Hút cần sa: Từ ảo giác đến hành động đáng sợ

Sự kiện: Bệnh thần kinh

Đã có trường hợp người hút cần sa trong cơn say thuốc nhảy từ lầu cao xuống đất...

Hiện nay, nhiều người, trong đó có thanh niên và học sinh, bị lôi cuốn, thậm chí bị dụ dỗ hút thứ giống thuốc lá gọi là cần sa hay bồ đà. Tại khu vực chợ Nancy (quận 5, TP HCM), người có nhu cầu chỉ cần bỏ vài chục ngàn đồng là đủ mua cần sa. Nơi đây từ lâu được giới chơi “ma túy xanh” mệnh danh là “phố cần sa”. Cần sa chủ yếu xuất phát từ Lào, Campuchia, được đem về khu vực này hoặc một số nơi khác như các con hẻm trên đường Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Cư Trinh, Công viên 23 Tháng 9, khu Cầu Muối để bán.

Hết sức nguy hại

Điều đáng nói là không chỉ người sử dụng mà rất nhiều bạn trẻ cũng mơ hồ về tác dụng thật sự của bồ đà. Nhiều người vẫn cho rằng đây là thuốc không gây nghiện như các loại ma túy khác, chỉ giống thuốc lá; tác dụng kích thích của nó chỉ thoáng qua cho cuộc vui và tác hại thì không đáng ngại. Thật ra, đây là thứ hết sức nguy hại.

Nhiều thử nghiệm cho thấy người nam hút cần sa lâu ngày sẽ bị giảm lượng nội tiết tố sinh dục nam trong máu. Ảnh: The Guardian

Trước đây, thứ nguy hại này được gọi là cần sa. Cần sa - tiếng lóng hiện nay gọi là “bồ đà”, “bu”, “cỏ”, “tài mà”, “con điếm” - bắt nguồn từ loại thực vật có tên khoa học là cannabis sativa L., họ Cannabinaceae.

Hiện nay, gần như người ta biết rõ trong cần sa chứa những chất gì. Có một số chất chính gọi là cannabinoid đã được tìm thấy, như tetrahydrocannabinol (THC) và cannabinol. Trong các chất đó, THC là hoạt chất chính gây tác dụng về mặt tâm thần. Năm 1966, THC được tổng hợp hoàn toàn bằng con đường hóa học tại Đại học Princeton - Mỹ. Trong dược học, cần sa được xếp vào nhóm chất gây ảo giác (hallucinogens) và tác dụng gây ảo giác chính là do THC.

Phương cách sử dụng cần sa phổ biến là hút như thuốc lá. Do dễ tan trong chất béo nên khi hút vào, THC rất dễ xâm nhập mô phổi. Ở một số nước, người ta sử dụng cần sa không hút mà lại nhai và nuốt nhựa. Sử dụng phương cách này, sự hấp thu dù chậm và thay đổi theo lượng dùng nhưng tác dụng kéo dài hơn.

Mạch và tim đập nhanh

Với một điếu cần sa nặng khoảng 500 mg, lượng THC chứa trong đó khoảng 5-10 mg. Hút một điếu cần sa như thế, hiệu quả tác dụng đạt mức tối đa chỉ sau 15 phút và có thể kéo dài từ 1-4 giờ.

Trước hết là mạch và tim đập nhanh. Mạch có thể nhanh hơn 50% so với bình thường. Do đó, nếu đang dùng một số thuốc có tác dụng làm tim đập nhanh như nortrptyline mà lại hút cần sa thì thật nguy hiểm. Thứ đến là THC làm đỏ kết mạc mắt và gây rối loạn thăng bằng, đi đứng lảo đảo, sự phối hợp các động tác không còn chính xác.

Các tác dụng mà người say cần sa cảm nhận thì như thế nào? Chỉ cần một vài phút sau khi dùng cần sa, sẽ có thay đổi về mặt sinh lý và tinh thần đối với người hút. Về mặt sinh lý, người hút thấy choáng váng, tai lùng bùng, đầu nhẹ lâng lâng nhưng tay chân thì có cảm giác nặng hơn, cảm thấy đói và thèm ngọt (thích ăn kẹo). Có vài trường hợp bị nôn mửa hoặc muốn đi tiêu, đi tiểu, cay mắt và nhìn cảnh vật bị mờ đi, tim đập nhanh.

Về mặt tinh thần, người hút cần sa trước hết có cảm giác lo lắng, bồn chồn - đặc biệt đối với người mới dùng lần đầu - nhưng rất nhanh chóng đạt được cảm giác sảng khoái, thần kinh được kích thích và có sự rối loạn trong suy nghĩ, trí nhớ, rất dễ cười mà không kiểm soát được.

Sau đó là đến các ảo giác, người hút cần sa có cảm tưởng tay chân mình dài ra, nhìn cảnh vật chung quanh thì thấy hình dạng méo mó, những gì ở xa trở thành gần. Đã có trường hợp người hút cần sa trong cơn say thuốc nhảy từ lầu cao xuống đất chỉ vì anh ta có cảm giác mặt đất quá gần và 2 cánh tay dài ra có khả năng vỗ cánh như chim!

Tác hại nhiều mặt

Thế còn tác hại của cần sa như thế nào? Trước hết, do sử dụng đường hút, cần sa gây tác hại trên cơ quan hô hấp. Ngoài gây viêm phế quản mãn tính, làm hẹp đường thở, cần sa còn làm cho máu người hút chứa hàm lượng rất cao khí độc carbon monoxide (CO). Dùng 1 điếu cần sa, hàm lượng khí CO có trong máu người hút cao bằng hoặc hơn so với hút 5 điếu thuốc lá.

Nhiều thử nghiệm cho thấy nam giới hút cần sa lâu ngày sẽ bị giảm lượng testosterone (nội tiết tố sinh dục nam) trong máu; khối lượng tinh hoàn, sự sinh tinh trùng và khả năng sinh dục cũng giảm. Khi thử nghiệm trên súc vật cái như chuột, thỏ, khỉ, THC ức chế sự phóng noãn (rụng trứng). Nhiều phụ nữ hút cần sa cũng được ghi nhận chu kỳ kinh nguyệt bị rối loạn. Dù không gây nghiện trầm trọng như ma túy nhưng sử dụng cần sa nhiều khi sẽ bị lệ thuộc, tức nghiện về mặt tâm lý (psychological dependence), tạo thành thói quen phải dùng thuốc rất khó bỏ và lượng sử dụng ngày càng tăng.

Như vậy, cần sa cũng là chất gây nghiện. Tuy không mạnh như heroin nhưng cần sa cũng làm cho người nghiện nó khốn đốn và làm băng hoại xã hội vì tác dụng gây ảo giác. Dùng cần sa rất dễ đi đến dùng thuốc lắc, hàng đá - các thứ cũng đang bị lạm dụng nhiều hiện nay, dần dần sẽ đi đến dùng ma túy mạnh hơn là heroin... Nếu cứ thoải hút bồ đà thì hoàn toàn có thể  sẽ sa vào cửa tử.

Từ ảo giác đến hành động đáng sợ

Người say cần sa có cảm tưởng trở thành kẻ khác, như trở thành người hùng, siêu nhân, đấng cứu thế. Điều rất đáng lưu ý là khi bị ảo giác như thế, người hút cần sa rất dễ bị kích động dẫn đến những hành động gây rối  trật tự xã hội. Chỉ cần một lời nói khích, tội ác nào họ cũng dám làm, kể cả giết người. Hiện nay, một số thanh niên sau khi hút cần sa trở nên quậy phá, đua xe, đâm chém nhau cũng vì thế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo PGS-TS Nguyễn Hữu Đức (Người lao động)
Bệnh thần kinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN