Nghề sản xuất dụng cụ chỉnh hình: Mỗi dụng cụ là một số phận

Dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng cho người dị tật, bị tai nạn không chỉ khắc phục khiếm khuyết cơ thể mà còn giúp họ sử dụng những dụng cụ đó một cách thoải mái, tự tin nhất.

“Cô gái ấy thỉnh thoảng vẫn đến thăm tôi, lần nào cũng xinh đẹp trong những bộ váy ngắn, còn khoe đã tìm được việc làm ổn định tại một công ty du lịch…” - mắt ông Nguyễn Tấn Tự, kỹ thuật viên (KTV) dụng cụ chỉnh hình Bệnh viện (BV) Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, hiện rõ nét hạnh phúc khi kể lại câu chuyện. Cô gái ấy là bệnh nhân mà nhiều năm trước được ông Tự giúp tìm lại hình hài và cả sự yêu đời sau vụ tai nạn thảm khốc cướp đi gần trọn chân phải.

Đời là cổ tích

Cô gái xinh đẹp đang làm trong ngành du lịch giờ đã gần 30 tuổi. Ngày xưa, khi đến gặp “chú Tự”, cô và một cô bé khác vừa kết bạn trên giường bệnh - cũng mất chân lên đến 1/3 đùi, tuổi chưa đến 20, ốm yếu, gầy gò sau vụ tai nạn. Ông Tự đã phải chêm rất kỹ 2 chiếc chân giả cho hai cô bé để nó êm và vừa với thân hình gầy nhỏ, đồng thời chăm chút bên ngoài để nhìn chúng giống thật nhất. Ông còn kỹ lưỡng dặn các cô cách chọn vớ da mang bên ngoài để khi mặc váy  người ta nhìn vào không biết đó là chân giả. “Chứng kiến hai cô bé ngày xưa ngày một lớn lên, có công việc và cuộc sống tốt, sải bước tự tin trong những chiếc váy ngắn khiến tôi thấy đời đẹp như cổ tích” – ông Tự tâm sự.

Nghề sản xuất dụng cụ chỉnh hình: Mỗi dụng cụ là một số phận - 1

Đôi giày trị tật bàn chân khoèo cho một bé 2 tuổi do KTV BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM chế tạo

“Giày chỉnh hình mỗi đôi mỗi khác. Sau mỗi đôi giày được làm ra không chỉ là một số phận mà còn là ước mơ được đi lại bình thường của ai đó” - đó là điều mà KTV Hồ Tiềm, đồng nghiệp ông Tự, chia sẻ khi chúng tôi đến thăm xưởng vài năm trước. Là người khiếm thính, không thể giao tiếp trực tiếp với bệnh nhân nhưng ông Tiềm vẫn có thể cảm nhận họ - từ sự bối rối khi thử giày cho đến cảm xúc vui mừng trên nét mặt họ và người nhà. Niềm vui bệnh nhân mang lại khi có thể vượt khỏi khiếm khuyết là điều khiến ông tiếp tục cộng tác với xưởng sau khi nghỉ hưu dẫu gánh nặng kinh tế gia đình không còn vì con cái đã lớn khôn.

“Tôi vẫn theo dõi những thông tin về cậu bé ấy” - KTV Trương Hữu Quốc Hùng nói về một bệnh nhi được anh ráp chân giả ít lâu tại BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM. Chỉ cần có ai hỏi là anh say sưa kể về việc cậu bé bây giờ có thể chơi những trò gì, đi bao xa nhờ chiếc chân mới ấy. “Có người đi vào BV phải lết nhưng đi ra đã tự tin bước thẳng. Với người ngoài, đó có thể là một phép lạ còn đối với những KTV như chúng tôi, đơn giản là một nụ cười mãn nguyện vì mình đã làm hết sức với nghề” - anh Hùng bày tỏ.

Tìm lại chất lượng sống cho bệnh nhân

Vẫn làm liền tay khi chúng tôi đến thăm xưởng, anh Cao Hoàng Thái, KTV dụng cụ chỉnh hình của BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, kể về bệnh nhân anh đang làm dụng cụ chỉnh hình: Một cậu bé mắc dị tật ở chân, cần một chiếc nẹp lên tận đùi để có thể đi lại. Nghe anh kể chúng tôi cứ tưởng bé là người thân bởi thông tin về nhân thân, hoàn cảnh, bệnh tật hết sức chi tiết. Tuy nhiên, anh cười xòa: “Làm dụng cụ cho bệnh nhân thì đương nhiên phải tìm hiểu kỹ về bệnh nhân. Biết hết về họ thì mới làm dụng cụ phù hợp được”.

Nghề sản xuất dụng cụ chỉnh hình: Mỗi dụng cụ là một số phận - 2

Dù công việc vất vả nhưng chị Đinh Thị Lan vẫn luôn vui vẻ với nghề mình đã chọn

Đồng nghiệp của anh Thái, chị Đinh Thị Lan, một KTV cũng đã có 10 năm kinh nghiệm, chia sẻ: “Tôi nhớ nhất là những người lớn tuổi, vì bệnh tật, đột nhiên họ mất khả năng đi lại, làm việc gì cũng phải nhờ đến con cháu. Khi mang dụng cụ vào và có thể tự bước đi, trông họ rất vui làm tôi cũng vui lây…”.

Theo BS Đinh Quang Thanh, Trưởng Khoa Vật lý trị liệu và Phục hồi chức năng, BV Phục hồi chức năng và Điều trị bệnh nghề nghiệp TP HCM, điều quan trọng nhất của một dụng cụ chỉnh hình là nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân; giúp họ có thể làm được một số việc mà dị tật, tai nạn khiến họ không làm được một cách thoải mái nhất. “Riêng với trẻ em, chúng tôi còn cho các em chọn lựa màu sắc và lót đặc biệt êm. Khi được chọn, các em sẽ dễ chấp nhận việc sử dụng dụng cụ giả hơn” – BS Thanh cho biết.

Cần có sự kết nối

Theo BS Đỗ Trọng Ánh, Giám đốc BV Chỉnh hình và Phục hồi chức năng TP HCM, vai trò của dụng cụ chỉnh hình rất quan trọng trong ngành này bởi nhiều dị tật, khiếm khuyết do bẩm sinh hoặc tai nạn có thể được điều chỉnh bằng điều trị bảo tồn chứ không hẳn có tật về cơ - xương - khớp là phải mổ xẻ như nhiều người nghĩ. Một số trường hợp sau phẫu thuật vẫn cần đến dụng cụ chỉnh hình để hoàn thiện quá trình điều trị. Để hoàn thành tốt một dụng cụ, các nhân viên y tế tham gia quá trình điều trị nói chung và KTV dụng cụ chỉnh hình nói riêng cần có sự kết nối với bệnh nhân. “Có những việc tưởng chừng như không liên quan như hoàn cảnh sống, tình trạng hôn nhân, sở thích, tâm lý… nhưng lại rất quan trọng trong việc lập ra kế hoạch điều trị mà KTV dụng cụ chỉnh hình cũng như cả đội ngũ bác sĩ, kỹ thuật viên vật lý trị liệu,... rất cần nắm rõ” - BS Ánh nhấn mạnh.

Kỳ tới: “Hãy nhìn tôi đây!”

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Thư (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN