Cha mẹ tự làm thầy thuốc, con ốm yếu, còi cọc

Lười đi khám bệnh, chủ quan, tùy tiện, không ít các bà mẹ đã cho mình là “thầy thuốc”, tự ý kê đơn bốc thuốc cho con. Hậu quả, trẻ bị kháng kháng sinh, bệnh nặng, điều trị tốn kém, ốm yếu, còi cọc.

Cứ sốt là dùng kháng sinh

 

Chị Nguyễn Thị Hoa (Bắc Ninh) phàn nàn, con gái chị mới 3 tuổi mà suốt ngày ốm đau, ho, sốt, chị phải liên tục dùng thuốc cho con. Khi con mới 1 tháng tuổi đã bị viêm phổi, phải đi viện và dùng thuốc kháng sinh. Sau đó, cứ một vài tuần, con lại ho, sốt một lần. Lúc đầu, chị Hoa còn chịu khó đưa con đi bệnh viện, đi phòng khám tư. Sau ngại vất vả, tốn kém, chị cứ tự ý “bốc thuốc” cho con theo đơn thuốc cũ. Thấy con cũng hết ho, hết sốt nên lần sau con ốm, chị Hoa lại tiếp tục “bài cũ”.

Khi con lớn hơn, bệnh chậm khỏi, chị lại “áng chừng” tự tăng liều lượng. Theo lời mách nước của bạn bè, chị cũng tự ý đổi kháng sinh cho con. Do sợ hãi con bị ốm, nên con mới chỉ sốt nhẹ, ho vài tiếng, chị đã “táng” ngay kháng sinh cho yên tâm. Tuy nhiên, con gái chị càng ngày càng còi cọc, liên tục tái diễn bệnh viêm đường hô hấp, điều trị kháng sinh liều cao, rồi kháng sinh đặc trị cũng không khỏi. Đi làm kháng sinh đồ cho con, bác sĩ đã mắng chị xối xả vì việc dùng kháng sinh tùy tiện.

Cha mẹ tự làm thầy thuốc, con ốm yếu, còi cọc - 1

Chỉ nên mua thuốc cho con sau khi đã đi khám nơi bác sĩ.

Mới 3 tuổi, nhưng kết quả kháng sinh đồ của con chị gần như kháng với gần hết các loại kháng sinh thông thường. Bệnh viêm đường hô hấp của con chị cũng bị mãn tính, rất khó chữa dứt điểm. Ốm đau liên miên, dùng thuốc kháng sinh nhiều nên đường tiêu hóa cũng bị ảnh hưởng, thường xuyên bị tiêu chảy, con gái đã còi lại càng còi thêm… Chị Hoa nhìn con mà đứt từng khúc ruột, hối hận về sự chủ quan của mình.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, không phải trẻ cứ ho, sốt là phải sử dụng kháng sinh. Khi thời tiết chuyển từ nóng sang lạnh, độ ẩm cao, trẻ bị mắc bệnh viêm đường hô hấp gia tăng. Nhưng chỉ khi trẻ được khám và kết luận bị nhiễm khuẩn thì mới sử dụng kháng sinh. “Ho sốt và cảm cúm có 80% do virus, thuốc kháng sinh không hề có tác dụng. Nhưng không ít bà mẹ cứ thấy con ho, sốt là tự ý cho sử dụng kháng sinh” – TS Dũng cho biết.

Sai lầm khi dùng thuốc

Theo TS Dũng, với tâm lý muốn con nhanh khỏi bệnh, ngại đi khám bác sĩ, chủ quan, nhiều cha mẹ đã mắc sai lầm khi sử dụng kháng sinh cho con. Sai lầm của các bậc cha mẹ khi dùng thuốc kháng sinh cho con thường là: Tự ý “kê đơn, bốc thuốc” cho dù bệnh chưa cần dùng đến kháng sinh; dùng thuốc khánh sinh liều cao với hy vọng nhanh khỏi bệnh; thấy bệnh có triệu chứng đỡ là thôi không dùng nữa, dùng không đủ liều, không đủ ngày; dùng kháng sinh xịn, kháng sinh thế hệ mới cho dù bệnh nhẹ; không thấy bệnh đỡ ngay nên tự ý đổi thuốc khác.

"Kháng sinh được xem là “vũ khí cuối cùng” chống lại một số bệnh hiểm nghèo. Nếu người bệnh kháng thuốc mà mắc bệnh trọng sẽ không có cách nào cứu được. Do đó, cha mẹ nên thận trọng khi sử dụng kháng sinh cho con. Đừng vì thương con trong phút chốc mà hại con cả đời”.

Tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng

Theo nghiên cứu của Bệnh viện Nhi T.Ư, có đến 44% các bà mẹ tự ý đi mua thuốc kháng sinh cho con. Điều này gây nên tác hại to lớn cho trẻ, khiến trẻ bị kháng kháng sinh, thậm chí mắc nhiều tác dụng phụ. Đến khi trẻ bị nhiễm khuẩn thực thì các kháng sinh đơn thuần đã mất hết tác dụng.

TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi T.Ư cho biết, lạm dụng kháng sinh sẽ gây hội chứng tái xanh ở trẻ sơ sinh, hỏng mầm răng của trẻ khiến nhiều trẻ 4-5 tuổi vẫn “móm”.

Đáng lo ngại hơn, một số thuốc kháng sinh tiêm có thể gây nguy cơ điếc cho trẻ. Thậm chí, nhiều trường hợp còn bị tác dụng phụ nguy hiểm như ỉa chảy dẫn đến mất sức, suy dinh dưỡng, dị ứng, nổi ban hoặc nặng nề hơn là suy gan, thận, sốc phản vệ dẫn đến tử vong…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Linh- Minh Hồng (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN