"Khai thác người bệnh là nghề dễ kiếm tiền nhất?"

Trong khi ở nhiều nước trên thế giới, y tế là một trong những lĩnh vực được ngân sách Quốc gia chi trả, thì tại Việt Nam, dường như nhiều người đang cho rằng, khai thác người bệnh là một nghề dễ kiếm tiền.

Trao đổi với phóng viên, GS.TS Nguyễn Trọng Nhân, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế cảm thấy chua xót khi nhận ra một thực tế như vậy.

Chúng ta đang xã hội hóa y tế nửa vời…

GS Nguyễn Trọng Nhân chia sẻ “Tôi có đọc trên báo mạng về những lùm xùm của các phòng khám tư nhân, đặc biệt là các phòng khám tư nhân có yếu tố người nước ngoài. Và cũng thật đau lòng trước sự việc đáng tiếc vừa xảy ra tại phòng khám Maria. Có một thực tế ở đây là sự buông lỏng quản lý nên dẫn đến hiện tượng các phòng khám cứ trơ trơ vi phạm”.

Nói về buông lỏng quản lý, GS Nhân nhận xét, đó là thực trạng chung ở mọi ngành hiện nay chứ không riêng gì ngành y tế. Tuy nhiên, ngành y tế có liên quan đến tính mạng con người mà để xảy ra nhiều trường hợp đáng tiếc như thời gian qua thì thật đau lòng.

Một thực tế, các bệnh viện công đang quá tải, người dân phải xếp hàng chờ đợi cả ngày mới đến lượt mình khám bệnh. Trong khi đó, lại còn rất nhiều vấn đề “y đức” như nhân viên y tế cáu gắt, hạch sách bệnh nhân...

"Khai thác người bệnh là nghề dễ kiếm tiền nhất?" - 1

GS Nguyễn Trọng Nhân

Chính vì lí do này nên người dân đi khám bệnh luôn muốn tìm cho mình một nơi khám chữa bệnh thuận tiện và được “chào đón” nhất. Trong khi đó, các phòng khám tư, các bệnh viện tư lại có vẻ đảm bảo cho họ được điều này nên người bệnh mới đổ xô đến các phòng khám tư nhiều như vậy.

Xã hội hóa ngành y tế là tốt. Tuy nhiên, tại Việt Nam thì vấn đề này lại phải nhìn nhận lại vì: Các phòng khám tư nhân không mở ở những nơi xa bệnh viện công, xa trung tâm thành phố, nơi người dân cần nhất như nông thôn, hải đảo, miền núi..., mà các phòng khám tư nhân này lại xúm xít xung quanh các bệnh viện lớn để dễ "đánh lõng" bệnh nhân.

“Tôi giật mình khi đi qua Bệnh viện 108, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Việt Đức, Phụ Sản hay ngay cả Bệnh viện Mắt Trung ương và thấy các nhân viên phòng khám tư nhân vẫn ôm sát bệnh viện để móc nối, câu cò, đưa bệnh nhân ra ngoài bệnh viện khám”.

"Khai thác người bệnh là nghề dễ kiếm tiền nhất?" - 2

Nhiều phòng khám tư nở rộ ngay trước cổng bệnh viện

Đặc biệt gần Bệnh viện 108 là phố nhiều phòng khám Răng – Hàm – Mặt và Tai mũi họng, quanh Bệnh viện Mắt TƯ là các cửa hàng khám chữa mắt, GS Nhân nhấn mạnh.

“Đây là cơ hội khai thác bệnh nhân của các phòng khám tư chứ chưa thực sự vì mục đích phụ vụ người bệnh, chưa đảm bảo đúng tinh thần xã hội hóa ngành y” - GS Nhân nhấn mạnh.

Vì thế, theo GS Nhân, việc cấp phép mở các phòng khám, ngoài việc xem xét kỹ về chuyên môn thì cũng phải xem xét thêm các điều kiện khác như địa điểm mở phòng khám phục vụ bệnh nhân…

"Há miệng mắc quai" tại phòng khám ngoại!!!

Còn đối với những phòng khám mời bác sĩ Trung Quốc về khám bệnh thì GS Nhân cho rằng: “Những người mở phòng khám đã đánh trúng tâm lý sính ngoại của người dân Việt. Ai cũng tin rằng y học Trung Quốc hiện đại phát triển thì bác sĩ Trung Quốc khám cũng yên tâm hơn bác sĩ Việt nhưng ai ngờ rằng những người đó chưa phải là bác sĩ hoặc hành nghề y trái phép”.

Trong những trường hợp này, cơ quan chức năng cũng khó quản lý hết được. Đúng như lời Giám đốc Sở Y tế Hà Nội than thở “có kiểm tra 3,4 lần/ tuần thì cũng khó phát hiện bác sĩ ngoại quốc khám chui, vì khi thanh tra ở đó, bác sĩ sẽ trốn mặt, thanh tra đi rồi, bác sĩ lại tiếp tục khám chữa bệnh”.

“Còn chuyện phòng khám này, phòng khám kia đã vi phạm nhiều lần mà không thể đóng cửa được thì có thể do quy định (chuẩn theo quy định thì những sai phạm chưa đến mức phải đóng cửa phòng khám), nhưng cũng có thể do ai đó trong cơ  quan quản  lý chót… “há miệng mắc quai” – Giáo sư Nhân lấp lửng.

Những quảng cáo

Những quảng cáo về phòng khám Maria khiến ngay cả bác sĩ chuyên môn cũng phải giật mình

"Khai thác người bệnh là nghề dễ kiếm tiền nhất?" - 3

Bác sĩ chuyên môn cũng phải giật mình với quảng cáo

Trao đổi về những mỹ từ trong quảng cáo ở các phòng khám tư nhân có yếu tố nước ngoài như phòng khám Maria, phòng khám Việt Mỹ, phòng khám Việt Hải… Giáo sư Nhân cho biết, nghe những quảng cáo đó chúng tôi là người trong ngành còn giật mình, ít có bệnh khó chữa một lần là khỏi? ít có những bệnh phải mổ mà vẫn không cần mổ cũng khỏi?

Điều mà GS băn khoăn nhất là, quảng cáo đó lại được thẩm định bởi các cơ quan chức năng liên quan. Tôi nghĩ, những người thẩm định này chắc chắn cũng phải biết về chuyên môn y khoa (?)!  Nhưng tại sao họ vẫn cho quảng cáo “lọt” qua cửa kiểm tra? Vấn đề này còn đặt ra nhiều dấu hỏi lớn mà người ta chỉ dám phán đoán.

Đôi khi trong lĩnh vực quảng cáo, việc nói quá là không tránh được, nhưng quảng cáo trong khám chữa bệnh mà nói vống lên như thế thì không có lương tâm. Người phê duyệt và phát quảng cáo đó cũng không có lương tâm. Cuối cùng người dân vì quá tin vào quảng cáo mà trở thành nạn nhân của họ.

Quảng cáo dầu gội đầu hay ti vi, tủ lạnh còn có thể nói quá lên, nói một cách khoe khoang được nhưng quảng cáo về phương pháp điều trị bệnh, liên quan đến mạng sống con người thì phải quảng cáo đúng.

Cơ quan chức năng làm ngơ, phòng khám đã trơ trẽn đến mức chẳng cần chỉnh sửa nội dung sao cho phù hợp với lương tâm nghề nghiệp, đó là nguyên nhân dẫn đến những quảng cáo đầy màu hồng về khám chữa bệnh ở các phòng khám tư nhân như phòng khám Maria vừa qua.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lâm Yên (Bee.net)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN