Nhiều trẻ bị liệt cánh tay suốt đời vì bố mẹ thiếu hiểu biết

Chỉ vì sự thiếu hiểu biết và chủ quan, trong thời gian gần đây nhiều trẻ bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay được gia đình nhập viện quá trễ. Điều này khiến việc phẫu thuật trở nên khó khăn, nhiều trẻ đã bị liệt cánh tay suốt đời.

Chưa biết bệnh có thể phẫu thuật

Ngày 24.12, bác sĩ Đào Trung Hiếu, Phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM cho biết, mỗi tháng bệnh viện tiếp nhận khoảng 5 đến 6 trường hợp bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay cần phải phẫu thuật (trường hợp nhẹ có thể tự khỏi hoặc chỉ cần tập vật lý trị liệu là khỏi bệnh). Nhiều bé được gia đình chuyển đến bệnh viện sớm, được phẫu thuật nối lại toàn bộ dây thần kinh bị đứt, giúp tay bé trở lại bình thường. 

Tuy nhiên, có không ít các trường hợp bé bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay được gia đình đưa đến bệnh viện quá trễ, dù được phẫu thuật nhưng hiệu quả không đạt như mong muốn.

Mới đây nhất là trường hợp của bé trai T.Q.V. (ngụ ở Gia Lai) bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay trái nhưng bé đến 26 tháng tuổi mới được gia đình chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 1. 

Nhiều trẻ bị liệt cánh tay suốt đời vì bố mẹ thiếu hiểu biết - 1

Bé V. bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay trái nhưng đến 26 tháng tuổi mới được phẫu thuật.

Bác sĩ Đặng Khải Minh, Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết, bé V. được chuyển đến bệnh viện trong tình trạng tay trái không nhấc lên được. Rất may do bàn tay của bé V. vẫn còn cầm nắm được nên các bác sĩ đã quyết định phẫu thuật.

"Đến nay (24.12), sau 1 ngày phẫu thuật, sức khỏe của bé ổn nhưng việc phẫu thuật này cũng chỉ nối được một phần dây thần kinh bị đứt, chứ không thể giải quyết dứt điểm”, bác sĩ Minh cho biết.

Trẻ bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay là do sang chấn sản khoa. Những trường hợp sản phụ sinh thường nhưng hơi khó sinh, buộc các bác sĩ, hộ sinh phải trì kèo em bé ra ngoài gây tổn thương vùng đám rối thần kinh, chi phối toàn bộ vùng cánh tay. Tổn thương nhẹ thì dây thần kinh bị đứt, nặng hơn thì dây thần kinh bị đứt ra khỏi tủy sống (đứt gốc).

Theo người nhà của bé V., sau khi sinh gia đình phát hiện cánh tay trái của cháu yếu, đưa lên đưa xuống khó khăn. Khi bé được 16 ngày tuổi, gia đình có đưa bé đến Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM  để kiểm tra. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán bé bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay trái nhưng thông báo với gia đình là bệnh này một thời gian sẽ tự khỏi và cho về nhà.

“Về nhà một thời gian, bệnh của cháu diễn biến nặng, tay trái không nhấc lên nổi, gia đình liền đưa cháu đến bệnh viện địa phương để châm cứu. Sau đó, gia đình xem trên internet thì được biết Bệnh viện Nhi đồng 1 đã từng phẫu thuật thành công nhiều trường hợp trẻ bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay nên mới đưa cháu đến đây”, chị Hồng (mẹ bé V.) cho biết.

"Thời gian vàng" cho trẻ từ 3 đến 12 tháng tuổi

Theo phân tích của bác sĩ Minh, dây thần kinh có tác dụng truyền tín hiệu thần kinh, giúp vận động các cơ, nhưng khi thần kinh bị sang chấn làm ngắt tín hiệu dẫn truyền của thần kinh. Do đó, để phẫu thuật, các bác sĩ phải cắt toàn bộ vùng bị đứt và lấy một đoạn thần kinh ở đùi ghép lên hoặc có thể nối thần kinh lành ở vùng vai qua một thần kinh tổn thương ở gần đó. 

“Đây là một kỹ thuật khó, bệnh viện chỉ mới thực hiện được cách đây 5 năm. Trong 5 năm qua, bệnh viện đã phẫu thuật cho hơn 100 trẻ bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay. Tỷ lệ bé phục hồi trở lại bình thường lên đến 80%”, bác sĩ Minh cho biết.

Cũng theo bác sĩ Minh, chính vì phương pháp phẫu thuật này còn rất mới nên nhiều trẻ em sinh ở các tỉnh, thành khác, các bác sĩ chưa biết phương pháp này nên không khuyến cáo gia đình đưa trẻ đi kiểm tra để phẫu thuật mà cứ nghĩ bệnh sẽ tự khỏi. Bên cạnh đó, một số phụ huynh biết có phương pháp phẫu thuật này nhưng lại muốn để cho bé lớn rồi mới phẫu thuật.

“Thời gian vàng để thực hiện phẫu thuật cho trẻ bị liệt đám rối dây thần kinh cánh tay là từ 3-12 tháng tuổi. Thời gian tổn thương trong vòng 1 năm trở lại can thiệp phẫu thuật sẽ tốt, nếu để qua 12 tháng tuổi mới phẫu thuật sẽ không đạt kết quả cao, cánh tay phẫu thuật không hồi phục lại bình thường như những trẻ được phẫu thuật sớm”, bác sĩ Minh nói.

Bác sĩ Minh nói thêm rằng, chỉ cần 1 đến 2 ngày sau khi sinh, các bậc phụ huynh có thể quan sát thấy tay tổn thương của bé bị yếu. Tùy theo tổn thương nặng nhẹ, bé sẽ có những triệu chứng lâm sàng khác nhau. Có thể bé chỉ tổn thương một phần nào đó ở chức năng vận động và cảm giác vùng vai, vùng cổ; nhưng cũng có khi liệt tay không cử động lên xuống, nhẹ thì liệt một phần cánh tay, nặng thì liệt toàn bộ cánh tay.

“Nếu thấy có dấu hiệu trên nên đưa bé đến bệnh viện để khám và phẫu thuật kịp thời, giúp bé hồi phục trở lại bình thường”, bác sĩ Minh đề nghị.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Quang (Một thế giới)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN