Hoảng hồn vì những con đỉa trốn kỹ trong cơ thể người tới mức bác sĩ khó tìm

Sự kiện: Sống khỏe

Theo các bác sĩ, người dân miền núi dễ bị con đỉa, con vắt ký sinh vào cơ thể do thói quen dùng nước trong các khe suối khi đi rừng.

Những vụ đỉa "trốn" kỹ, ít gặp

Mới đây các bác sĩ Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 đã gắp thành công một con đỉa dài hơn 13cm ra khỏi khí quản bệnh nhân H.H.T (36 tuổi). Ca xử lý gắp dị vật do Tiến sĩ - Bác sĩ Nguyễn Đạo Tiến và các y, bác sĩ Khoa Nội Hô Hấp tiến hành. Nhận định rõ đây là trường hợp hiếm gặp, nếu không được chẩn đoán và lấy ra khỏi khí quản thì sinh vật này có thể gây chảy máu kéo dài, tắc nghẽn khí quản.

Bệnh nhân ho khạc đờm ra máu ít, khó thở, khàn tiếng nhiều về ban ngày nhưng uống thuốc không đỡ. Các bác sĩ nội soi thanh quản, mới phát hiện dị vật là một con đỉa ở khí quản. Mỗi khi con đỉa hút no máu lại kích thích gây ho, gây nhiễm khuẩn đường hô hấp dưới… Trước đây, các bác sĩ thường gặp đỉa ở mũi, tai... còn ở vị trí khí quản rất hiếm gặp.

Hoảng hồn vì những con đỉa trốn kỹ trong cơ thể người tới mức bác sĩ khó tìm - 1

Hình ảnh con đỉa nằm trong khí quản bệnh nhân trên màn hình nội soi. Ảnh: BV TƯQĐ 108.

Một ca đỉa bệnh kinh hoàng khác là bệnh nhân T.T.C (63 tuổi), ở thôn Nậm Lương (Hà Giang) thường xuyên tắc mũi, chảy dịch... 3 tháng gần đây bệnh nhân bị đau nặng mặt bên phải, dịch mũi lẫn nhày máu chảy xuống cuống họng. Nội soi tai mũi họng, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị thoái hóa dạng polyp 1 ở niêm mạc cuốn mũi giữa và mỏm móc mũi phải.

Nhưng các bác sĩ xem ảnh chụp CT mũi xoang còn thấy một khối mờ đặc choán toàn bộ xoang hàm phải, nên chỉ định phẫu thuật nội soi mũi xoang. Quá trình phẫu thuật lấy bỏ polyp và mở rộng lỗ thông xoang hàm thì bác sĩ giật mình khi phát hiện trong lòng xoang có dị vật sống là con đỉa. Trường hợp này vô cùng hiếm gặp bởi dị vật nằm trong xoang lại trùng hợp với bên xoang viêm bệnh mạn tính thoái hóa thành polyp - khiến bác sĩ có thể chẩn đoán nhầm là khối u lành tính, hoặc ác tính

Hoảng hồn vì những con đỉa trốn kỹ trong cơ thể người tới mức bác sĩ khó tìm - 2

Bác sĩ gặp đỉa khỏi họng bệnh nhân. Ảnh minh họa.

Bé Lương Thị Tơi (sinh năm 2009, ở xã Bảo Nam, huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) vào Bệnh viện Sản nhi Nghệ An với triệu chứng ho, khò khè, khó thở, vướng mắc trong cổ họng. Bác sĩ phát hiện trong hạ thanh môn bé Tơi có một con đỉa còn sống, dài hơn 5cm. Đáng sợ là con đỉa sống ký sinh lâu ngày trong phế quản của bệnh nhi, hút nhiều máu khiến thành phế quản bị viêm loét, chảy nhiều máu, dịch mủ, bít kín đường thở.

Ca phẫu thuật bắt đỉa khó khăn nhất là của bệnh nhân Triệu Thị Thắng (53 tuổi, ở Tân Sơn - Phú Thọ) do các bác sĩ khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện đa khoa Phú Thọ) tiến hành. Con đỉa di chuyển lúc lên, lúc xuống giữa 2 dây thanh khí quản. Gặp ánh sáng nội soi nó chui xuống khí quản, gặp thuốc gây tê nó co lại, rơi xuống khí quản khiến bệnh nhân sặc sụa, khó thở không thể gắp được. Cả ê kíp phẫu thuật phải "mai phục" hơn 1 giờ mới nội soi ống cứng và gắp được con đỉa trâu dài 10cm, to bằng ngón tay người lớn trong thanh khí quản.

Hoảng hồn vì những con đỉa trốn kỹ trong cơ thể người tới mức bác sĩ khó tìm - 3

Một con đỉa bị gắp ra khỏi cơ thể bệnh nhân. Ảnh minh họa.

Làm sao để tránh đỉa?

Theo các bác sĩ, người dân miền núi dễ bị con đỉa, con vắt ký sinh vào cơ thể do thói quen dùng nước trong các khe suối khi đi rừng.

Theo khoa học, đỉa là một loại giun phân đoạn có mút ở hai đầu cơ thể, có miệng để hút máu. Nguy hiểm là khi con đỉa, con vắt mới chui vào cơ thể theo đường nước vào mũi, họng thì kích thước nhỏ, nhưng vào cơ thể chúng hút máu và phát triển rất nhanh trong thời gian ngắn.

Bệnh nhân bị mất máu từ một con đỉa đơn lẻ sẽ không đủ gây hại. Vết đỉa cắn chảy máu nhưng do đỉa tiết ra chất hirudine có tác dụng chống đông máu, bệnh nhân không cảm thấy đau đớn. Con đỉa hút đủ máu sẽ tự động rơi ra. Nước bọt của đỉa ngăn chặn cục máu đông ở vết cắn và thường tự lành. Một số trường hợp gây nhiễm trùng nhưng dễ điều trị.

Hoảng hồn vì những con đỉa trốn kỹ trong cơ thể người tới mức bác sĩ khó tìm - 4

Ảnh minh họa.

Triệu chứng chảy máu được phát hiện dưới các hình thức ho ra máu, nôn ra máu, tiểu ra máu. Chỗ đỉa bám hút máu có những triệu chứng như tăng áp lực, khó chịu, đau, thần kinh bị kích thích bắt nguồn từ nơi bị ký sinh, rối loạn chức năng cơ quan bị đỉa ký sinh, bội nhiễm vi khuẩn gây viêm nơi đỉa bám hút máu, gây ổ áp xe dưới niêm mạc.

Nếu bị chảy máu kéo dài bệnh nhân sẽ bị thiếu máu. Nếu không được bác sĩ khám và xử lý kịp thời, con đỉa ngày càng to gây nghẽn khí quản, suy hô hấp… và để kéo dài có thể dẫn đến tử vong.

Theo TS. BS Lê Minh Khôi (BV Đại học Y dược TP.HCM) trên Tuổi trẻ, y văn thế giới không ghi nhận đỉa có một độc tố nào có thể gây độc cho cơ thể, vết đỉa cắn nhỏ và nông, nguy cơ nhiễm trùng ngay không cao. Nhưng đỉa tiết ra các chất có tác dụng gây tê cục bộ và hirudin có tác dụng chống đông khiến máu liên tục chảy ra từ vết thương nhỏ. Đã có bệnh nhân ở Quảng Ngãi bị cắt cụt chi, hoặc chết do chủ quan để mặc vết đỉa cắn chảy máu dẫn tới nhiễm trùng nặng.

Y sĩ Nguyễn Đào (Trạm Y tế Hố Quáng Phìn, huyện Đồng Văn, Hà Giang) chia sẻ rằng các y bác sĩ vùng cao cũng hướng dẫn bà con uống và sử dụng nước sạch trong sinh hoạt, không tắm ở những nơi ao hồ, sông suối vì dễ có đỉa. Phòng chống đỉa xâm nhập vào người bằng cách dùng dụng cụ bảo hộ khi phải tiếp xúc ở những nơi có đỉa.

Vài dấu hiện bị đỉa ký sinh

Đỉa sống ở dưới nước, chui vào cơ thể khi người uống nước. Hoặc chui vào đường tiết niệu, sinh dục do ở lâu dưới nước.

Nếu đỉa bám vào thanh quản, bệnh nhân ho liên tục, đờm có chất nhầy lẫn máu, bị đau ngực, khó thở, nói khàn giọng, tím tái, đôi khi mất tiếng nói.

Nếu đỉa ký sinh ở hầu, khí quản sẽ gây ngạt thở, có thể dẫn đến tử vong.

Nếu đỉa ký sinh ở lưỡi gà, thực quản sẽ gây nuốt khó, nôn oẹ.

Đỉa có thể chui vào chỗ kín của phụ nữ gây chảy máu kéo dài, hoặc chui vào đường sinh dục của nam giới gây chảy máu đường tiết niệu.

Khi đỉa chui vào mắt gây chảy máu ở mắt; người bệnh sợ ánh sáng, chảy nhiều nước mắt.

Một số cách xử trí đỉa

Khi bị đỉa xâm nhập vào các hốc tự nhiên, nên súc miệng bằng nước muối mặn, hoặc hít vào chất có mùi cay, mùi hăng.

Nếu đỉa bám ở vùng nông, bác sĩ có thể dùng ống soi để gắp đỉa ra; nếu đỉa bám vào ở sâu, phải gây tê và dùng đồ chuyên dụng gắp đỉa ra; nếu ở quá sâu phải mổ để lấy đỉa.

Nếu đỉa chui vào đường sinh dục, dùng nước muối đậm đặc để ngâm hoặc bơm vào cũng có thể làm cho đỉa chết, hoặc đỉa tự chui ra.

VIDEO: Cận cảnh gắp đỉa trong họng bệnh nhân Việt Nam lên báo thế giới

Tờ DailyMail đã đăng clip ghi lại cảnh ê kip bác sĩ phẫu thuật gắp con đỉa sống quằn quại trong vòm họng nữ bệnh nhân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Hà ([Tên nguồn])
Sống khỏe Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN