ít nguy hiểm, nhưng vẫn cố giữ bằng được thai, đó là các bệnh lý thai sản như nhiễm độc thai nghén (nguy cơ tiền sản giật, sản giật rất cao), các bà bầu mang thai bị tiểu đường, bị bệnh tim, thận, rau tiền đạo...

Nhiều bệnh nhân gần như phải nằm viện suốt thời kỳ mang thai mới mong được đến ngày vượt cạn "mẹ tròn con vuông".Vậy nhưng tại đây, cũng có không ít tai biến bất thường mà nếu các bác sĩ non tay, chắc chắn sẽ không kịp trở tay.

Một trưa tại Khoa sản 1, khi các sản phụ đang thiu thiu bỗng từ trong phòng vệ sinh có tiếng bệnh nhân đập cửa kêu cứu. Hóa ra, bệnh nhân Hoàn bị chứng nhiễm độc thai nghén, mang thai tuần 32, áp huyết lên xuống thất thường và bị phù tay chân đang bị sản giật. Nhanh như cắt, các bác sĩ cùng hộ lý bỏ dở bát cơm, chạy sang phòng bệnh, đưa bệnh nhân ra ngoài. Nhìn cảnh tượng người sản phụ giật đùng đùng trên tay 6 người khênh, các sản phụ khác dạt vào một góc khiếp đảm.

Dường như đã quen xử lý với những ca bệnh "kinh dị", các nữ hộ lý dùng chiếc đũa cả ngáng vào miệng bệnh nhân, buộc chặt nhằm không để bệnh nhân bị cắn vào lưỡi khi lên cơn sản giật. Máu từ ống truyền dịch của sản phụ cứ thế chảy lên láng trên tay bệnh nhân và bác sĩ. Cáng đẩy được mang đến, bệnh nhân xuống phòng mổ để cứu mẹ, cứu con.

Khi sản phụ vừa được đưa khỏi cầu thang, lại có người hét: "Cứu, cứu". Nhưng lần kêu cứu này không phải là cứu sản phụ, mà là mẹ đẻ của sản phụ khi nghe tin con bị sản giật, nguy cơ khó cứu, đã ngất ngay tại cầu thang. Các bác sĩ, nữ hộ lý tại đây lại bất đắc dĩ cấp cứu thêm cho người nhà bệnh nhân.

Còn về sản phụ bị sản giật, sau 30 phút được đưa vào phòng mổ, chồng của chị Hoàn về phòng thở phào thông báo: "Cứu được cả mẹ lẫn con rồi, nhưng cháu bé chỉ được 1,6 kg, thế cũng là may quá rồi, cảm ơn các bác sĩ". Đến lúc này, các sản phụ khác mới thở phào. Một sản phụ khác cũng bị chứng nhiễm độc thai nghén vẫn ngồi góc phòng ôm mặt khóc...

Đứng đầu trong các tai biến sản khoa gây tử vong mẹ là băng huyết. Nguyên nhân là do sản phụ bị sang chấn bệnh lý sau đẻ (như vỡ tử cung, rách tử cung, âm đạo) hoặc có những bệnh lý rối loạn đông máu trước khi mang thai hoặc trong quá trình mang thai.

Ngoài ra sản phụ có thể bị bệnh nặng từ trước như tim, gan, thận. Với những trường hợp này cần khám thai đầy đủ và tuân thủ quy trình điều trị của bác sĩ trong suốt thời kỳ mang thai.

Bệnh sản giật nếu được theo dõi trong suốt thời kỳ mang thai và điều trị tốt có thể tránh được nguy cơ tử vong. Tuy nhiên, trong sản khoa tắc mạch ối là biến cố khó chẩn đoán trước và tỷ lệ tử vong cao (chiếm khoảng 80%). Tai biến tắc mạch ối xảy ra rất đột ngột, tương tự sốc thuốc và không dự báo được khiến sản phụ choáng do nước ối, tế bào thai nhi, bọt khí, tóc hoặc các mảnh tổ chức thai khác lọt vào hệ tuần hoàn của mẹ, gây ra suy hô hấp và tuần hoàn cấp tính.

Hiện cũng chưa có biện pháp điều trị đặc hiệu mà chủ yếu bệnh nhân được dùng thuốc, truyền dịch, truyền các chế phẩm của máu, đặt ống nội khí quản để duy trì chức năng tim mạch và hô hấp. Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng điều trị thành công.

* Tên các sản phụ đã được thay đổi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (XZone)
Sức khỏe sinh sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN