Hút shisha hại hơn thuốc lá

Xu hướng hút shisha đang gia tăng trong giới trẻ Việt. Theo PGS-TS Chu Thị Hạnh – Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), hút shisha độc hại hơn thuốc điếu nhưng lại chưa có điều luật nào “can thiệp” với loại thuốc lá mới nổi này.

Nicotin gấp 5 lần thuốc điếu

PGS-TS Chu Thị Hạnh cho biết, tuy chưa có điều tra cụ thể nhưng hiện nay, nhiều bạn trẻ đang có dấu hiệu nghiện shisha. Theo bà Hạnh, shisha thực chất là một dạng hút thuốc lá qua nước (gần như hút thuốc lào). Thuốc lá được tẩm ướp hương liệu như hoa quả, bạc hà, cà phê khiến cho người hút tăng cường vị giác. Hiện nay, nhiều quán cà phê, đặc biệt là quán karaoke đã xuất hiện thuốc shisha.

Hút shisha hại hơn thuốc lá - 1

Khám và tư vấn cai nghiện tại Trung tâm tư vấn cai nghiện thuốc lá, Bệnh viện Bạch Mai.Ảnh:   Diệu Linh 

Các bạn trẻ coi việc hút shisha như sự sành điệu, thức thời, hợp mốt. Nhiều người quan niệm rằng hút shisha qua nước sẽ giảm bớt được độc tố, không ảnh hưởng tới sức khỏe, hoặc chỉ hút ít, hút chơi chốc lát sẽ không gây nghiện. “Mỗi lần hút shisha thường kéo dài từ 40 phút đến vài giờ. Khói shisha được hít vào phổi của người hút hoặc thải ra phòng khiến nhiều người cũng hít khói thuốc thụ động. Các nghiên cứu cho thấy, hút shisha khiến lượng nicotin trong huyết tương cao gấp 5 lần hút thuốc điếu. Các chất độc khác như CO, NO, các chất gây ung thư, gây tắc nghẽn phổi mãn tính… đều cao hơn thuốc điếu vài chục đến hàng trăm lần” – TS Hạnh chia sẻ. Hút shisha cũng gây ra các ngộ độc cấp tính nếu hút trong nhiều giờ như tăng nhịp tim, làm giảm chức năng hô hấp, giảm ôxy não có thể làm ảnh hưởng đến chức năng não. Ngoài ra việc dùng chung các vòi hút shisha có thể làm lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường hô hấp như bệnh lao, bệnh răng miệng và các viêm nhiễm khác.

Theo bà Hạnh, điều nguy hại nhất hiện nay là các bình điếu để hút shisha đang được bán rộng rãi, công khai trên thị trường cùng với thuốc lá, phụ kiện đi kèm. Các phụ kiện này đều được người bán quảng cáo làm giảm tác hại của thuốc lá như than hoạt, lưới plattic. Các nhãn in thuốc shisha cũng ghi các dòng quảng cáo như thuốc chỉ chứa 0,5% nicotin, 0% nhựa thuốc lá, nguồn gốc tự nhiên, không nhựa hóa chất. “Điều này khiến các bạn trẻ cho rằng hút shisha không gây hại hoặc gây hại sức khỏe ít hơn hút thuốc điếu. Trong khi đó lại thiếu luật và quy định về hút thuốc lá qua nước” – bà Hạnh nhận định. Hiện nay các điều luật về phòng chống thuốc lá chỉ quy định trên thuốc lá đóng hộp (thuốc điếu) như tăng giá thuốc, tăng thuế thuốc nhằm giảm đối tượng mua thuốc, sử dụng thuốc, xử phạt người bán thuốc điếu, người sử dụng thuốc điếu... Riêng các loại thuốc lá như thuốc lào, shisha chưa có quy định.

Phóng viên NTNN chỉ đánh dòng chữ “bán bình hút shisa” đã tìm được hơn 400.000 kết quả với hàng chục trang mạng với tên shisha… công khai bán các loại bình và thuốc shisha. Các bình có giá từ 1 - 3 triệu đồng với hàng chục mẫu mã phong phú. Các trang mạng cũng bán kèm theo các loại phụ kiện để hút shisha, kèm theo hương liệu tẩm ướp để người sử dụng hoặc người bán có thể tự tẩm ướp thuốc lá thành shisha. Nếu ai lười hơn thì có cả shisha đã được tẩm ướp sẵn với giá cả khá rẻ.

Cai thuốc cần tự giác

Theo bác sĩ Vũ Văn Giáp – Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), nghiện thuốc lá (nghiện nicotin) là một bệnh lý cần được điều trị như các loại nghiện rượu, ma túy, thuốc hướng thần khác. Khi hút thuốc lá người nghiện có cảm giác sảng khoái, hưng phấn. Khi ngừng thuốc thì có hội chứng cai như chân tay buồn bực, mệt mỏi, chán nản, mất ngủ, cáu gắt, thèm ăn, trầm cảm… Do đó người nghiện phải hút thuốc để cơ thể năng động, hưng phấn trở lại. Ngoài ra, hút thuốc cũng là hành vi gây nghiện, khiến nhiều người lâm vào tình trạng phải cầm điếu thuốc trên tay, hút thuốc mới cảm thấy tự tin, nam tính. “Hiện tại có các dạng nicotin thay thế như viên nhai, miếng dán, thuốc điện tử… Đồng thời tư vấn để người nghiện tự điều chỉnh hành vi, giảm lượng thuốc hút trong mỗi ngày. Quyết tâm cai thuốc của người nghiện có vai trò quyết định trong việc có cai nghiện thành công hay không” – bác sĩ Giáp cho biết.

TS Hạnh chia sẻ, hiện nay có rất ít người tự giác cai nghiện thuốc lá. Do đó các thuốc dành cho cai nghiện thuốc lá rất ít được các hãng dược nhập về để bán trên thị trường. Bộ Y tế cần có các hỗ trợ để các hãng dược nhập sản phẩm về cung cấp cho người muốn cai thuốc.

PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết lần đầu tiên Việt Nam chính thức đưa thuốc lá vào chương trình cai nghiện. Phòng tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá được đặt tại khoa Khám bệnh (Bệnh viện Bạch Mai). Người dân có thể điện thoại đến hệ thống tổng đài 18008666 để được tư vấn hoặc đến bệnh viện để được tư vấn điều trị hoặc điều trị bằng thuốc để hỗ trợ cai nghiện. Theo các bác sĩ, người bệnh bỏ hoàn toàn liên tục thuốc lá trong ít nhất 12 tháng mới được gọi là cai thành công thuốc lá, còn giảm số lượng hút thuốc lá không phải là cai thuốc lá. Theo ông Khuê, mặc dù tỷ lệ hút thuốc lá đã giảm từ 56,4% xuống còn 47,4% ở nam giới và từ 1,8% xuống 1,1 % ở nữ giới, tuy nhiên tỷ lệ người hút thuốc và chịu ảnh hưởng của thuốc vẫn còn rất cao.

Còn theo GS-TS Ngô Quý Châu - Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), với 4.000 chất độc hóa học, 50 chất ung thư, chất nhựa hắc ín, chất phụ gia amoniăc, CO, chất nicotin, thuốc lá là nguyên nhân gây bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính, ung thư phổi, bệnh mạch vành, đột tử và nhiều bệnh ung thư khác. Có đến 90% ca ung thư phổi có liên quan đến thuốc lá. Không chỉ người hút thuốc mà những người hít thuốc thụ động cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe. Người không hút thuốc nhưng làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc sẽ hít vào lượng khói tương đương với việc hút 5 điếu thuốc/ngày. Khói thuốc thụ động làm tăng 20-50% nguy cơ ung thư phổi, bệnh tim mạch cho người hút thuốc thụ động. Ở trẻ em khói thuốc thụ động gây viêm đường hô hấp, viêm tai giữa và là một trong những nguyên nhân gây đột tử ở trẻ sơ sinh.

 Ngày 27.5, Bệnh viện Bạch Mai ra mắt Trung tâm Tư vấn cai nghiện thuốc lá. Theo bà Phan Thu Phương – Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp, dự án cai nghiện thuốc lá sẽ thành lập 5 trung tâm tư vấn cai nghiện thuốc lá tại 5 bệnh viện (Bạch Mai, Phổi T.Ư, Ung bướu Hà Nội, Đa khoa T.Ư Huế, Nhân dân Gia định – TP.HCM). Các trung tâm sẽ thiết lập tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá, nâng cao năng lực cho đội ngũ bác sĩ, tư vấn viên trong bệnh viện về tác hại thuốc lá và phương pháp tư vấn cai nghiện thuốc.  

 Theo dữ liệu nghiên cứu thuốc lá toàn cầu: Tỷ lệ nam giới hút thuốc lá qua nước cao nhất ở Bangladesh (1,3%); còn nữ giới hút thuốc lá qua nước cao nhất là Ấn Độ (0,6%). Việt Nam đang có trào lưu hút shisha và có xu hướng ngày càng gia tăng.  

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Linh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN