Vắc-xin Quinvaxem an toàn

GS-TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, tái khẳng định như vậy trước việc vắc-xin “5 trong 1” Quinvaxem đang được nhiều địa phương triển khai tiêm trở lại trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

Thưa ông, những ngày qua, hàng loạt trẻ phải nhập viện và 1 trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin đang khiến dư luận lại một lần nữa nghi ngại về chất lượng vắc-xin Quinvaxem?

GS Nguyễn Trần Hiển: Đến thời điểm này đã có 38 tỉnh, thành phố triển khai tiêm lại vắc-xin Quinvaxem. Qua phân tích việc điều tra giám sát đầy đủ các phản ứng sau tiêm chủng ở một số tỉnh, chúng tôi nhận thấy phần lớn trẻ xuất hiện sốt nhẹ, có các phản ứng tại chỗ sau tiêm là đau, sưng hoặc đỏ và có các triệu chứng toàn thân kích thích, khó chịu… Đây là những phản ứng nhẹ, thông thường sau khi tiêm vắc-xin chứa thành phần ho gà toàn tế bào. Hầu hết các phản ứng vắc-xin là nhẹ và tự khỏi.

Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tỉ lệ này có thể gặp từ 10%-50 % trẻ được tiêm vắc-xin có thành phần ho gà toàn tế bào. Tuy vậy, cũng có thể có những phản ứng nặng hơn như tím tái, co giật, khóc thét dai dẳng, sốc phản vệ, bại não… nhưng rất hiếm gặp. Phản ứng tại chỗ, sốt và các triệu chứng khác là một phần của phản ứng miễn dịch với kháng nguyên vắc-xin. Tỉ lệ phản ứng sau tiêm ở Việt Nam vẫn thấp hơn nhiều (thấp hơn hàng chục đến hàng trăm lần) so với tỉ lệ phản ứng cho phép của WHO đối với vắc-xin có chứa thành phần ho gà toàn tế bào.

Tôi xin khẳng định lại là chất lượng vắc-xin đã được thẩm định về tính an toàn nhiều lần không chỉ ở Việt Nam mà nhiều nước trên thế giới và của WHO.

Vắc-xin Quinvaxem an toàn - 1

Khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin Quinvaxem tại một điểm tiêm chủng ở Hà Nội Ảnh: Ngọc Dung

* Trong trường hợp nào những phản ứng sau tiêm là nghiêm trọng, thưa ông?

- Phản ứng tiêm chủng được coi là nghiêm trọng nếu nó gây ra tử vong, đe dọa tính mạng, đòi hỏi phải nhập viện điều trị hoặc kéo dài thời gian nằm viện hay gây di chứng tàn tật… Ngoài ra, có một số phản ứng vắc-xin nặng và hiếm gặp như động kinh, giảm tiểu cầu, hội chứng giảm trương lực, giảm phản xạ, khóc thét kéo dài nhưng không thành bệnh mạn tính. Sốc phản vệ, trong khi có khả năng gây tử vong, có thể điều trị mà không để lại bất kỳ hậu quả nào.

* Thời gian qua, một số ca tai biến nặng, thậm chí như trường hợp cháu bé 3 tháng tuổi ở Quảng Trị tử vong sau tiêm vắc- xin Quinvaxem, các ca tai biến phần lớn đều được xác định do mang bệnh trùng lặp. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của khám sàng lọc trước tiêm, liệu có phát hiện và loại trừ các trường hợp chống chỉ định tiêm không?

- Về các trường hợp phản ứng nặng ở Hải Phòng, Quảng Trị, sau khi điều tra, cơ quan chuyên môn kết luận thời điểm đó, trẻ có bệnh viêm phổi, viêm phế quản, béo phì, còi xương, thiếu máu xảy ra trùng thời điểm tiêm chủng. Trong các loại vắc-xin được tiêm trong chương trình tiêm chủng mở rộng hiện nay, vắc-xin ho gà có tỉ lệ phản ứng mạnh nhất nhưng chấp nhận được, không đe dọa tính mạng, không gây tử vong. Mặc dù vậy, theo WHO, Quinvaxem có chứa thành phần ho gà toàn tế bào vẫn là vắc-xin an toàn tương đương vắc-xin ho gà vô bào. Không có bằng chứng nào trên thế giới cho thấy có mối liên quan giữa việc tiêm vắc-xin Quinvaxem với các trường hợp tử vong sau tiêm vắc-xin. Phản ứng sau tiêm nặng có thể xảy ra trùng hợp với tiêm chủng và đôi khi có thể bị cho là do tiêm chủng vắc- xin.

Thời gian qua, công tác khám sàng lọc đã được tăng cường tối đa, không phải tất cả nhân viên y tế khám đều là bác sĩ nhưng họ là nhân viên y tế có kinh nghiệm và được tập huấn. Tuy nhiên, sự hợp tác của gia đình mới là quan trọng, bố mẹ cần thông báo với nhân viên y tế các diễn biến sức khỏe của trẻ trong những ngày gần thời điểm tiêm để nhân viên y tế xác định các trường hợp chống chỉ định hoặc trì hoãn tiêm.

* Theo ông, làm gì để kiểm soát tốt hơn nữa những phản ứng sau tiêm vắc-xin Quinvaxem?

- Cần tăng cường chất lượng khám sàng lọc trước tiêm nhằm đưa ra các chống chỉ định hay hoãn tiêm phù hợp đối với trẻ tiêm vắc-xin Quinvaxem. Hoãn tiêm khi trẻ mắc các bệnh cấp tính, đặc biệt là các bệnh nhiễm trùng, bệnh mạn tính tiến triển, trẻ sốt ≥ 380C do bất cứ lý do gì, trẻ mới dùng globulin miễn dịch, trẻ mới đang hoặc mới kết thúc liều điều trị corticoid trong vòng 14 ngày. Không tiêm (chống chỉ định) các trường hợp sau: trẻ bị suy giảm miễn dịch nặng, có tiền sử sốc hoặc dị ứng nặng sau tiêm vắc-xin lần trước, trẻ bị suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tim, suy thận, suy tuần hoàn…).

Với những sự cố liên quan đến tiêm chủng gần đây thì sự do dự, lo lắng của các bậc cha mẹ cũng là điều dễ hiểu. Chính vì thế, cha mẹ, người thân của trẻ cần tuân thủ nghiêm ngặt quy định theo dõi trẻ 30 phút sau tiêm ngay tại điểm tiêm chủng và theo dõi diễn biến sức khỏe trẻ sau tiêm tại gia đình, phát hiện các dấu hiệu bất thường, đặc biệt trong vòng 24 giờ sau tiêm như thể trạng chung, nhiệt độ, đáp ứng của trẻ, tình trạng bú, khóc... Cần đưa ngay trẻ tới cơ sở y tế gần nhất nếu có sốt cao, co giật hay bất cứ biểu hiện như quấy khóc kéo dài, tím tái, khó thở, bỏ bú hoặc các phản ứng nhẹ nhưng kéo dài hơn 1 ngày. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Theo Ngọc Dung (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN