Dịch sốt xuất huyết: Ngành y “căng sức” đối phó

Tại TPHCM, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đang vào mùa cao điểm, nhiều bệnh viện quá tải. Bệnh xảy ra không chỉ ở trẻ em mà cả người lớn. Các chuyên gia y tế lo ngại chủng virus gây bệnh năm nay có biến đổi, khó đối phó.

SXH quá tải, bệnh nhân nằm hành lang

Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 1 và 2 TP.HCM đang chóng mặt vì lượng bệnh nhi SXH quá tải, có nhiều ca nặng.

Chị Trần Thị Trang, ngụ tại quận Bình Thạnh, TP.HCM ngồi cạnh đứa con gái 4 tuổi, sốt li bì, thiêm thiếp trên chiếc võng ngoài hành lang khu điều trị nội trú của khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2.

“Cháu sốt cao 3 ngày rồi bớt. Tôi tưởng con đã khỏi, chỉ bị cảm thường nên yên tâm để cháu ở nhà với cô giúp việc để đi làm. Ngờ đâu chiều hôm đó, cô giúp việc gọi điện bảo cháu nôn ra máu, kêu đau bụng. Vợ chồng tôi vội về đưa con đi cấp cứu mới biết cháu bị SXH độ 2. Bác sĩ bảo nếu chậm chút nữa là tôi mất cháu rồi.”, chị Trang sụt sùi khóc.

Dịch sốt xuất huyết: Ngành y “căng sức” đối phó - 1

Bệnh SXH nhiều ca nặng. Ảnh: Thanh Huyền

Kế bên mẹ con chị Trang, bà Tuyết, ngụ quận 2 đang trông cháu nội 5 tuổi nằm viện vì SXH.

Bà Tuyết cho biết, 2 đứa cháu nội của bà đều bị SXH. Khu vực nơi gia đình bà sinh sống cũng có rất nhiều trẻ em bị SXH. Bà nói: “Cháu tôi bị muỗi mang virus SXH từ nhà khác bay qua đốt nên lây bệnh”.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, không chỉ trẻ em mà rất nhiều người lớn bị SXH phải nhập viện điều trị.

Anh Trần Văn Thành, 40 tuổi, làm việc tại cơ sở nhôm kính trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 kể: “Ở chỗ tôi làm việc có 2 người bị SXH, cả tôi nữa là 3. Khi đi làm về tôi bị sốt cao, mệt mỏi. Cả nhà nghĩ tôi bị cảm nên cạo gió chữa trị. Hôm sau tôi chảy máu cam nhiều lần, đưa đi viện khám mới biết bị SXH. Do bệnh tình đã trở nặng nên bác sĩ yêu cầu tôi phải nhập viện theo dõi.”

Theo anh Thành, chỗ anh làm việc để nhiều cánh cửa và vật liệu nhôm kính, là nơi trú ngụ tốt của muỗi. Tuần trước có đồng nghiệp bị SXH nên việc lây lan rất khó tránh…

Ngày 16/8, Thạc sĩ – Bác sĩ Đỗ Châu Việt, Trưởng khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 TP.HCM nhận định, bệnh SXH đang vào mùa, số ca bệnh tăng nhanh và từ nay đến tháng 12 các trường hợp mắc bệnh sẽ còn nhiều hơn nữa.

“Virus gây bệnh SXH có 4 tuýt là D1, D2, D3, D4. Mọi năm virus gây bệnh SXH chỉ do 1 tuýp, nhưng năm nay, phát hiện virus gây bệnh có cả tuýp D1 và D2. Do đó, các chuyên gia y tế lo ngại chủng gây bệnh SXH có biến đổi, khó đối phó.”, bác sĩ Việt nói.

Hiện nay, Khoa Nhiễm Bệnh viện Nhi Đồng 2 có 180 giường chia đều cho các bệnh nhân SXH, tay chân miệng, HIV, viêm màng não, sốt rét…thế nhưng chỉ riêng các ca SXH đã chiếm tới 1/3 số giường bệnh. Vì thế, Khoa Nhiễm đang thực sự quá tải, nhiều bệnh nhi SXH, tay chân miệng phải mắc võng nằm đỡ ngoài hành lang.

Mỗi ngày, Khoa Nhiễm tiếp nhận thêm 20 ca SXH nội trú mới (nhiều gấp đôi bình thường). Đặc biệt, số bệnh nhi SXH nặng rất nhiều, chiếm ¼ tổng số ca nhập viện. Từ đầu năm tới nay đã có 5 bệnh nhi SXH tử vong tại Bệnh viện Nhi Đồng 2.

Dịch sốt xuất huyết: Ngành y “căng sức” đối phó - 2

Bệnh nhi SXH quá tải, phải nằm cả ngoài hành lang. Ảnh: Thanh Huyền

Còn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới TP.HCM, bác sĩ, Nguyễn Văn Vĩnh Châu - giám đốc bệnh viện cho biết, bệnh nhân SXH tại đơn vị mình hiện khá nhiều, lượng bệnh tăng cao do SXH đang vào mùa.

Khoảng tuần trở lại đây, trung bình mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận khoảng 50 đến 60 ca SXH nội trú, trong đó người lớn chiếm tới 60% tổng số ca bệnh.

Cần nhận biết được dấu hiệu bệnh SXH


Theo bác sĩ Việt, quan trọng nhất phụ huynh phải nắm rõ các dấu hiệu của bệnh SXH, tránh đưa trẻ tới sớm quá làm bệnh viện quá tải, hoặc muộn quá có thể gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhi.

Về phía bác sĩ phải thực hiện điều trị cho bệnh nhân SXH theo đúng phác đồ của Bộ Y tế.

“Nếu bác sĩ tuyến dưới điều trị không đúng phác đồ, khi chuyển viện, bác sĩ tuyến trên sẽ lãnh đủ.”, bác sĩ Việt nói.

Bác sĩ Việt cảnh báo phụ huynh về các dấu hiệu nhận biết bệnh SXH. Nếu trẻ sốt cao 3 ngày rồi giảm sốt nhưng vẫn li bì, mệt mỏi kèm theo đau bụng, chảy máu cam, máu răng, nôn ra máu thì cần đưa đi viện ngay. Khi thấy trẻ lạnh tay chân, ra mồ hôi nhiều thì…đã muộn. Lúc đó trẻ chuẩn bị chuyển sang giai đoạn sốc.

Bộ Y tế họp về dịch SXH

Ngày 15/8, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã chủ trì hội nghị về công tác phòng, chống SXH tại khu vực phía Nam.

Thông tin từ hội nghị cho biết ca bệnh SXH trên toàn quốc cao hơn cùng kỳ năm 2011 tới 35%, 80% ca tử vong là ở khu vực phía Nam.

Đại diện các bệnh viện tại TP.HCM cũng cho biết các trường hợp SXH tử vong đều nhập viện quá muộn. Đa số những bệnh nhân này chỉ tử vong sau khi được điều trị 1 tuần.

Viện Trưởng Viện Pasteur TP.HCM, ông Trần Ngọc Hữu cũng nhận định, sở dĩ SXH nhiều ca nặng và tăng nhanh như vậy do công tác phòng, chống, dập dịch của các địa phương còn yếu, chưa đồng bộ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thanh Huyền (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN