Mặt tối của khám chữa bệnh theo yêu cầu

Mặt trái, mặt tối của khám chữa bệnh (KCB) theo yêu cầu trong bệnh viện công chính là sự nhập nhèm công tư núp dưới bóng xã hội hóa.

Nếu các trường học có các "phòng học theo yêu cầu” đã bị mổ xẻ phân tích lên án, thì hệ lụy của các dịch vụ tự nguyện hay liên doanh, liên kết trong BV công cũng gây cho bệnh nhân thiệt thòi vô lý, trong khi thầy thuốc lại "phất” lên trông thấy.

Mặt tối của khám chữa bệnh theo yêu cầu - 1

Bệnh viện công ngày càng quá tải

Trước hết, phải kể tới việc bác sĩ lạm dụng dịch vụ, làm tăng chi phí cho người bệnh. Đó chính là cổ phần hóa, tư nhân hóa BV công lập dù có gọi bằng tên mỹ miều là xã hội hóa hay gì chăng nữa.

TS.BS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết: Các doanh nghiệp (DN) đầu tư máy móc vào BV đều vì lợi nhuận, thời gian đầu họ đòi BV phải thỏa thuận ăn chia theo tỷ lệ lãi suất từ sử dụng máy móc xã hội hóa là 70/30, hiện nay là 60/40. Nếu người quản lý BV không có năng lực tốt, không chặt chẽ, không khống chế sự lạm dụng dịch vụ thì sẽ tạo cơ hội cho DN thoải mái kiếm tiền trên lưng người bệnh.

Thực tế nhiều y, bác sĩ các BV đã có tình trạng lạm dụng chỉ định chiếu chụp nhằm hưởng "hoa hồng” của DN, hoặc chính họ là DN góp vốn móc túi người bệnh. Nếu liên doanh, liên kết với tư nhân đầu tư máy móc vào BV mà "khoán”, giao chỉ tiêu định mức bắt buộc chắc chắn sẽ dẫn đến tình trạng lạm dụng chỉ định tràn lan. Hơn nữa, sự mập mờ trong cơ chế bệnh tật cũng là lý do để y, bác sĩ có thể lạm dụng chỉ định mà người bệnh buộc phải chấp nhận. "Ranh giới giữa lạm dụng hay không lạm dụng là rất mong manh” - TS. Phú nhìn nhận.

Sự lẫn lộn tài sản công - tư càng đáng phê phán, khi hệ thống các bệnh viện công, nhất là trong nội thành Hà Nội đã quá tải ở mức báo động. Tỷ lệ bác sỹ/vạn dân còn thấp, chưa đáp ứng được nhu cầu. BV tư có giá thuê mặt bằng và đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực quá lớn, trong khi các khu dịch vụ tại BV công ngang nhiên sử dụng đất, giường công của Nhà nước cho dịch vụ riêng của BV. Nhà nước thiếu những quy định pháp lý về sử dụng nhà, đất của các BV công và hoàn toàn không chủ trương cổ phần hóa BV công.

Thứ nữa, việc sử dụng nhân lực công cho các hoạt động tư cũng đang biến BV công thành BV tư, tập trung đầu tư các nguồn lực theo yêu cầu cho người thu nhập khá. Vậy vai trò Nhà nước ở đâu trong việc đảm bảo công bằng chăm sóc y tế cho đa số người dân, làm sao khuyến khích người dân tham gia BHYT, khi mục tiêu phấn đấu trên 75% số dân tham gia BHYT vào năm 2015, tiếp tục duy trì các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT đạt tỷ lệ 100%…

Bộ Y tế đã nhìn nhận ra mặt trái trong việc các BV công ồ ạt mở các dịch vụ tư núp bóng "bệnh nhân tự nguyện”, nên đã chấn chỉnh bằng việc nghiêm cấm các BV lạm dụng các dịch vụ để tận thu, hạn chế việc đầu tư dưới hình thức góp vốn với mọi hình thức. Song liệu các BV công có tự nguyện hạn chế được không, khi cơ chế quản lý, giám sát chưa có gì đảm bảo công khai, minh bạch, vả lại đó chính là nguồn thu lớn của BV?

BV công phải thực thi các chính sách xã hội và cũng là nơi phát huy những sáng kiến phục vụ bệnh nhân, khám và điều trị tốt hơn, sáng tạo ra những cơ chế cho những người có khả năng thực thi những kỹ thuật và có thu nhập thỏa đáng. Cần sớm chấm dứt dịch vụ tư trong BV công, trả lại quyền lợi cho người bệnh khi tới BV công. Không nên cho phép tư nhân góp vốn, sử dụng nguồn lực công kể cả tài sản và nhân lực cho "sân sau” là khu dịch vụ trong BV công. Mọi hình thức xã hội hóa y tế như xây dựng và thành lập BV cổ phần, BV liên doanh, cơ sở KCB, BV tư, phải thực hiện ở ngoài phạm vi BV công.

Chừng nào ngành y tế còn duy trì hai hình thức cung cấp dịch vụ công và tư trong cùng một BV công, quá trình tự chủ tài chính trong BV sẽ càng dễ dẫn đến khuynh hướng biến BV công thành BV tư dưới mọi hình thức.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Kim Liên (Đại đoàn kết)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN