Chuyện cảm động về bệnh nhân ung thư máu đầu tiên chữa thành công

Đang là nhân viên kế toán của một bệnh viện lớn, tương lai rộng mở thì căn bệnh quái ác ập xuống. Có gặp ác mộng, Linh cũng không thể tưởng tượng được, mình bị mắc bệnh ung thư máu, căn bệnh mà cả tỉnh, số người mắc chỉ 1-2 người. Đó là tâm sự của bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh, bệnh nhân đầu tiên được ghép tế bào gốc máu dây rốn thành công vừa được viện Huyết học và Truyền máu Trung ương công bố.

Căn bệnh ám ảnh

Thông tin ca ghép tế bào gốc đầu tiên từ mẫu dây rốn cộng đồng cho bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh (28 tuổi, ở TP.Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình) thành công đã mở ra hy vọng cho những bệnh nhân ung thư máu trên cả nước có cơ hội chữa khỏi bệnh.

Chuyện cảm động về bệnh nhân ung thư máu đầu tiên chữa thành công - 1

Sức khỏe của Linh đang dần hồi phục nhưng vẫn cần mẹ chăm sóc.

Trong căn phòng cách ly hai lớp cửa khá rộng rãi tại khoa Ghép tế bào gốc, viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, bệnh nhân được ghép tế bào gốc máu dây rốn đầu tiên Hoàng Thị Thùy Linh đã khỏe hơn nhiều, có thể tự đi lại và trò chuyện được. Tuy nhiên, sức khỏe của Linh còn yếu, người mệt mỏi nên phần lớn thời gian phải nằm trên giường bệnh. Ngồi bên giường bệnh chăm sóc cho con gái từng ly từng tý, người phụ nữ dáng mảnh khảnh, khuôn mặt hốc hác vì thiếu ngủ, lo lắng, đã phần nào tươi tỉnh hơn sau khi nghe thông báo Linh sắp được ra viện.

Cô Trương Thị Thúy, mẹ Linh chia sẻ với PV báo ĐS&PL, trước đó, Linh đang làm nhân viên kế toán tại một bệnh viện lớn ở thành phố Đồng Hới (tỉnh Quảng Bình). Gia đình hai bên nội ngoại không có ai mắc căn bệnh quái ác này, thật trớ trêu nó lại rơi vào nhà tôi. Nhưng rất may mắn, Linh được ghép tế bào gốc và hoàn toàn có hy vọng chữa khỏi được bệnh, hoặc ít ra cũng kéo dài được gấp đôi thời gian so với bệnh nhân khác. Ngày 7/4, Linh được xuất viện, sau đó khoảng 10 ngày, quay trở lại viện để các bác sỹ kiểm tra. Có thể nói, đến thời điểm này, bệnh tình của Linh gọi là tạm ổn, tinh thần của Linh cũng đã vững hơn trước rất nhiều. Linh được các bác sỹ phẫu thuật ghép tế bào gốc vào 30/12/2014. Cứ tưởng không có tế bào gốc phù hợp, bởi trước đó, em trai Linh sẵn sàng hiến tế bào gốc nhưng không hợp. May mắn, các bác sỹ tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp trong ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. Ca phẫu thuật thành công, gia đình hy vọng và mong Linh khỏi bệnh hoàn toàn. Chưa biết kết quả thế nào nhưng ca ghép thành công như một bài thuốc tinh thần to lớn cho bản thân Linh và gia đình sau những ngày dài chờ đợi và hy vọng.

Nhớ lại một ngày vào đầu tháng 9/2014 khiến tinh thần Linh sụp đổ, tâm trạng rối bời, xen lẫn lo lắng và sợ hãi. Bố mẹ, người thân của Linh biết chuyện cũng rất choáng váng và không tin điều đó là sự thật. Linh vẫn còn nhớ, vào một ngày đầu tháng 9/2014, không tin vào tai mình khi nghe thông báo bị bệnh ung thư máu.

Chuyện cảm động về bệnh nhân ung thư máu đầu tiên chữa thành công - 2

Bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh.

Khi gợi lại cái tin sét đánh với gia đình người con gái lớn chăm ngoan học giỏi, có hiếu với bố mẹ mắc căn bệnh hiểm nghèo, cô Trương Thị Thúy không tin vào sự thật, gần như không còn nước mắt để mà khóc. Người mẹ suy sụp hoàn toàn, nhiều lúc muốn buông xuôi, nhưng nghĩ đến con gái, cô Thúy lại tự nhủ “còn nước còn tát”, mình không thể gục ngã, phải làm chỗ dựa tinh thần cho con yên tâm điều trị. “Thực sự, những ngày đó như một cơn ác mộng đối với gia đình, mọi thứ gần như xáo trộn, cả nhà chỉ tập trung vào việc đưa Linh ra Hà Nội chữa trị. Linh ra trường đi làm, vì công việc bận rộn nên chưa nghĩ đến chuyện lập gia đình. Mới ngoài hai mươi tuổi, tương lai còn rộng mở, không biết sau này chồng con ra sao, có ai sẵn sàng chăm sóc em hay không. Giá mà tôi có thể chịu thay con, tôi sẵn sàng”, mẹ Linh nghẹn ngào nói.

Có thể chữa khỏi ung thư máu!

Sau 3 tháng từ ngày phẫu thuật cấy ghép tế bào gốc, sức khỏe của Linh đã khá hơn rất nhiều. Suốt quá trình theo dõi và điều trị tại bệnh viện, tình hình sức khỏe của Linh gần như đã ổn, tiến triển tốt và hoàn toàn tin tưởng có thể khỏi trong tương lai không xa. Cô Trương Thị Thúy cho biết thêm: “Không giống như các bệnh khác, bệnh của Linh hàng tháng đều đặn phải trở lại bệnh viện khám, để bác sỹ theo dõi diễn biến. Cũng may, nhờ bảo hiểm, ca phẫu thuật được giảm khoảng 80%, gia đình vẫn phải vay mượn một khoản khá lớn hơn 200 triệu đồng. Bố Linh là công chức, tôi chỉ buôn bán lặt vặt ở nhà, sau Linh còn một em trai vẫn đang đi học, bởi vậy kinh tế gia đình rất eo hẹp. Nhưng, con bị bệnh, tốn bao nhiêu cũng phải vay mượn mong con khỏe. Từ ngày ra Hà Nội điều trị cho con rất tốn kém, nhưng biết làm sao, chỉ biết hy vọng và chờ đợi ngày nào đó Linh sẽ khỏe”.

Đến nay, sau hơn 90 ngày theo dõi, các bác sỹ viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, các chỉ số của bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh gần như đã ổn định hoàn toàn, tế bào gốc máu cuống rốn đã mọc ổn định, thay thế toàn bộ tế bào gây bệnh. Bệnh nhân không cần truyền máu từ cách đây một tháng. Hiện, bệnh nhân cũng không phải truyền hóa chất, chỉ uống thuốc chống thải ghép và theo dõi.

Theo TS. Bạch Quốc Khánh, Phó viện trưởng viện Huyết học và Truyền máu Trung ương, bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh phát hiện ung thư máu từ tháng 9/2014. Đây là một bệnh nhân mắc bệnh Lơ-xê-mi cấp thể M5a (ung thư máu) nên phương pháp điều trị tối ưu nhất với người bệnh là thực hiện ghép tế bào gốc đồng loại. Ghép tế bào gốc đồng loại là phương pháp truyền tế bào gốc tạo máu từ người cho phù hợp về HLA (người cho chủ yếu là cùng huyết thống). Em trai của bệnh nhân đã sẵn sàng hiến tế bào gốc cho chị gái, nhưng giữa hai chị em lại không phù hợp về HLA. Rất may đã tìm được nguồn tế bào gốc phù hợp trong ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. “Các nước đa số dùng mẫu máu dây rốn ghép cho trẻ em, vì số lượng tế bào gốc thu được chỉ đáp ứng một phần nào đó cho trẻ, một người lớn có trọng lượng 70kg thì không đủ. Qua kinh nghiệm của Nhật Bản, Viện cải tiến kỹ thuật để có thể thu tế bào gốc đủ ghép cho người lớn, nặng 60-70kg”, TS. Bạch Quốc Khánh nói.

 

Tin vui cho bệnh nhân ung thư máu

GS. TS Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng viện Huyết học và Truyền máu Trung ương cho biết, tại Việt Nam, ghép tế bào gốc đã được tiến hành nhiều năm qua, nhưng chủ yếu là ghép tự thân và ghép đồng loại. Trường hợp bệnh nhân Hoàng Thị Thùy Linh là ca ung thư máu người lớn đầu tiên được ghép tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng. Đây là lựa chọn tốt nhất để có hy vọng chữa khỏi bệnh cũng như kéo dài được ít nhất gấp đôi thời gian sống so với bệnh nhân thông thường, mở ra một hướng mới cho các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo. Sau bệnh nhân này, Viện đã thực hiện ghép tế bào gốc từ máu dây rốn cộng đồng cho bệnh nhân thứ hai và nhiều bệnh nhân khác sẽ được tiếp tục ghép từ nguồn tế bào gốc của ngân hàng. Ngân hàng Tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng đã mở ra cánh cửa tưởng chừng như đã khép lại với rất nhiều bệnh nhân mắc bệnh ung thư máu được thực hiện phương pháp ghép tế bào gốc đồng loại. Tuy nhiên, chi phí cho một ca ghép tế bào gốc máu dây rốn cộng đồng rất cao, khoảng 1 tỉ đồng”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Chương Chương (Đời sống & Pháp luật)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN