Chuyện về những người "thích chửi bác sỹ"
Hiện nay, còn nhiều người vẫn suy nghĩ rất đơn giản, suy từ bản chất nhân hậu của mình mà cho rằng, khi có bạo hành y tế ắt phải có lỗi của nhân viên y tế.
Ảnh minh họa
BS Võ Xuân Sơn, nguyên BS bệnh viện Chợ Rẫy chia sẻ: Khi đó, tôi làm giám đốc bệnh viện Ngọc Linh, một bệnh viên tư nhỏ ở Phú Nhuận. Bệnh viện rất vắng bệnh nhân, chúng tôi ra sức chiều khách để giữ bệnh nhân, đồng thời tìm cách thu hút bệnh nhân mới.
Có một bệnh nhân là hàng xóm, thỉnh thoảng qua khám bệnh. Lần nào tới khám cũng chửi bới, khiếu kiện. Có người còn chỉ cho tôi, ông ta gắn kính chiếu yêu và những thứ gì đó để trù ếm bệnh viện. Tôi không tin những thứ ấy, lại không rõ trước đây bệnh viện có xích mích gì với ông ấy không, nên yêu cầu nhân viên bỏ qua mọi chuyện. Sau gần 2 năm tôi làm ở bệnh viện đó, ông ta vẫn vậy, đến khám và chửi.
Có một bà cụ nhà gần bệnh viện, có vẻ nhà giàu, thỉnh thoảng vẫn tự đến khám bệnh. Hôm đó, con cháu đưa bà vào cấp cứu trong giờ nghỉ trưa. Mặc dù bệnh của bà không có gì là nghiêm trọng, nhưng có 3 bác sĩ khám cho bà. Tôi là giám đốc bệnh viện cũng ghé thăm bà ấy (nói rõ cho các bạn bác sĩ ở nước ngoài: Các cuộc thăm khám thêm đều miễn phí).
Có thể sự nhiệt tình của các bác sĩ và nhân viên được người nhà cho rằng các bác sĩ không đủ khả năng chữa bệnh. Người nhà xin chuyển bệnh nhân đi vì cho rằng bệnh viện không đủ khả năng chữa trị. Đây là sự sỉ nhục về chuyên môn. Nhưng thôi, khách hàng là thượng đế. Bệnh nhân không chịu thanh toán tiền ngay vì cho rằng người nhà mình nặng quá. Thì thôi vậy, họ sốt ruột thì mình cũng ráng cắn răng mà thông cảm.
Mấy ngày sau, người nhà quay lại, khẳng định rằng bệnh viện không làm xét nghiệm, tại sao thu tiền xét nghiệm? Họ chỉ mặt các bác sĩ, điều dưỡng, những người đã tận tâm với người nhà của họ và chửi. Khi nhân viên khẳng định có làm xét nghiệm thì họ giật cả bệnh án trên tay bác sĩ, lao ra đường đứng chửi. May mà có mấy anh công an lấy lại được bệnh án chứ không thì không biết họ còn làm cái gì nữa.
Tôi mời họ lên họp. Cho họ biết mẫu máu của bà cụ còn lưu lại tại phòng xét nghiệm, họ vẫn dứt khoát không chịu, không trả tiền, không xin lỗi. Số tiền không nhiều, và tôi thấy mình cần biết lí do thực, nên nói với họ tôi sẽ bỏ qua chuyện đóng tiền, chỉ cần họ cho biết lí do thực. Họ vui vẻ cung cấp thông tin: họ vẫn không tin là chúng tôi có làm xét nghiệm, không muốn trả tiền, làm ầm ĩ, để bệnh viện chán không đòi thanh toán.
Các bạn có tưởng tượng được không, người nói câu đó tự xưng là luật sư, và người chửi rủa tục tĩu là vợ ông ta?
Trước đó không lâu, cả bệnh viện phải họp lại để giải trình với Thanh tra Sở Y tế về một trường hợp. Một chị Ba nào đó, tự xưng là Việt Kiều, đến khám bệnh. Chị than đau đủ thứ, muốn khám tổng quát, đòi khám kĩ càng và yêu cầu cho tầm soát đủ thứ. Các bác sĩ khám và cho làm một số xét nghiệm, chụp XQuang. Sau khi chụp 6 phim XQuang xong, chị hỏi là chụp nhiều quá, liệu có hại cho sức khỏe không? Nhân viên bệnh viện giải thích, số lượng XQuang như vậy là không nhiều. Chị vui vẻ ra về, tổng chi phí khoảng 1 triệu 8 trăm ngàn đồng.
10 ngày sau, Thanh tra Sở Y tế đưa xuống một mớ giấy lộn, tờ lớn tờ bé, ghi chép lộn xộn, chữ to, chữ nhỏ, khi viết dọc, lúc viết ngang, có lúc viết bằng bút mực, có lúc bằng bút lông… rằng mấy ngày qua không ăn uống gì được do bị nhốt trong phòng XQuang, rồi thì kết luận bệnh viện là một nơi sẵn sàng làm đủ thứ xét nghiệm không cần thiết để thu tiền, nào là bác sĩ bệnh viện tàn nhẫn vô lương tâm… Lời lẽ hết sức cay độc, yêu cầu đóng cửa bệnh viện ngay lập tức.
Trong mớ giấy lộn đó có một chỗ chạm đến tên một người, đó là câu: “Em Đ. ơi, em có khỏe không…” (Đ. là tên một cán bộ thành ủy). Hoàn toàn đó chỉ là mớ giấy lộn, một ghi chép mang màu sắc hoang tưởng, không có bất cứ một cái gì giống như thư phản ảnh hay đơn khiếu nại. Vậy mà Văn phòng Thành Ủy, Sở Y tế vẫn thụ lí, và chúng tôi phải cắn răng giải trình.
TS. Võ Xuân Sơn