Đắn đo 'tiếp tục điều trị hay trả bệnh nhân về chờ chết'

Sự kiện: Bác sĩ của bạn

Hà Nội - Biết tiên lượng của con trai mắc ung thư máu giai đoạn cuối "lành ít dữ nhiều", gia đình xin đưa về chờ chết, dù bác sĩ khuyên nên ở lại viện chăm sóc giảm nhẹ.

Đêm muộn, bác sĩ Nguyễn Vũ Bảo Anh, Trưởng Khoa Hồi sức Cấp cứu, Viện Huyết học truyền máu Trung ương, vẫn nghiên cứu bệnh án của bệnh nhân này để sáng hôm sau hội chẩn. Nam thanh niên 30 tuổi, mắc ung thư máu cấp dòng lympho, ác tính, kháng thuốc, không đáp ứng điều trị.

Thời gian đầu truyền hóa chất, người bệnh bị sốt, nhiễm khuẩn huyết, viêm phổi... nhưng đều vượt qua. Bệnh thuyên giảm khoảng 80%, bệnh nhân vui mừng, nghĩ đến tương lai sẽ cưới vợ, sinh con. Sau đợt thứ 5, sức khỏe người đàn ông đột ngột diễn biến xấu, tế bào ung thư bạch cầu phát triển nhanh. Bác sĩ đã thay đổi phác đồ hóa trị mạnh hơn kết hợp thuốc mới nhưng người bệnh gần như không đáp ứng.

"Tiên lượng bệnh rất nặng, số lượng tế bào ung thư trong máu rất cao, thiếu máu, giảm tiểu cầu, có khối u trong lồng ngực", bác sĩ Anh chia sẻ.

Đắn đo vài giờ, bác sĩ quyết định gặp gia đình người bệnh, cho biết con họ khó đáp ứng hóa trị liều cao, đề xuất chăm sóc giảm nhẹ giúp những năm tháng cuối đời chất lượng. Đáp lại, gia đình xin đưa con trai về nhà chờ chết, lý do kinh tế eo hẹp và "không hy vọng ở việc chăm sóc giảm nhẹ".

Lời đề nghị đặt bác sĩ vào tình huống khó xử, không biết nên đồng thuận hay thuyết phục gia đình cho bệnh nhân ở lại. Nhìn người đàn ông chằng chịt dây rợ, song ánh mắt vẫn bộc lộ khát khao sống, bác sĩ không thể thản nhiên nói "trả về". Mong muốn của chuyên gia là người bệnh được chăm sóc tốt nhất, để nỗi đau không "đục khoét, tàn phá" cơ thể và tinh thần anh.

"Cuối cùng, tôi chỉ biết nói trung thực mọi thông tin, quyền quyết định thuộc về gia đình và người bệnh", anh Anh nói.

Trường hợp khác, nam 76 tuổi, mắc ung thư thể hiếm với 5 khối u chằng chịt trong ổ bụng, kèm nhiều bệnh nền. Ở bệnh nhân này, khối u dính vào các tạng của cơ thể, nhất là dạ dày, trực tràng, ăn vào bàng quang, lá lách, sự sống mong manh. Ban đầu, gia đình từ chối phẫu thuật, xin đưa bệnh nhân về nhà. Tuy nhiên, các chuyên gia quyết định phẫu thuật, xử lý triệt để khối u.

Bác sĩ Hà Hải Nam, Phó trưởng Khoa Ngoại bụng 1, Bệnh viện K (Hà Nội), cho biết lúc này buộc phải làm trái ý gia đình, bởi việc phẫu thuật lúc này đóng vai trò sống còn với sinh mạng người bệnh. "Nếu không, khối u sẽ bùng lên mạnh mẽ, nguy cơ nhiễm trùng cao, rút ngắn thời gian sống", bác sĩ nói. May mắn, ca phẫu thuật suôn sẻ, bệnh nhân qua nguy kịch.

