Nghe tiếng con thở rít như gà gáy, cha mẹ coi chừng con tắt thở giữa đêm
Đây là bệnh nhiễm khuẩn cấp tính đường hô hấp, thường diễn biến nặng, dễ tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Theo Bộ Y tế, những tháng đầu năm ghi nhận sự gia tăng các trường hợp mắc ho gà tại một số tỉnh, thành phố so với cùng kỳ năm ngoái, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Bắc.
Sáng 7/3, Sở Y tế Hà Nội cho biết trong 2 tháng đầu năm có 12 ca mắc ho gà. Tại Bệnh viện Nhi Trung ương, thời gian gần đây số bệnh nhân bị ho gà vào viện gia tăng. Từ đầu năm 2017 đến nay, bệnh viện tiếp nhận hơn 50 trẻ ho gà, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ có 12 ca.
Chăm sóc trẻ mắc bệnh ho gà ở BV Nhi Trung ương. Ảnh: T.Hà
Một số trẻ rất nặng phải thở máy, điều trị trao đổi oxy ngoài màng cơ thể (ECMO). Đã có 4 ca tử vong. Hầu hết trẻ đều chưa tiêm vaccine hoặc tiêm chưa đủ liều. Trong đó có rất nhiều trẻ dưới 2 tháng tuổi- trước thời điểm tiêm mũi 1.
Ho gà là bệnh truyền nhiễm lây lan nhanh qua đường hô hấp, thường diễn biến nặng, dễ tử vong. Bệnh cần theo dõi và cách ly khi phát hiện trẻ mắc bệnh.
Cha mẹ cần đưa con đi khám khi thấy bé bị ho để được chẩn đoán đúng. Đặc biệt lưu ý với trẻ nhỏ 1 đến 3 tháng tuổi vì dễ gây biến chứng nặng.
Nguyên nhân chính gây bệnh ho gà là do sự xâm nhập của vi khuẩn Bordetella pertussis. Trong những ngày thời tiết thường xuyên ẩm ướt, chính là điều kiện lý tưởng để vi khuẩn này sinh sôi và phát triển nhanh chóng.
Lịch tiêm chủng cha mẹ cần nhớ
Nhiều trẻ sơ sinh mắc bệnh ho gà do lây bệnh từ anh chị em, bố mẹ hoặc người chăm sóc mà thậm chí có thể họ không biết có bệnh. Các triệu chứng của bệnh ho gà thường xuất hiện trong vòng 5 – 7 ngày sau khi phơi nhiễm, nhưng đôi khi nó kéo dài tới 3 tuần.
Biểu hiện lâm sàng khá điển hình với những cơn ho dữ dội kéo dài, bệnh ho gà diễn biến: Khởi đầu, bệnh nhi ho kéo dài từ 1-2 tuần với triệu chứng nhiễm trùng đường hô hấp trên không rõ ràng như chảy mũi, ho nhẹ (phần nhiều là ho về đêm). Ở giai đoạn này, để chẩn đoán phân biệt ho gà rất khó do triệu chứng của ho gà giống với những biểu hiện cảm cúm, viêm đường hô hấp thông thường.
Từ 1-2 tuần kế tiếp, bệnh nhi bắt đầu ho nhiều hơn, ho từng cơn kéo dài, sặc sụa khó kìm hãm, thở rít như tiếng gà gáy. Sau những cơn ho trẻ thường đỏ mặt hay tím tái cả người do ho nhiều không đủ dưỡng khí để thở, lâu dần gây suy hô hấp, bệnh nhi cũng có thể chảy nhiềm đờm dãi, sau đó nôn. Cũng chính những con ho dài dữ dội khiến trẻ mệt, kiệt sức, biếng ăn dẫn đến tình trạng suy dinh dưỡng.
Bệnh thường diễn biến nặng, dễ gây tử vong do bị bội nhiễm, gây biến chứng viêm phổi, viêm phế quản - phổi, nhất là ở trẻ dưới 5 tuổi và trẻ suy dinh dưỡng.
Để phòng chống bệnh ho gà, Cục Y tế dự phòng khuyến cáo người dân đưa trẻ đi tiêm chủng tiêm vaccine phòng bệnh ho gà (vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván - DTP hoặc vaccine phối hợp phòng bệnh bạch hầu, uốn ván, ho gà, virus viêm gan B và Haemophilus influenzae type b - Quinvaxem) đủ liều, đúng lịch. Thực hiện vệ sinh cá nhân đúng.
Chiều 6/3, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long yêu cầu Sở Y tế các tỉnh thành rà soát việc tiêm phòng vaccine ho gà đối với trẻ nhỏ, thực hiện triệt để việc tiêm vaccine, bảo đảm tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong tiêm chủng mở rộng đạt ít nhất 95% ở quy mô xã, phường; tiêm bổ sung ngay trong tháng đối với các trường hợp trì hoãn tiêm, kiên quyết xóa các vùng lõm trong tiêm chủng. Bộ Y tế cũng yêu cầu thực hiện giám sát chủ động, xét nghiệm, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh, cách ly kịp thời, không để dịch bùng phát; triển khai các hoạt động vệ sinh phòng bệnh tại các cơ sở giáo dục, các trường học, nhà trẻ đề phòng nguy cơ lây bệnh.... |