Mẹ lấy gan làm quà sinh nhật con
Cháu bé nhận gan từ mẹ ngay trong ngày sinh nhật 1 tuổi. Đây là ca ghép gan cho bệnh nhi nhỏ tuổi nhất, nhẹ cân nhất, thời gian phẫu thuật kéo dài nhất của Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM.
Sau một đêm trải qua cuộc đại phẫu ghép gan, sáng 5-9, mẹ con chị Nguyễn Hồng Hải (ngụ TP HCM) đã tỉnh lại. TS-BS Trương Quang Định, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết ca ghép được thực hiện thành công; sức khỏe hai mẹ con ổn định.
Món quà là mạng sống
Không như nhiều đứa trẻ khác, bé Phan Nguyễn Minh Hân (1 tuổi) vừa ra đời đã mắc bệnh teo đường mật và được mổ Kasai lúc 3,5 tháng tuổi. Sau đó, các bác sĩ chỉ định Hân phải được ghép gan vì bé bị xơ gan giai đoạn cuối, nếu không sẽ khó sống được lâu. Theo TS-BS Trương Quang Định, trước khi mổ, bé nặng 7,7 kg, vàng da; bụng, gan, lá lách to.
Các bác sĩ đang ghép gan cho bệnh nhi Phan Nguyễn Minh Hân
Sau nhiều lần làm các kiểm tra, xét nghiệm, mẹ bé, chị Nguyễn Hồng Hải (29 tuổi), là người có gan phù hợp để ghép. Mất thêm nhiều tháng chuẩn bị, việc phẫu thuật nối ghép gan được tiến hành ngày 4-9 với sự hợp sức của hơn 50 y, bác sĩ của các bệnh viện: Nhi Đồng 2, Đại học Y Dược và Saint Luc (Vương quốc Bỉ).
Ngày phẫu thuật đặc biệt có ý nghĩa bởi cũng là ngày thôi nôi của bé Hân. Ngày sinh nhật đầu tiên trong đời cũng là ngày bé nhận được món quà ý nghĩa từ mẹ: Một phần lá gan - một phần quan trọng để tiếp tục sự sống.
Sáng 4-9, hai mẹ con cùng được đưa vào phòng mổ, các bác sĩ tiến hành 2 việc song song: Vừa lấy gan của mẹ vừa ghép cho con. Phần lá gan hư của bé Hân được cắt bỏ, thay bằng phần gan nặng khoảng 400 g của chị Hải.
Vỡ kịch bản
Dự kiến ca ghép gan diễn ra trong vòng 12 giờ. Tuy nhiên do gặp một trở ngại ngoài ý muốn nên ca phẫu thuật kéo dài đến 15 giờ. Lúc 18 giờ 30 phút, sau nửa ngày cặm cụi với từng đường dao, mũi chỉ, các bác sĩ hoàn thành việc ghép gan và đóng ổ bụng cho bệnh nhi. Tuy nhiên, khi các bác sĩ buông kéo, bé Hân chuyển ra phòng hậu phẫu để siêu âm kiểm tra chức năng lá gan mới thì phát hiện động mạch máu gan của bé bị tắc do chèn ép. Trước tình huống không mong muốn này, bé Hân được đưa trở lại phòng mổ để các bác sĩ mở ổ bụng, khắc phục việc chèn ép mạch máu. Khi mọi việc ổn thỏa thì kim đồng hồ đã chỉ hơn 22 giờ.
TS-BS Phan Thị Minh Tâm, Trưởng Khoa Gây mê - Hồi sức Bệnh viện Nhi Đồng 2, cho biết trong 8 ca ghép gan được thực hiện tại Bệnh viện Nhi Đồng 2, đây là ca nhỏ tuổi nhất, nhẹ cân nhất và thời gian phẫu thuật cũng kéo dài nhất. Nói về sự cố ngoài ý muốn khiến việc gây mê kéo dài, bác sĩ Tâm cho biết không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe của bé. Theo bác sĩ Tâm, trong hàng chục ca ghép tạng trước đó, có ca gây mê còn kéo dài hơn. “Các công đoạn phẫu thuật chúng tôi đã cẩn trọng tuyệt đối, đặc biệt công tác gây mê, phải bảo đảm làm sao bệnh nhi sau phẫu thuật tỉnh lại nhanh nhất” - bác sĩ Tâm nhấn mạnh. Theo bác sĩ Tâm, bé Hân đã tỉnh nhưng phải còn cho thở máy hỗ trợ. Bé sẽ được theo dõi hậu phẫu chặt chẽ trong 3 tháng sau ghép.
Hồi sinh nhiều sự sống Ngày 5/9, Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP HCM kỷ niệm 10 năm ghép tạng. Trong 10 năm qua, bệnh viện đã thực hiện được 8 ca ghép gan và 12 ca ghép thận. Hiện các bé phát triển bình thường về thể chất, trí tuệ. Dịp này, UBND TP HCM đã trao tặng bằng khen cho các chuyên gia ngành tạng, trong đó có 2 giáo sư Reding và Otte đến từ Vương quốc Bỉ vì có công đóng góp cho ngành ghép tạng Việt Nam. |