Bệnh nhân ung thư: "Ba chìm bảy nổi"

Với những bệnh nhân ung thư, nghị lực sống đến với họ từ những điều vô cùng bình dị. Họ không sợ chết, chỉ sợ yếu lòng đánh mất đi niềm hi vọng. Nhưng bất cứ lúc nào, họ cũng nhận được sự an ủi, sẻ chia từ những người đồng cảnh ngộ.

Cuộc đời ba chìm bảy nổi

Người phụ nữ gần 40 tuổi ngồi trên chiếc giường xếp trước cửa phòng bệnh khoa Ngoại BV K ôm mặt khóc nức nở. Tiếng khóc của chị nhiều khi tắc nghẹn lại hay chị cố kìm đi thổn thức… nghe xé ruột xé gan. Chồng chị ngồi bên cạnh lặng lẽ vỗ về. Mọi người nghe tiếng khóc, đều biết, đều hiểu, lại thêm một người biết mình mang trọng bệnh. Biết vậy… nhưng chẳng ai nói gì. Mong những dòng nước mắt giúp chị nguôi ngoai…

Bệnh nhân ung thư: "Ba chìm bảy nổi" - 1

Chị Huệ (áo hoa màu đen, bên phải) khóc mừng người bạn cùng điều trị được xuất viện.

Chị Nguyễn Thị Huệ (44 tuổi, Thủy Nguyên, Hải Phòng) lặng lẽ thở dài nhìn người phụ nữ nọ. Mắt chị rưng rưng theo. Chị đang nhớ lại cái ngày biết mình bị ung thư, chị cũng ngồi khóc như thế kia, nhưng chẳng có ai ở bên cả. Lúc ấy, ý nghĩ về “cái Chết” sừng sững trong tâm trí chị. Thế mà rồi, chị đã gạt đi được, khi nghĩ đến cậu con trai bảy tuổi duy nhất đang đợi mẹ ở nhà.

Không sợ chết. Chỉ sợ mẹ già, con dại sống thiếu vắng bàn tay người chăm sóc. Phải sống để được trông con thành người, để mẹ già không phải rơi nước mắt “tiễn kẻ đầu xanh”. Vì ý nghĩ ấy, người phụ nữ 44 tuổi đã 9 tháng ròng đơn độc chiến đấu với bệnh ung thư tử cung.

Kể về quãng đời trước khi vào bệnh viện K Hà Nội, chị Huệ nghẹn ngào bảo: “Đời tôi nhiều nỗi buồn lắm, không nhắc đến thì thôi, nhắc đến là tôi lại chảy nước mắt. Thế nhưng giờ ngồi đây với ống truyền, với bệnh tật trước mắt thì những nỗi khổ ấy chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Vì cuộc sống phải bươn trải nhiều quá, tôi chỉ nghĩ phải đi làm chứ hầu như không nghĩ đến sức khỏe. Ốm đau suốt, đến tháng 7/2011, lấy lương hơn 2 triệu đồng, tôi mới “liều” đi khám bệnh… Kết quả có u, tôi vẫn bán tín, bán nghi, lên thành phố rồi ra BV K khám theo lời người chị họ khuyên nhủ. Ai ngờ…”.

Lúc biết mình có bệnh, chị gần như suy sụp. Về nhà ôm con khóc nức nở, tài sản chẳng có nổi khoản tích lũy nào, lấy đâu ra tiền đi chữa bệnh? Nhìn gia cảnh nhà mình, chị chỉ càng thêm đau xót… Mất ăn mất ngủ, khóc lóc mãi mà không cạn được nước mắt, cuối cùng, nghe lời người chị ruột, chị Huệ quyết định ra Hà Nội chữa chạy.

Bệnh nhân ung thư: "Ba chìm bảy nổi" - 2

Những bữa cơm của bệnh nhân ở viện K

“Vì câu nói của chị tôi, 'em chết đi thì thằng Cún côi cút ở trên đời, em không thương mình thì em phải thương con' mà tôi tỉnh ngộ, quyết tâm đi khám chữa. Vét sạch cửa nhà tay áo, vay mượn họ hàng mỗi người một chút, tôi có trong tay 4 triệu đồng. Đó cũng là chuyến đi duy nhất, tôi được chị gái đi cùng theo khám bệnh”.

Người chị ruột của chị Huệ, bất hạnh thay, sau đó cũng qua đời vì ung thư dạ dày. Quá bàng hoàng, đau xót, nhưng chị vẫn nhớ lời chị gái, cố gắng chữa trị, giữ lấy sức khỏe, sinh mệnh vì con, vì mình.

Hành trình không đơn độc

9 tháng trời ở Hà Nội chữa bệnh của chị Huệ là 9 tháng ấy dằng dặc những nhớ nhung, đau xót và cả sự giằng xé trong tâm can.

“Những ngày đầu một thân một mình, tôi vạ vật nằm bên ngoài hành lang chờ được nhập viện. Lòng nhớ con, thương mẹ già ở quê. Bụng đói khát nhưng cũng cố chịu. Có khi tôi chỉ dám ăn tạm miếng bánh mì, mua suất cơm cũng phải cân nhắc vì sự thực, tôi chỉ nghĩ mình chỉ ăn cho đỡ chết. Một suất cơm mười mấy, hai mươi mấy nghìn đồng mình ăn cũng được, nhưng rồi cũng chẳng đi đến đâu….” – chị chua chát nói.

Bệnh nhân ung thư: "Ba chìm bảy nổi" - 3

Giấc ngủ trưa vạ vật tại hành lang khoa Ngoại trú BV K Hà Nội.

“Thật may là mọi người ở đây tốt lắm. Có bà thấy tôi nhịn đói suốt thì thương. Mỗi bữa ăn bà lại bảo tôi ăn cùng giúp vì sợ “ăn không hết”. Tôi biết bà có lòng tốt, nhận lời ăn cùng bà mà mỗi miếng cơm nấc nghẹn…”.

Sau này trong những lần truyền hóa chất, xạ trị và chờ mổ, chính bà con cô bác già có, trẻ có, giàu có, nghèo có đã giúp đỡ chị rất nhiều: “Mọi người thấy tôi đơn độc, người giúp này, người giúp kia. Khi thì mua thức ăn hộ, khi thì tặng cho tấm vé ăn từ thiện. Đêm lạnh thì chia nhau tấm chăn, xót ruột thì chia nhau khúc mía… Những lúc buồn tủi thì nói với nhau dăm ba câu chuyện đời.

Thương cảm cho nhau, coi nhau như người nhà. Những lúc ấy không sao tôi quên được”.

Nghị lực sống

Vì những tấm lòng thơm thảo của những người xung quanh, chị Huệ đã dần thay đổi suy nghĩ “cuộc đời đầy rẫy những bất công, lạnh lùng”. Chị thấy mình bớt đơn độc, thấy cuộc sống vẫn có rất nhiều người tốt. Chị được tiếp thêm nghị lực bằng chính tấm gương của những người xung quanh. Chị chân thành bảo: “Ở đây có bà Sùng, 67 tuổi vẫn kiên trì chữa ung thư vú. Cô Đàm người Nam Định bị di căn sang tủy, ngày nào truyền cũng ra máu vẫn vui vẻ, trêu đùa mọi người những khi khỏe mạnh. Cô Liên người Nghệ An, vừa không biết chữ, vừa câm điếc vẫn có người em tận tụy đi cùng, gắng sức thuốc thang… Mỗi người một cảnh đời, một số phận, bệnh tật là thế mà trước ranh giới sống chết, họ đều tìm ra một sức mạnh để vượt qua. Huống gì bản thân mình còn một đứa con trai, còn một người mẹ, còn thời gian, mình không dũng cảm lên”.

Trong suốt câu chuyện, hình ảnh cậu con trai 7 tuổi hiện lên như là nguồn sống lớn nhất của chị Huệ.

“Cháu nó còn nhỏ nhưng biết thương mẹ lắm. Nó cũng hiểu rằng tôi bệnh nặng. Hồi lâu cháu bị bạn xô ngã, gãy mất hai cái răng cửa. Tôi thương con, dành tiền cho cháu đi cắm răng giả, nó nhất định bảo mẹ để tiền đi mổ… Tôi ôm con khóc, nịnh mãi nó mới nghe. Rồi thi thoảng để dành được bịch sữa từ thiện mọi người cho, về thăm con làm chút quà, nó cũng ngẫm nghĩ mãi, ép mẹ uống cùng nó mới chịu. Khi ấy tôi chợt nghĩ, nếu mình mất đi thì con nhỏ bơ vơ, không đành. Thế là lần nào quay lại viện cũng nhủ lòng: Không được chết. Phải sống bằng mọi giá!”.

Suy nghĩ ấy càng được củng cố trong đầu chị, khi có những người bạn – người bệnh được bác sỹ thông báo được ra viện. Người này truyền người kia, chúc mừng nhau rối rít. Họ khóc, họ cười, họ thêm cho nháu niềm tin và sức mạnh.

Hiện tại, chị Huệ đang chờ lịch mổ. Chị chia sẻ: “Mổ xong khoảng 10-12 ngày thì tôi được xuất viện, về nhà nghỉ ngơi rồi lại lên trị xạ 2, 3 tháng ở đây. Trong những ngày chờ mổ, lại tiêm, truyền, chờ đợi và hi vọng...”.

Chị Huệ mỉm cười mà mắt ngấn nước. Hi vọng, đó là điều mà chắc chắn dù bệnh tật như thế nào chị cũng không đánh mất.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Anh (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN