Lặng lẽ ở bệnh viện chỉ toàn bệnh nhân đơn độc

Bệnh viện 09 nằm trên quốc lộ 70, thuộc huyện Thanh Trì, Hà Nội là nơi duy nhất của ngành y tế Hà Nội điều trị cho bệnh nhân nhiễm HIV.

Lặng lẽ ở bệnh viện chỉ toàn bệnh nhân đơn độc - 1

 Điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân HIV tại bệnh viện 09

Nơi chỉ có người bệnh và bác sĩ

Khác với các bệnh viện khác, bệnh viện 09 không có cảnh chen chúc khám mà là cảnh lặng lẽ, chỉ thấp thoáng vài bệnh nhân, nhân viên y tế và bảo vệ ở ngoài sảnh bệnh viện.

Đối với các bác sĩ tại đây, cánh cổng bệnh viện đóng lại là họ ở thế giới của riêng mình, nơi có những bệnh nhân đặc biệt. Đi dạo qua một vòng bệnh viện, có đến 80 % bệnh nhân của bệnh viện thân hình xăm trổ và hầu như bệnh nhân đều không có người thân chăm sóc.

Trong cái nắng cháy trời của Hà Nội vào những ngày tháng 6, thạc sĩ Nguyễn Thị Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện 09 Hà Nội tâm sự: "Đối với các bác sĩ, điều dưỡng tại bệnh viện thì sự kỳ thị từ xã hội thực sự là rào cản. Có lẽ vì thế, mỗi khi muốn tuyển nhân sự, bệnh viện 09 luôn rơi vào điểm đen vì không có bác sĩ nào muốn về đây công tác mà bệnh viện đều động viên những điều dưỡng, y sĩ của bệnh viện đi học thêm để trở thành bác sĩ về phục vụ bệnh nhân".

Lật dở từng hồ sơ bệnh án, bác sĩ Thảo kể bệnh nhân của bệnh viện 09 đặc biệt vô cùng khi có đến 90% bệnh nhân là người nghiện ngập. Khi trở về với xã hội lại mang thêm căn bệnh thế kỷ, bị gia đình, xã hội kỳ thị họ tìm đến bệnh viện như một điểm tựa. Nhiều bệnh nhân tìm đến đây để... chờ chết. 

Anh Nguyễn Văn H. đến từ Hà Nội đang điều trị tại bệnh viện, anh không có người thân chăm sóc mà chỉ biết trông chờ vào sự chăm sóc của các cán bộ y tế. Anh H. kể người thân của anh không quan tâm tới anh. Bệnh viện này là nơi cuối cùng anh đến ở đó anh có cơm ăn, có thuốc uống , có người chia sẻ.

Bác sĩ Thảo cho biết HIV đã được tuyên truyền rất nhiều nhưng đến nay vẫn còn có sự kỳ thị. Có trường hợp bệnh nhân đến viện trong trạng tháng trầm uất vì bị chính gia đình mình kỳ thị. Gia đình không cho bệnh nhân ăn cơm chung mâm, mọi sinh hoạt đều bị cách ly. Sau đó, các bác sĩ đã mời gia đình đến tư vấn về đường lây cũng như các nguy cơ khác và tác hại của sự kỳ thị. Nhờ thế, gia đình đã hiểu và không kỳ thị với chính người thân của mình.

Lặng lẽ ở bệnh viện chỉ toàn bệnh nhân đơn độc - 2

  Bệnh viện 09 vắng vẻ trong cái nắng cháy trời của Hà Nội

Chỉ vào buồng bệnh với 2, 3 bệnh nhân xăm hình, da loang lổ những vết thâm, bác sĩ Thảo cho biết bác sĩ nam làm việc ở đây đã được xem là phải “gấu” nhưng các bác sĩ nữ ở đây lúc nào cũng phải cố gắng mềm nắn, rắn buông với bệnh nhân để họ tuân thủ điều trị. Có lúc, họ còn cầm kim tiêm dọa lại bác sĩ.

Nơi chỉ có tình thương và sự cô độc

Ở bệnh viện 09, những bệnh nhân tử vong không có người thân đến nhận là chuyện thường tình. Bác sĩ Thảo tâm sự nghĩa tử là nghĩa tận nên các bác sĩ thường chuẩn bị bát cơm, quả trứng để thắp hương cho người bệnh. Các chi phí hỏa thiêu và đặt tro cốt toàn bộ đều do bệnh viện thanh toán. Nhiều người trước khi chết chỉ muốn được gặp người nhà lần cuối, bác sĩ gọi cho gia đình họ chỉ nhận được lời lạnh lùng nhầm máy hay khi nào chết hãy gọi…Thậm chí, có những người thân của bệnh nhân nhắn tin thẳng vào điện thoại của lãnh đạo bệnh viện bảo “chữa cho nó làm gì, để nó chết đi”.

Tại bệnh viện, bác sĩ thường xuyên phải động viên bệnh nhân để họ tuân thủ điều trị, có khi phải chờ cho bệnh nhân uống thuốc xong mới có thể đi vì nếu họ không tuân thủ điều trị thì nguy cơ kháng thuốc rất lớn nhất là những bệnh nhân đã có nhiễm trùng cơ hội như bệnh lao.

Điều khiến bệnh viện luôn trở nên “cô độc” đó là hình ảnh của những bệnh nhân sống những ngày cuối cùng trước khi ra đi, ánh mắt lúc nào cũng khát khao, đau đáu ngóng chờ người thân. Dù không nói ra nhưng ai cũng hiểu trong giây phút sắp lìa đời, họ cần đến thế nào sự chia sẻ, quan tâm của những người thân. Có thể, người thân của họ cũng quá mệt mỏi, chán nản với họ nên mới có sự lạnh lùng như thế nhưng với các bác sĩ thì sự sống là quý giá họ chỉ còn biết động viên an ủi bệnh nhân chiến đấu với bệnh tật.

Bác sĩ Thảo kể nhiều hôm mưa to gió lớn, trời lại đang đông, không có thân nhân của người đã chết, chỉ có bóng dáng lầm lũi của các bác sĩ tiến về nhà tang lễ tiễn đưa người quá cố. Sau giây phút khâm liệm, cỗ quan tài được đưa thẳng xuống nghĩa trang Văn Điển hỏa táng. 

Ở bệnh viện 09 có một phòng dành riêng đặt những lọ tro cốt của bệnh nhân không được người nhà thừa nhận.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Ngọc (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN