Chờ mong 'của để dành'

Sự kiện: Bệnh vô sinh

Sầm Sơn, những ngày hạ tuần tháng 8 mưa và lạnh do ảnh hưởng của áp thấp. Khu nhà A của Đoàn An điều dưỡng 296 thuộc Cục Chính trị (Tổng cục Hậu cần) lại ấm áp bởi sự hiện diện của hơn 50 gia đình quân nhân trong Tổng cục.Họ là những cặp vợ chồng hiếm muộn, gặp nhau trong đồng cảm và sẻ chia.

Khát khao những đứa con

Ở Việt Nam, tỷ lệ vô sinh chiếm khoảng 13% dân số. Trong Tổng cục Hậu cần, số gia đình hiếm muộn là khoảng 70, chiếm 0,68% quân số. Ngoài nguyên nhân chủ quan thì một thực tế là môi trường làm việc, điều kiện công tác của một số ngành nghề trong Tổng cục phải tiếp xúc với hóa chất độc hại, tính chất nghề nghiệp thường xuyên xa gia đình cũng tác động tới khả năng sinh sản của các gia đình quân nhân.

Trung úy Lê Thị Hường lập gia đình với thiếu úy Lương Chí Cường vào năm 2006. Hai vợ chồng đều công tác tại Kho 661 (Cục xăng dầu). Chị là nhân viên văn thư, anh là thợ hàn. Đến nay đã bảy năm anh chị vẫn chưa có con. Chị Hường tâm sự: “Nguyên nhân ở cả hai vợ chồng. Vợ chồng mình đã đi chữa trị ở nhiều nơi nhưng vẫn chưa có kết quả”.

Chờ mong 'của để dành' - 1

Được nghe tiếng khóc trẻ thơ là khao khát của rất nhiều cặp vợ chồng ở Tổng cục Hậu cần.

Chị Nguyễn Thị Tiệp - công nhân xí nghiệp may 20B bị tắc ống dẫn trứng. Đã năm năm nay, kể từ ngày kết hôn, chị và chồng- anh Trịnh Xuân Tính (cán bộ văn phòng Công ty xây dựng Sông Đà) luôn mong chờ tiếng trẻ thơ líu lô trong nhà.

Họ đến đây, kết giao trong những cái bắt tay, những cái ôm thân thiện. Cùng đi qua một nỗi buồn, dường như giữa họ đã có sự đồng điệu từ trước.

Đại úy Vũ Văn Vương là thợ vận hành máy bơm xăng tại Kho 671 ở Bắc Giang. Anh tưởng như đã chạm đến giấc mơ làm bố nhưng do yếu tinh trùng, cả hai lần vợ anh- chị Dương Thị Thu Huyền mang thai đều bị hỏng. Anh công tác xa nhà, nửa tháng mới có điều kiện về Hải Dương thăm chị. Kết hôn từ năm 2005, gần 10 năm nay, chị Huyền lẻ bóng trong căn nhà nhỏ những ngày vắng anh…

Chị Lê Thị Hường quan niệm con cái là của trời cho nhưng trời không cho thì bản thân phải tự kiếm. Chị kể, bảy năm qua, khát khao được làm mẹ, làm cha thôi thúc anh chị tìm đến các bệnh viện phụ sản. Chị đã hai lần thực hiện thụ tinh nhân tạo bằng phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào buồng tử cung) nhưng đều thất bại. Không bỏ cuộc, chị cho biết sắp tới, hai vợ chồng tiếp tục thụ tinh bằng phương pháp IVF (thụ tinh trong ống nghiệm).

Cũng như vợ chồng chị Hường, đeo đuổi ước mong có con, gia đình chị Tiệp - anh Tính cũng tìm đến sự can thiệp của khoa học. Chị Tiệp đã một lần bơm IUI và một lần thực hiện cấy phôi nhưng không có kết quả. Thất vọng và đau khổ, nhưng khát vọng được thực hiện thiên chức làm mẹ, làm cha chưa bao giờ nguội tắt, cách đây một tháng, chị trải qua ca mổ vòi trứng.

Đồng cảm và sẻ chia

Cuộc gặp mặt các gia đình hiếm muộn trong các đơn vị của Tổng cục Hậu cần diễn ra trong hai ngày 21-22/8 tại Sầm Sơn (Thanh Hóa). Họ đến đây, kết giao trong những cái bắt tay, những cái ôm thân thiện. Cùng đi qua một nỗi buồn, dường như giữa họ đã có sự đồng điệu từ trước.

Chờ mong 'của để dành' - 2

Vợ chồng trung úy Lê Thị Hường và thiếu úy Lương Chí Cường.

Không phải đến cuộc gặp mặt này những cặp vợ chồng hiếm muộn trong Tổng cục mới nhận được sự đồng cảm và sẻ chia. Chị Trần Thị Kim Hường, công nhân tại xưởng may X20 cho biết chị luôn nhận được sự động viên tinh thần, sự cảm thông của các chị em trong xưởng.

Chị Nguyễn Thúy Hằng, công tác tại Kho 190 (Cục xăng dầu) kể ngoài sự động viên tinh thần, chị được chỉ huy tạo mọi điều kiện về thời gian để hai vợ chồng đi khám.

Cuộc gặp mặt thực sự là nơi các cặp gia đình hiếm muộn trao đổi nguyện vọng, tâm tư. Trong hai ngày, Đại tá, PGS. TS Quản Hoàng Lâm- Giám đốc Trung tâm Phôi (Học viện Quân y) và Thượng tá, Bác sĩ CK1 Vũ Cao Tiến, Trưởng phòng Quân y (Tổng cục Hậu cần) đã có buổi tư vấn, giải đáp trực tiếp các thắc mắc của các cặp gia đình về các vấn đề vô sinh, hiếm muộn cũng như các phương pháp điều trị vô sinh, hiếm muộn, lắng nghe và tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Sau cuộc gặp mặt, các cặp vợ chồng đều vỡ vạc ra nhiều điều và vững tin hơn vào tương lai.

Thiếu tướng Lê Văn Hoàng, Chính ủy Tổng cục Hậu cần, chủ trì buổi gặp mặt bày tỏ sự xúc động và trân trọng nguyện vọng chính đáng có từ 1- 2 con của các gia đình. Thiếu tướng khẳng định một gia đình quân nhân hạnh phúc là nền tảng cho một Quân đội Nhân dân Việt Nam vững mạnh, một xã hội Việt Nam phồn vinh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thúy An (Tiền Phong)
Bệnh vô sinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN