Canh chừng trẻ chơi keo dán, pin điện tử
Một khi pin bị mắc ở thực quản thì trẻ sẽ bị các triệu chứng như khó nuốt, ho, sốt, ăn kém ngon, mệt mỏi.
Trên thị trường, mặt hàng keo dán ngày càng phong phú về mẫu mã và chủng loại. Tùy theo từng chủng loại keo dán khác nhau mà thành phần có chứa gôm, hồ bột, cyanoacrylate, benzen, xylen, toluen, trichloroethylene. Trẻ đi học đã sử dụng đến keo dán trong các giờ thủ công. Các chai keo có thể tác động xấu đến trẻ, nhất là các trẻ hiếu động.
Keo hồ nước là loại keo có thể được xem là an toàn nhất cho trẻ. Khi nuốt phải keo chỉ gây kích thích ruột nhẹ, đôi khi có thể buồn nôn hay nôn. Có thể xử trí bằng cách cho trẻ uống nước và không cần đưa trẻ đi bệnh viện.
Riêng keo cyanoacrylat với đặc tính đóng cứng rất nhanh và dính khá chặt, khó tách, do đó khi trẻ vô tình cho keo vào miệng, keo sẽ đóng cứng lại và không hòa tan. Keo không gây ngộ độc mà chỉ làm dính răng và niêm mạc bên trong miệng. Lúc này, không nhất thiết phải cố gắng tách keo ra khỏi răng miệng vì keo sẽ tự bong ra sau vài ngày. Khi keo dính vào tay trẻ, cần nhúng tay trẻ vào nước xà phòng ấm và dùng vật mỏng cùn như cán muỗng để tách nhẹ các ngón tay. Khi keo dính vào mắt sẽ làm dính mi mắt với nhau. Trường hợp này không nên cố tách 2 mi mắt ra mà chỉ cần phủ lên mắt một miếng gạc, sau 2-3 ngày mi mắt sẽ tự tách ra.
Đối với một số loại keo có sử dụng dung môi hữu cơ như xylen, toluen có thể gây ngộ độc khi hít hay nuốt phải. Triệu chứng ngộ độc như buồn nôn, đau đầu, phù phổi, tổn thương não. Tốt nhất là không nên cho trẻ sử dụng loại keo này. Khi bị loại keo này dính vào mắt, phải rửa mắt bằng nước ít nhất 15-20 phút.
Mặt hàng khác cần lưu ý là pin điện tử.
Hiện nay, với sự ra đời các thiết bị điện tử thì pin “nút áo” trở nên khá phổ biến. Pin được sử dụng trong máy tính, đồ chơi, đồng hồ. Vốn hiếu động, trẻ em hay tò mò tháo các pin ra để chơi. Vì vậy, trẻ dễ nuốt phải pin “nút áo” vì kích thước nhỏ.
Khi trẻ nuốt phải pin, nó sẽ được thải nguyên vẹn ra ngoài cơ thể nên không gây hại. Nếu pin bị mắc vào thực quản hoặc bất kỳ nơi nào trong ruột đều dẫn đến nguy cơ gây bỏng do hóa chất từ pin thoát ra. Các pin thủy ngân rất nguy hiểm do ôxít thủy ngân có thể gây ảnh hưởng tới đường ruột.
Một khi pin bị mắc ở thực quản thì trẻ sẽ bị các triệu chứng như khó nuốt, ho, sốt, ăn kém ngon, mệt mỏi. Nếu pin gây bỏng hay tổn thương ruột thì triệu chứng sẽ nặng hơn như nôn, đau ngực , đau bụng, phân màu xám hoặc lẫn máu. Tuyệt đối không nên gây nôn cho trẻ vì pin không thể thoát ra ngoài theo các chất được nôn. Cho trẻ uống thuốc trung hòa toan (axít) để giảm tính axít của dạ dày, làm giảm nguy cơ lớp ngoài pin bị ăn mòn gây rò rỉ hóa chất độc hại. Đồng thời cho trẻ uống thuốc nhuận tràng và kiểm tra phân của trẻ để xem pin đã bị tống ra ngoài cơ thể chưa. Bình thường pin sẽ bị tống ra ngoài cơ thể trong vòng 15 giờ cho đến 7 ngày. Nếu pin lâu ra ngoài và phân có màu xám hay lẫn máu hoặc có biểu hiện bất thường khác thì nên đem trẻ đến bệnh viện để chụp X-quang nhằm xác định vị trí của pin, giúp thầy thuốc gắp pin qua nội soi hoặc phẫu thuật lấy pin ra.
Nếu pin bị bắn vào tai hay mũi có thể gây tổn thương nghiêm trọng cho màng nhĩ và bỏng mũi. Khi đó, ta không nên dùng dung dịch muối, thuốc nhỏ giọt để lấy pin ra vì các dung dịch dùng trong trường hợp này có thể làm tăng dòng điện xung quanh pin. Chúng ta hãy nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện để thầy thuốc lấy pin ra.