Sự giúp đỡ, động viên từ người thân, bác sĩ giúp bệnh nhân bình tâm hơn. Ảnh: Science Source

Sự giúp đỡ, động viên từ người thân, bác sĩ giúp bệnh nhân bình tâm hơn. Ảnh: Science Source

Bác sĩ Nguyễn Văn Thanh, Bộ môn Nội tổng hợp, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, cho biết một trong những khó khăn nhất của quá trình hành nghề là tiếp tục điều trị hay "trả về" các bệnh nhân nặng. Lẽ thường, tâm lý người bệnh và gia đình khi đến bệnh viện là "trăm sự nhờ bác sĩ" hay "bác sĩ cứ chọn phương án tốt nhất cho tôi/người nhà tôi". Mang trên vai sứ mệnh cứu người, nhân viên y tế cũng mong muốn mọi người được chữa khỏi bệnh, sớm xuất viện.

Tuy nhiên, "sức người có hạn, đôi khi chúng tôi cũng phải đầu hàng trước bệnh tật", ông Thanh nói, thêm rằng các bệnh lý ngày càng phức tạp, đặc biệt là bệnh chuyển hóa, không lây nhiễm..., kéo theo nhiều biến chứng ở các cơ quan trong cơ thể, đòi hỏi phải tiếp cận đa ngành, đa chuyên khoa, chi phí điều trị rất cao trong khi BHYT không hỗ trợ toàn bộ.

"Mỗi khi có người bệnh nhân xin về - tức bệnh nặng không thể cứu chữa, chúng tôi không tránh khỏi cảm giác đau xót, bất lực", ông Thanh nói, cho biết thêm với những người không may tử vong ở bệnh viện, hoặc gia đình kiên quyết xin điều trị đến cùng và chỉ buông tay khi người bệnh tử vong càng khiến tâm trạng bác sĩ day dứt.

Đây là trạng thái được y văn gọi tên bất lực tập nhiễm (Learned Helplessness), xảy ra khi ai đó liên tục phải đối mặt với một tình huống tiêu cực, không thể kiểm soát được ngay cả khi họ có thể. Với bác sĩ, việc cống hiến mọi nguồn lực cho bệnh nhân nhưng kết quả không như mong đợi cũng khiến họ cảm thấy thất bại, kiệt sức, tê liệt. Tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến stress mãn tính hoặc trầm cảm ở nhân viên y tế, không chỉ ảnh hưởng cá nhân người mắc, mà còn tác động tiêu cực đến việc khám chữa.

Do đó, để ngăn ngừa hội chứng này, bác sĩ Thanh luôn ý thức cần gác lại cảm xúc cá nhân; đưa ra các thông tin chính xác, trung thực; đứng trên lập trường của người bệnh và gia đình để khuyên nhủ. "Tức là chúng tôi sẽ luôn đưa ra phương án tốt nhất cho bệnh nhân, còn quyết định về hay ở lại, có điều trị hay không, sẽ thuộc về họ", bác sĩ nói.

Với bác sĩ Anh, vai trò của nhân viên y tế là cứu sống và chữa khỏi bệnh tật. Trường hợp bệnh nhân nặng, anh luôn cố gắng trao đổi kỹ với người nhà, thống nhất cách thức truyền đạt lại những thông tin này cho người bệnh, nỗ lực giảm nhẹ nỗi đau cho họ.

"Giúp một người được sống những ngày cuối cùng trong bình an và ra đi thanh thản là việc không dễ dàng. Nhưng dù kết quả có như nào, tôi vẫn luôn sẵn sàng đồng hành cùng gia đình chăm sóc cho bệnh nhân tốt nhất có thể", anh chia sẻ.

Nguồn: [Link nguồn]

Giữa trưa, chiếc ôtô đỗ gấp trước cửa Khoa cấp cứu, Bệnh viện 103 (Hà Nội), bên trong chở người đàn ông 30 tuổi, mạng sống như sợi chỉ mành sau cơn đau đầu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Chi - Thùy An ([Tên nguồn])
Bác sĩ của bạn Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN