Bình Long - Bình Phước: BV trao nhầm con, trách nhiệm ra sao?

Sự kiện: Bình Phước

Theo chuyên gia pháp luật, bệnh viện đề nghị bồi thường tinh thần mỗi gia đình 10 tháng lương là hợp lý, các gia đình nên chấp nhận.

Mới đây, Bệnh viện (BV) Đa khoa thị xã Bình Long, Bình Phước đã thừa nhận trao nhầm con cho hai phụ nữ sinh cùng phòng tại BV cách đây ba năm.

Đây không phải là trường hợp đầu tiên BV trao nhầm trẻ sơ sinh. Tháng trước, hai bé gái của hai gia đình ở Thanh Hóa và Đà Nẵng cũng được phát hiện trao nhầm tại BV Phụ sản Thanh Hóa bốn năm trước.

Bệnh viện phải bồi thường

Theo TS Nguyễn Văn Tiến (giảng viên khoa Luật dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM), vụ việc trao nhầm con ở BV Đa khoa thị xã Bình Long, Bình Phước thêm một lần nữa cho thấy một sai sót dù nhỏ của nhân viên y tế cũng có thể gây ra hậu quả lớn làm ảnh hưởng đến tinh thần, vật chất của nhiều người, ảnh hưởng đến sự phát triển bình thường của trẻ.

Về việc bồi thường, trước hết cần hoan nghênh tinh thần sửa sai của lãnh đạo BV khi đã chủ động trong việc xét nghiệm ADN, nhận lỗi, mời hai gia đình lên thương lượng bồi thường và sẽ làm thủ tục trao trả lại hai bé cho cha mẹ ruột. Tuy nhiên, theo TS Tiến, để việc xin lỗi bồi thường đúng theo quy định của BLDS thì cần phải tuân thủ một số nguyên tắc.

Trước hết, theo Điều 618 BLDS 2005 (quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra) thì phải xác định trách nhiệm trong chuyện này là của pháp nhân, tức BV Đa khoa thị xã Bình Long. BV phải có trách nhiệm bồi thường cho hai gia đình bị trao nhầm con bởi hành vi trao nhầm con của nhân viên BV gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ.

Sau đó BV có quyền yêu cầu cá nhân người có lỗi (y tá, hộ sinh, bác sĩ…) trong việc trao nhầm hai đứa trẻ, phải bồi thường lại cho BV. Thông thường là trừ vào thu nhập, nếu cá nhân đó nghỉ việc hoặc không tự nguyện trả thì BV có quyền khởi kiện đòi bồi thường.

Bình Long - Bình Phước: BV trao nhầm con, trách nhiệm ra sao? - 1

Người mẹ với kết quả xét nghiệm ADN chứng minh việc BV trao nhầm con gái ba năm trước. Ảnh: PHƯỚC TUẤN, vnexpress.net

Mất ăn mất ngủ - căn cứ đòi bồi thường

Trong chuyện này phải xác định đây là dạng bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Do vậy, hai gia đình có quyền yêu cầu bồi thường về hai khoản: vật chất và tinh thần. Nếu hai gia đình và BV không tự thỏa thuận được thì họ có quyền khởi kiện ra tòa.

Về tổn thất tinh thần (theo Điều 611 BLDS 2005) trong chuyện này là danh dự, uy tín của hai gia đình bị xâm hại do việc giao nhầm con gây ra. Những tổn thất đó có thể là lo lắng khiến phát bệnh, nghi ngờ khiến mất ăn mất ngủ, tâm lý bất ổn do bị làng xóm đàm tiếu, gièm pha… Theo khoản 2 điều luật này thì mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định (tương đương với không quá 12,1 triệu đồng). BV Đa khoa Bình Long đã đề nghị bồi thường tinh thần mỗi gia đình 10 tháng lương là hợp lý, các gia đình nên chấp nhận.

Khoản bồi thường vật chất gồm các phí hợp lý để hạn chế hoặc khắc phục thiệt hại trong ba năm do hành vi có lỗi của BV gây ra. Chẳng hạn như chi phí đi lại, giám định, chi phí đi xác minh sự thật khách quan, chi phí đi làm lại giấy tờ hộ tịch và các chi phí hợp lý khác. Đó được gọi chung là những thiệt hại vật chất do quyền lợi hợp pháp của hai gia đình bị xâm hại. Những chi phí trên này phải được chứng minh bằng hóa đơn, chứng từ hoặc xác nhận do cá nhân hoặc tổ chức làm chứng.

Sốc khi nhận kết quả xét nghiệm

Theo vnexprees.net, BV Đa khoa thị xã Bình Long, Bình Phước xác nhận BV vừa đưa hai bé gái sinh tại đây ba năm trước đi xét nghiệm ADN và cho kết quả huyết thống chéo.

Sau khi biết kết quả xét nghiệm ADN, ngày 24-6, BV đã mời hai gia đình và đại diện chính quyền địa phương lên để nhận lỗi trước hai gia đình, muốn hỗ trợ tinh thần 10 tháng lương tối thiểu cũng như các khoản phí vật chất mà hai bên phải gánh chịu trong ba năm qua nhưng vẫn chưa nhận được sự đồng ý từ hai gia đình.

Theo chị NTTTr (26 tuổi), sáng 10-1-2013, chị nằm sinh cùng phòng với một phụ nữ tại huyện Hớn Quản. Hai bé sau đó được hai hộ lý đỡ đẻ đưa đi tắm, rồi bế ra ngoài cho người thân nhìn mặt trước khi bàn giao lại cho mẹ tại phòng nghỉ dưỡng. Hai nhà cách nhau chừng 5 km. Trong một lần nhìn thấy bé gái ở huyện Hớn Quản rất giống con đầu của con gái mình nên cha của chị Tr. nghi ngờ và khuyên chị đi xét nghiệm ADN. Kết quả xét nghiệm đã khiến chị rất sốc.

__________________________________

Về việc thay đổi giấy tờ hộ tịch của hai đứa trẻ, luật sư Phạm Minh Tâm (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng pháp luật về hộ tịch bắt buộc cha mẹ hai bé phải trực tiếp đi điều chỉnh chứ BV không đứng ra làm thay được. Bởi đây là vấn đề liên quan đến quyền nhân thân của người liên quan, cụ thể là thay đổi thông tin giấy khai sinh.

Theo đó căn cứ vào Điều 7 Nghị định số 123/2015 (quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Hộ tịch) thì cha mẹ hai bé sẽ đến UBND cấp xã, phường để cải chính hộ tịch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tú Uyên (Pháp luật TPHCM)
Bình Phước Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN