Nhiễm trùng tiểu vì sợ nhà vệ sinh trường

Tại bệnh viện Nhi Đồng 2, trung bình mỗi tuần có hơn mười bệnh nhi nhập viện và vài chục trẻ đến khám vì nhiễm trùng đường tiểu, trong số ấy không ít bệnh nhi có nguy cơ sẹo thận, suy hỏng thận vì nhiễm trùng quá lâu

Trò chuyện với bác sĩ, hầu hết bệnh nhi cho biết do các em sợ nhà vệ sinh ở trường dơ bẩn, tối tăm; sợ xin phép cô giáo; ngại đi vệ sinh chung với nhiều người... nên thường xuyên nhịn uống nước để khỏi đi tiểu, hoặc có mắc cũng ráng nín đợi về nhà.

Tác hại

Nhiễm trùng tiểu là bệnh lý gây ra do sự hiện diện của vi trùng trong nước tiểu, thường gặp là vi trùng E coli. E coli là vi trùng của đường tiêu hoá, đi từ đường ruột là hậu môn sang lỗ tiểu ngoài, đi ngược dòng vào đường niệu. Nhiễm trùng tiểu còn có thể do nhiễm trùng huyết, vi trùng từ máu đi khắp cơ thể, đến đường niệu gây nhiễm trùng tiểu – dạng này rất nặng và nguy cơ cao. Ngoài ra, bệnh nhi có sức đề kháng kém hoặc có dị dạng đường niệu thì dễ mắc nhiễm trùng tiểu hơn. Nhiễm trùng tiểu thường gặp ở nữ do niệu đạo ngắn hơn, vi trùng dễ dàng vào cơ thể gây nhiễm trùng.

Nhịn đi tiểu do e ngại hoặc không có chỗ đi vệ sinh rất nguy hiểm vì nước tiểu gồm các chất cơ thể cần thải ra ngoài, khi bị ứ lại trong bàng quang, các chất này sẽ là môi trường cho vi trùng dễ xâm nhập cơ thể gây nhiễm trùng tiểu.

Nhiễm trùng tiểu vì sợ nhà vệ sinh trường - 1

Ảnh: LIYAFENDI

Nhiễm trùng tiểu có biến chứng thường gặp là sẹo thận. Sau một đợt nhiễm trùng tiểu nặng hoặc nhiễm trùng tiểu tái phát nhiều lần, 10 – 15% trẻ sẽ bị tổn thương ở thận dưới dạng sẹo. Sẹo thận có thể gây cao huyết áp và dẫn đến suy thận mãn sau này.

Ngại đi vệ sinh còn làm cho trẻ không dám uống nhiều nước, điều này rất hại. Mỗi ngày cơ thể cần 1,5 – 2 lít nước cung cấp từ thức ăn và nước uống (uống nhiều nước sẽ giúp thận thải tốt các chất bã, làn da tươi tắn hơn).

Phòng ngừa

Trường học, các khu vui chơi giải trí… cần có nhà vệ sinh sạch sẽ, nguồn nước đầy đủ, giúp trẻ không phải nhịn tiểu.

Để phòng ngừa nhiễm trùng tiểu, ở trẻ nhỏ và trẻ gái, sau mỗi lần đi tiêu tiểu, nên rửa và lau chùi đúng cách: từ trước ra sau (do lỗ tiểu ở phía trước và hậu môn nằm phía sau, nếu làm ngược lại sẽ đưa vi trùng từ đường tiêu hoá vào đường niệu). Ngoài ra, các bà mẹ nên thường xuyên kiểm tra tã lót và thay tã ngay sau khi bé tiêu tiểu.

Nên cho trẻ mang theo bình nước khi đi học hoặc đi chơi xa, cũng như khi vận động thể lực, trẻ cần nghỉ một chút và uống từng ngụm nước nhỏ. Khi ở trong phòng có máy lạnh, nên cho trẻ uống nhiều nước hơn do máy điều hoà không khí hút nước của cơ thể và làm khô da.

Lời khuyên của chúng tôi là ở trẻ bình thường, không mắc bệnh thận hoặc bệnh tim, thì nên cho trẻ uống nhiều nước, luôn giữ nước tiểu thật trong và không nhịn tiểu. Không đợi đến lúc trẻ có triệu chứng khát mới cho uống nước. Nên xem việc bổ sung nước và nhắc nhở trẻ đi tiểu quan trọng như nhu cầu ăn uống của trẻ. Hướng dẫn các bé gái lau rửa đúng cách vùng bộ phận sinh dục sau khi đi vệ sinh để tránh bị viêm.

Dấu hiệu nhận biết

Để nhận biết bệnh, cần lưu ý những dấu hiệu sau đây:

Ở trẻ sơ sinh và nhũ nhi, triệu chứng thường không rõ ràng, do trẻ nhỏ không diễn tả được cho chúng ta biết, nên cần tìm những dấu hiệu gián tiếp như sốt không rõ nguyên nhân, sốt kéo dài, bỏ bú, rối loạn tiêu hoá, không tăng cân hoặc vàng da kéo dài trong thời kỳ sơ sinh.

Ở trẻ lớn hơn: nếu trẻ than hay thấy tiểu rát, tiểu lắt nhắt, muốn đi tiểu mà không tiểu được hoặc trẻ tiểu són, nước tiểu đục hoặc tiểu máu, sốt và kêu đau bụng, đau hông lưng thì cần đưa trẻ đến bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám và điều trị kịp thời.

PGS.TS.BS Trần Thị Mộng Hiệp, phó trưởng bộ môn y học gia đình, đại họcY khoa Phạm Ngọc Thạch; nguyên trưởng khoa thận – nội tiết bệnh viện Nhi Đồng 2, TP.HCM

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vi Thoại (Sài Gòn tiếp thị)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN