Điều trị vô sinh bằng cách cắt nhỏ buồng trứng
Một phụ nữ Nhật 30 tuổi được chẩn đoán vô sinh gần đây đã cho ra đời một em bé nhờ phương pháp "cắt nhỏ buồng trứng". Điều này mở ra hy vọng mới cho những phụ nữ khó mang thai do tuổi tác.
Thông thường, những phụ nữ có kinh nguyệt không đều là do suy buồng trứng, trong đó, buồng trứng không sản xuất đủ estrogen làm chín trứng. Khoảng 1% phụ nữ trong độ tuổi sinh sản bị suy buồng trứng, nguyên nhân hiện chưa rõ, nhưng các nhà khoa học dự đoán có thể do tổn thương nang trứng. Để phụ nữ suy buồng trứng có thể mang thai, xin trứng là cách duy nhất.
Trước đây, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng ngăn chặn đường truyền tín hiệu PTEN (Phosphatase and tensin homolog) sẽ kích thích những nang trứng không hoạt động sản xuất trứng chín ở chuột và người.
Trong nghiên cứu mới này, các nhà khoa học đã tiến hành lấy buồng trứng ra ngoài, cắt buồng trứng thành nhiều phần nhỏ để kích thích nang trứng, kết hợp với phương pháp điều trị ngăn chặn con đường PTEN.
Em được sinh ra nhờ phương pháp "cắt nhỏ buồng trứng
Sau đó, những mảnh nhỏ của buồng trứng sẽ được cấy vào cơ thể gần vòi fallop. Đồng thời, phụ nữ sử dụng phương pháp này cũng phải uống thuốc để giúp kích thích nang. Tiếp đến, các nhà khoa học sẽ thu trứng chín, cho thụ tinh với tinh trùng người chồng và cấy phôi vào người vợ. Kết quả, người phụ nữ tham gia nghiên cứu đã hạ sinh được một em bé sau 37 tuần mang thai.
Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả của phương pháp này chưa cao, chỉ 13 trong số 27 phụ nữ tham gia điều trị có khả năng sản xuất trứng, trong đó, chỉ 2 người mang thai. Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu hy vọng kỹ thuật mới này có thể giúp những phụ nữ suy buồng trứng hoặc mãn kinh sớm do điều trị ung thư làm mẹ.
Các nhà nghiên cứu từ ĐH Stanford ở Palo Alto, California - Mỹ và ĐH Y khoa St Marianna tại Kawasaki -Nhật cho biết sẽ cần thêm nhiều thử nghiệm về phương pháp này trong tương lai để phụ nữ suy buồng trứng có thể mang thai mà không cần phải cắt buồng trứng.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Proceedings của Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia (Mỹ) tuần này.