Cháy vắc xin: Phụ huynh có thể thay thế loại khác?

Hiện tại, các loại vắc xin thủy đậu và 6 trong 1 đều chưa biết khi nào có; Một số loại vắc xin 3 trong 1, sởi đơn, viêm não Nhật Bản, viêm gan A ở một số điểm tiêm chủng vẫn còn thuốc.

Lo vì đã trót tiêm thuốc ngoại

 

Mấy tháng nay, cuối tuần nào chị Lê Hoài Anh trú tại Văn Quán, Hà Nội cũng đưa con đi đến các điểm tiêm chủng để tiêm mũi 6 trong 1. Chị Anh chia sẻ: Bé nhà chị được 22 tháng tuổi và theo lịch bác sĩ ghi trên sổ thì đến tháng 3 vừa qua bé phải tiêm nhắc lại mũi 6 trong 1. Tuy nhiên, từ đó đến nay, chị Anh vẫn chưa tìm được địa điểm nào có vắc xin này để tiêm cho con.

Chị kể các trung tâm tư vấn và tiêm chủng vắc xin đều có lưu số điện thoại ở bìa sổ tiêm của trẻ nhưng chị không thể nào gọi điện đến được vì các số thường để chế độ "kênh máy". Tranh thủ vào cuối tuần chị đưa con đi khắp các điểm tiêm chủng quanh Hà Nội đều nhận được cái lắc đầu của nhân viên phòng tiêm chủng.

Chị Anh lo sợ nhất là bé nhà chị đã tiêm 3 mũi dịch vụ. Nhiều lần, chị định đưa con ra phường tiêm vắc xin miễn phí Quivaxem nhưng nghĩ đến tai biến có thể gây sốt, nóng cho con chị lại không đành. Điều chị Anh lo nhất liệu đang tiêm vắc xin vô bào, đưa vắc xin trong tiêm chủng mở rộng thành phần kháng thể miễn dịch có được đảm bảo hay không.

Cùng suy nghĩ với gia đình chị Anh, vợ chồng anh Trịnh Công Tú trú tại Ngã Tư Vọng, Hai Bà Trưng, Hà Nội cũng như ngồi trên đống lửa khi đưa con đi tiêm phòng vắc xin thì nhiều loại hết. Con gái anh Tú đã 3 tuổi nhưng bé chưa được tiêm thủy đậu. 

Mấy năm trước, anh ám ảnh vắc xin nên không tiêm phòng nhưng trước tình hình dịch bệnh như hiện nay, anh Tú và vợ tìm đến vài nơi hỏi thuốc cho con mà không có. Mỗi lần đến điểm tiêm chủng, anh lại hi vọng có thuốc nhưng tất cả các lần đều về trong thất vọng.

Chỉ lên tay mình những chiếc sẹo sâu do thủy đậu để lại, anh Tú lo lắng con gái mình có thể mắc thủy đậu bất cứ lúc nào trong khi tất cả các bé ở quanh nhà muốn đi tiêm phòng thủy đậu đều không có thuốc.

Năm ngoái, con gái anh Tú đã bị tay chân miệng chạy vào viêm phổi, sau này anh chị hối hận mãi vì đã không thể phòng bệnh cho bé. Đến giờ, anh chị muốn phòng bệnh cho con nhưng rơi vào cảnh "tay không phòng bệnh".

Cháy vắc xin: Phụ huynh có thể thay thế loại khác? - 1

Những tấm biển báo thiếu vắc xin xuất hiện ở khắp các điểm tiêm chủng.

Thực tế, vắc xin 6 trong 1 đã hết ở các điểm tiêm từ rất lâu. Các điểm tiêm chủng cho rằng sang đầu tháng 5 là có nhưng đến nay hết tháng 6 vẫn chưa biết khi nào có thuốc. Nhân viên tiêm chủng tại cơ sở 3 của Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết khi nào có vắc xin sẽ thông báo sau. Nhiều trẻ mới tiêm được 1 mũi đã hết thuốc nên 5 tháng nay các bé vẫn dài cổ chờ thuốc về nhập khẩu.

Còn vắc xin thủy đậu tháng 5 vừa qua có đưa ra ngoài thị trường gần 80.000 liều nhưng như muối bỏ bể. Vừa đưa về các phòng tiêm chủng chỉ vài hôm đã thông báo hết vắc xin.

Một bác sĩ ở bệnh viện Nhi Trung ương cho biết chưa khi nào nghe phụ huynh phàn nàn về hết vắc xin kéo dài như năm nay. Có những bệnh nhân con chỉ hơi sốt mọi người cũng lo lắng sợ lây bệnh truyền nhiễm. Một số bệnh không có thuốc phòng ngừa họ cũng đành chịu.

Có thể thay thế vắc xin nhưng chú ý thành phần

Trước băn khoăn của nhiều người dân, chúng tôi trao đổi với PGS.TS Đỗ Sỹ Hiển - Giám đốc Trung Tâm chăm sóc sức khỏe Cộng Đồng Hà Nội, Nguyên chủ nhiệm chương trình tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Ông cho biết tâm lý nhiều người vẫn muốn sử dụng vắc xin ngoại cũng là điều dễ hiểu nhưng người dân hay thắc mắc và cho rằng tiêm vắc xin dịch vụ sẽ phòng bệnh tốt hơn. Thực ra, khi tiêm chủng cho con, cha mẹ chỉ cần xem xét kỹ thành phần các loại vắc xin là được. Vì dụ Quinvaxem 5 trong 1 thiếu Bại liệt trong thành phần nên bố mẹ cho các con uống thêm vắcxin bại liệt là đủ.

Cháy vắc xin: Phụ huynh có thể thay thế loại khác? - 2

Những tấm biển báo thiếu vắc xin xuất hiện ở khắp các điểm tiêm chủng

Ví dụ vắcxin dịch vụ 6 in 1 hiện nay có bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, viêm gan B và hib. Khi mình định thay thế thuốc cho con, ví dụ chọn 5 in 1 có thành phần kháng thể bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, hiB nhưng thiếu viêm gan B. Khi đó, các phụ huynh có thể vẫn tiêm vắcxin này nhưng cần bổ sung thêm một mũi viêm gan B thì sẽ đảm bảo.

Các bậc phụ huynh lo lắng rằng việc trễ mũi vắc xin có ảnh hưởng đến kháng thể phòng bệnh của con em, các chuyên gia dịch tễ đểu cho rằng nhiều loại vắc xin cần được tiêm nhắc lại như vắc xin phòng bệnh bạch hầu, ho gà, uốn ván, Hib, thuỷ đậu, viêm não Nhật Bản, bại liệt, viêm não phế cầu...

Đây là các vắc xin tạo được kháng thể bảo vệ khoảng 3-10 năm, trong thời gian này nếu không tiêm nhắc, khi phơi nhiễm với mầm bệnh vẫn có thể bị mắc bệnh. Mặt khác các vắc xin này lại tạo được trí nhớ miễn dịch tốt nên sau chỉ một mũi tiêm nhắc, hiệu giá kháng thể bảo vệ, tức là sức chống đỡ của cơ thể lại tăng lên rất cao. 

Với các cháu đã tiêm 1, 2 mũi 6 in 1 dịch vụ rồi mà bây giờ thiếu mũi thứ 3 thì việc chờ thêm 1 đến 3 tháng nữa không ảnh hưởng gì tới khả năng miễn dịch bảo vệ nhưng chắc chắn cần tiêm đủ mũi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Khánh Ngọc (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN