Không có chuyện quản lý lỏng lẻo ma túy đá

Tiền chất gây nghiện pseudoephedrine (PSE) làm thuốc cúm nhưng cũng là nguyên liệu làm ma túy đá. Vì sao trong trường hợp bình thường, Bộ Y tế lại ưu tiên cho doanh nghiệp nhập chất này với lượng lớn như vậy?

Đại biểu Chu Sơn Hà (Hà Nội) đã đặt câu hỏi này với Bộ trưởng Bộ Y Tế Nguyễn Thị Kim Tiến tại phiên chất vấn của Quốc hội chiều 13.11. Theo đại biểu, số lượng tiền chất ma túy PSE được cấp phép nhập khẩu tăng cao qua từng năm trong khi bệnh cảm cúm lại không có sự tăng đột biến.

Đại biểu Hà cho biết, thực tế hiện nay các ngành chức năng mới chỉ kiểm soát được ở khâu nhập khẩu tiền chất PSE, còn hoạt động mua bán tiếp theo của các đơn vị, cá nhân và đường đi cũng như mục đích sử dụng tiền chất này vẫn chưa kiểm soát được.

Không có chuyện quản lý lỏng lẻo ma túy đá - 1

Đại biểu Quốc hội Chu Sơn Hà các ngành chức năng mới chỉ kiểm soát được ở khâu nhập khẩu tiền chất PSE

Cụ thể đại biểu dẫn chứng ra hàng loạt ổ nhóm sản xuất ma túy “đá” từ tiền chất Pseudoephedrine (viết tắt PSE) có trong các viên thuốc cảm cúm đã bị lực lượng công an triệt phá trong thời gian vừa qua.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, PSE là tiền chất phổ biến để sản xuất các loại thuốc trị cảm cúm thông dụng như Tiffy, Decongen… Tháng 8/2011, 8 DN đã tố cáo Cục quản lý Dược “ưu ái” cấp phép cho một công ty tư nhân ở TP Hồ Chí Minh, nhập tiền chất này lớn hơn bình thường.  “Từ đây, thanh tra Chính phủ đã thành lập đoàn thanh tra, và đã kết luận tố cáo trên không có cơ sở, việc quản lý tiền chất PSE của Bộ Y Tế là rất chặt chẽ, không có chuyện quản lý lỏng lẻo. Tất cả đều có giám sát của bộ ngành liên quan về số lượng đã được cấp phép”, Bộ trưởng nói.

Bộ trưởng Bộ Y Tế cũng thể hiện mong muốn hợp tác với ban ngành, dư luận hãy giám sát, kiểm tra và tố cáo nếu phát hiện cơ sở lợi dụng tiền chất PSE để chiết suất ma túy đá.

Trước đó, tháng 8/2011, Cục Quản lý dược đã có báo cáo về công tác quản lý thuốc gây nghiện, hướng tâm thần, tiền chất dùng làm thuốc cho thấy tính đến tháng 7/2011, Cục này đã cấp 116 số đăng ký thuốc có chứa tiền chất PSE cho 38 công ty trong nước.

Không có chuyện quản lý lỏng lẻo ma túy đá - 2

PSE là tiền chất phổ biến để sản xuất các loại thuốc trị cảm cúm thông dụng như Tiffy. (Ảnh minh họa)

Trong đó có 23 số đăng ký có quy cách đóng gói dạng chai, lọ từ 200-1.000 viên/chai. Cục Quản lý dược còn cấp 24 số đăng ký cho thuốc nước ngoài (chủ yếu là thuốc của các nước châu Á) có chứa PSE nhập khẩu vào VN. Cả năm 2010, Cục Quản lý dược duyệt dự trù cho các công ty nhập hơn 19,7 tấn tiền chất PSE, nhưng chỉ trong sáu tháng đầu năm 2011 đã ký duyệt hơn 24 tấn.

Về việc sản xuất thuốc thành phẩm có chứa tiền chất PSE, báo cáo trên, trong năm 2010 các công ty dược trong nước sản xuất gần 563 triệu viên và trên 1,2 triệu chai thuốc có tiền chất này, chưa kể 25,6 triệu viên thuốc có tiền chất PSE được nhập khẩu. Tuy nhiên chỉ sáu tháng đầu năm 2011, các công ty trong nước sản xuất hơn 481,1 triệu viên và 681.331 chai. Về thuốc ngoại cũng có 11,8 triệu viên và 30.000 chai thuốc các loại khác có tiền chất PSE được nhập khẩu.

Theo chuyên gia ngành dược, nếu cộng cả thuốc nội và thuốc ngoại có chứa PSE trong năm 2010 (chưa kể trên 1,2 triệu chai thuốc có chứa tiền chất) chia cho đầu người dân VN (hơn 80 triệu) thì bình quân mỗi người - dù bệnh hay không bệnh - phải uống hơn 7 viên thuốc có tiền chất PSE. Cũng theo cách tính này, chỉ sáu tháng đầu năm 2011, bình quân mỗi người dân VN phải uống hơn sáu viên.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuyết Mai-Thu Trịnh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN