Cha mẹ không nên phó thác hết cho BS

Theo PGS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thì về cơ bản vắc-xin an toàn với trẻ. Tuy nhiên, sự an toàn cũng không phải tuyệt đối vì tỉ lệ tử vong cho phép ở mức 1 phần triệu.

Thời gian vừa qua liên tiếp xuất hiện thông tin trẻ tử vong sau khi tiêm vắc-xin 5 trong 1 (loại vắc-xin thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng quốc gia). Theo các chuyên gia y tế, cha mẹ cũng cần theo dõi và thông báo kỹ với bác sĩ về tình hình sức khỏe của con để tránh những phản ứng bất lợi cho trẻ.

Trước đó, ngày 15-11 bé trai 3 tuổi ở TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng đã tử vong sau khi tiêm vắc-xin 5 trong 1. Đây là loại vắc-xin phòng 5 loại bệnh: Bạch hầu, ho gà, uốn ván, viêm gan B và viêm phổi/viêm màng não mủ do Hip. Sau khi tiêm, cháu bé lên cơn co giật nên gia đình đưa đi cấp cứu nhưng vẫn tử vong; một trường hợp khác cũng tử vong sau khi tiêm vắc-xin 5 trong 1 là cháu bé 4 tuổi ở Ninh Bình. Sau khi tiêm cháu bé liên tục sốt cao, nổi ban, sưng tấy và tử vong sau 4 ngày điều trị.

Cha mẹ không nên phó thác hết cho BS - 1

Cha mẹ cần trao đổi với bác sĩ về sức khỏe của trẻ trước khi tiêm.

Sau khi xuất hiện các thông tin trên, nhiều phụ huynh đã lo lắng và tạm dừng không cho con đi tiêm phòng - nhất là tiêm loại vắc-xin 5 trong 1. Chị Diệp ở quận Hà Đông, Hà Nội cho biết: “Bé thứ 2 nhà tôi đã 2 tuổi, đến kỳ đi tiêm phòng nhưng thấy gần đây liên tục có thông tin các cháu bé tử vong sau khi tiêm khiến tôi thấy lo lắng nên tạm thời không cho cháu tiêm nữa. Thế nhưng không tiêm thì không yên tâm vì tiêm cũng để đảm bảo cho cháu phòng được bệnh”…

Tương tự, chị Vân ở quận Đống Đa, Hà Nội chia sẻ, khi con gái lớn của chị được 6 tháng chị đưa đi tiêm phòng. Sau khi tiêm xong mặt cháu bỗng tái, chân tay run rẩy, kèm theo trạng thái sợ hãi. Rất may chỉ sau vài phút cháu trở lại bình thường. Nhưng từ lúc ấy đến nay chị chưa dám tiêm thêm cho con mũi vắc-xin nào vì chưa hết cảm giác lo lắng con bị phản ứng thuốc.

Theo PGS. TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương thì về cơ bản vắc-xin an toàn với trẻ. Tuy nhiên, sự an toàn cũng không phải tuyệt đối vì tỉ lệ tử vong cho phép ở mức 1 phần triệu. Bên cạnh đó, cũng có trường hợp tử vong do cơ địa, chỉ cần tiêm vắc-xin vào là cơ thể trẻ sẽ bùng lên những phản ứng mạnh hơn nhiều trẻ khác.

Còn với những trường hợp tử vong trong thời gian vừa qua, TS. Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội cho biết: Qua các phương tiện truyền thông, tôi thấy trước khi tiêm phòng cháu bé bị nhiễm trùng đường huyết biểu hiện là viêm phổi. Rất có thể khi tiêm vắc-xin cháu đã bị sốc nhiễm trùng. Chứ không có bằng chứng kết luận cháu bé bị tử vong do tiêm vắc-xin 5 trong 1. Bởi vậy, cha mẹ không nên quá lo lắng, hoang mang đến mức không đưa trẻ đi tiêm”.

Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn cho trẻ, các chuyên gia khuyến cáo: Thay vì phó thác toàn bộ cho bác sĩ, cha mẹ lưu ý trước khi tiêm nên trao đổi với bác sĩ những biểu hiện sức khỏe của trẻ, tiền sử bệnh tật, dị ứng với thuốc, hóa chất, thức ăn... Bên cạnh đó, khi tiêm cần cho trẻ mặc trang phục đơn giản để bác sĩ dễ thao tác trong quá trình khám; không mặc quần áo quá chật, ủ ấm quá nhiều; không cho trẻ ăn, bú quá no trước khi tiêm phòng nhưng cũng không để trẻ đói nhằm tránh tình trạng trẻ bị hạ đường huyết sau khi tiêm; vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế nhiễm trùng; chuẩn bị đủ hồ sơ sức khỏe của bé, đặc biệt là sổ tiêm chủng trước đó.

Ngay sau tiêm, nên cùng trẻ ở lại và theo dõi tại cơ sở y tế tối thiểu 30 phút. Khi thấy trẻ có những dấu hiệu bất thường cần báo ngay cho nhân viên y tế. Sau khi tiêm nên chườm mát nơi tiêm cho trẻ, cho trẻ uống nhiều nước, bú mẹ nhiều hơn, khẩn trương quay lại cơ sở y tế ngay khi trẻ có phản ứng bất thường.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Vân Hà (Pháp luật & Xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN