Bệnh nhân nhiễm H cũng muốn... làm cha

Sự kiện: Bệnh vô sinh

Chúng tôi tìm đến gặp bác sĩ Lê Vương Văn Vệ tại Bệnh viện Nam học và Hiếm muộn Hà Nội khi ông đang tất bật để đưa ra những nghiên cứu mới nhất về tình trạng hiếm muộn của những bệnh nhân khuyết tật, bại liệt.

Ông cho hay, gắn bó với nghề như một định mệnh, mỗi khi được nhìn thấy nụ cười hạnh phúc của những cặp vợ chồng hiếm muộn chào đón đứa con yêu ra đời ông cảm thấy rất vui vì đã góp một phần nhỏ bé vào niềm vui chung ấy. Ông chính là "phép màu" hồi sinh những bản năng thầm kín nhất của những ông bố, bà mẹ trẻ kém may mắn...

Tìm đến tận nhà bệnh nhân đề nghị được chữa bệnh

Trong căn phòng làm việc ấm cúng trên tầng 3 bệnh viện, ông bảo ngày càng có nhiều người bị hiếm muộn nên không chỉ những ngày cuối tuần mà ngày nào các bác sĩ, y tá của bệnh viện đều bận rộn để đón tiếp bệnh nhân. Mỗi ngày có hàng chục người bệnh, già có, trẻ có, dù mỗi người một công việc, địa vị xã hội khác nhau nhưng họ có điểm chung là khát khao được có một đứa con do chính mình sinh ra. Và điều khiến ông thấy hạnh phúc là đã góp phần biến giấc mơ ấy thành hiện thực. Trong số ấy, cho tới bây giờ ông vẫn nhớ chuyện của một người ở Gia Lâm.

Cách đây 10 năm, khi khám bệnh tại bệnh viện Phụ sản Hà Nội, bác sĩ Vệ khám cho một bệnh nhân cao lớn, đẹp trai nhưng bị liệt hai chân tên là D. ở Gia Lâm. Năm D. 18 tuổi, đang học năm cuối cấp THPT, trên đường đi học về không may bị tai nạn giao thông. Dù đã chạy chữa nhiều nơi nhưng cuối cùng các bác sĩ không cứu được đôi chân cho D.. Bao mơ ước về tương lai bỗng dưng vụt tắt. Sau những ngày tuyệt vọng, D. chấp nhận sống chung với chiếc xe lăn và sau rất nhiều cố gắng, D. trở thành một vận động viên đua xe lăn.

Bệnh nhân nhiễm H cũng muốn... làm cha - 1

Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ trong phòng làm việc.

Mấy năm sau, D. lấy vợ, chính là nữ điều dưỡng đã chăm sóc anh ở viện. Nhưng sau ngày lấy vợ, D. lại mang nỗi buồn khi mỗi lần quan hệ vợ chồng anh không xuất tinh được. Khi khám, bác sĩ Vệ xác định nguyên nhân chính là do đáy cơ chậu bị liệt khiến người chồng trẻ không thể xuất tinh, nên khát khao có mụn con với vợ chồng họ vẫn là giấc mơ. Sau lần ấy, bác sĩ Vệ cứ bị ám ảnh với câu chuyện của D.. Nhưng thời điểm cách đây 10 năm, ông chỉ biết nghe và chia sẻ.

Mãi đến năm 2011, khi đã có đủ phương tiện, kỹ thuật, ông tự tin rằng mình có thể giúp D. có con và quyết định đi tìm D.. Nhưng thông tin về bệnh nhân rất mơ hồ, chỉ biết gia đình anh ở một xã ở Gia Lâm. Sau nhiều lần cất công tìm kiếm, thậm chí phải nhờ cả công an địa phương, cuối cùng ông mới tìm được D. và biết vợ chồng anh vẫn chưa có con. Và bác sĩ Vệ đã thuyết phục được gia đình để anh D. làm các xét nghiệm để có con.

Sau khi làm tất cả các thử nghiệm, ông và các đồng nghiệp kết luận D. vẫn có khả năng có con bằng thụ tinh ống nghiệm. Bởi qua thực tế nghiên cứu và kinh nghiệm nhiều năm, ông thấy rằng những người bị vô sinh do liệt nửa người sau tai nạn giao thông, sau phẫu thuật tiểu khung do chấn thương đứt niệu đạo sau, vỡ xương chậu bàng quang… trong tinh hoàn vẫn có "tinh binh". Vì thế việc hỗ trợ sinh sản không phải là chuyện quá khó. Bác sĩ Vệ quyết định lấy tinh trùng của D. từ túi tinh để làm thụ tinh trong ống nghiệm. Tinh trùng của D. sau khi thực hiện kỹ thuật thụ tinh ống nghiệm lần đầu làm 3 thai, sau giảm xuống còn một.

Sau khi thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm, ngay trong lần đầu tiên vợ D. đã mang thai. Hiện vợ chồng anh đã sinh một bé trai khỏe mạnh, phát triển bình thường. Bác sĩ Lê Vương Văn Vệ cho hay, từ đó đến nay có rất nhiều người khuyết tật, bị bại liệt đến gặp ông và mong muốn được nâng niu trên tay những đứa con do chính mình sinh ra.

Bệnh nhân nhiễm H cũng muốn... làm cha

Theo bác sĩ Vệ, ông đã có gần 10 năm ấp ủ nghiên cứu làm thế nào để những người liệt nửa người vẫn có thể có con được như bình thường dù đó là người cha sinh học (sinh con bằng tinh trùng của mình bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm) nhưng điều đó vẫn giúp cho nỗi đau của người bị liệt nửa người được vơi bớt. Đến năm 2011, bác sĩ Vệ đã thực hiện ca thụ tinh trong ống nghiệm với bệnh nhân liệt nửa người và ca đầu tiên đó đã mang lại thành công cho ông, mở ra niềm hy vọng mới cho những người kém may mắn về sức khoẻ nhưng vẫn muốn có những đứa con xinh xắn do vợ chồng mình sinh ra.

"Người hùng" của nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn cho hay, các thủ thuật được bác sĩ áp dụng là lấy tinh trùng từ túi tinh hoặc từ ống dẫn tinh để đưa vào ngân hàng tinh trùng và khi đến thời điểm rụng trứng của người mẹ sẽ chọc trứng. Nang noãn và tinh trùng sẽ được "trộn" trong ống nghiệm. Hiện nay, việc sinh con bằng phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm đang được nhiều cặp vợ chồng hiếm muộn lựa chọn. Ở bệnh viện Phụ sản Trung ương có thời điểm tỷ lệ thành công cho phương pháp này lên tới 60%. 

Bác sĩ Vệ chia sẻ, để có con, người đàn ông phải có số lượng tinh trùng đạt chuẩn khỏe mạnh. Tuy nhiên, với những nam giới không may bị liệt nửa người do tai nạn giao thông hay sau phẫu thuật tiểu khung do chấn thương đứt niệu đạo sau, hoặc vỡ xương chậu bàng quan… để có số lượng tinh trùng mạnh, đủ điều kiện sinh con là rất khó khăn…

Thụ tinh trong ống nghiệm là phương pháp hỗ trợ sinh sản mà "con giống" của nam giới và trứng của người phụ nữ được kết hợp ở ngoài cơ thể. Nếu hiện tượng thụ tinh xảy ra, sẽ tạo thành phôi, sau đó phôi được chuyển vào buồng tử cung. Phôi làm tổ và phát triển thành thai nhi như trong thụ thai tự nhiên. Với thụ tinh trong ống nghiệm cổ điển (in vitro fertilization - IVF) là kỹ thuật đặc biệt, "con giống" sau khi được lọc rửa cấy chung với trứng trong đĩa môi trường và để trong tủ ủ.

Trong vòng vài giờ đầu tiên sau cấy, "con giống" đã có thể đi xuyên vào trứng và quá trình thụ tinh xảy ra. Phôi được tạo thành sau đó sẽ được chuyển vào buồng tử cung. Trong kỹ thuật này trứng và "con giống" gặp nhau, hòa nhập một cách "tự nhiên" để hình thành phôi. Nhờ kỹ thuật ICSI phôi được tạo ra từ duy nhất 1 trứng và 1 "con giống", do đó ICSI có thể thực hiện được trong những trường hợp thiểu năng "con giống" nặng, hoặc "con giống" được lấy từ mào tinh hoặc tinh hoàn, tăng tỉ lệ thụ tinh.

Theo tiến sĩ Vệ, gần đây, một gia đình có bệnh nhân bị HIV đang ở giai đoạn cuối cũng đề nghị ông trữ tinh trùng để chờ đợi một điều kỳ diệu sau này. Tuy nhiên, ông cho biết, do các thiết bị y tế của Việt Nam chưa tốt, nên việc lọc và lấy tinh trùng là rất khó nên ông chưa dám nhận lời. Vì vậy, ông cũng mong bệnh viện sẽ tiếp cận được những máy móc, kỹ thuật tối tân nhất để mang lại hạnh phúc làm cha, làm mẹ cho những gia đình không may mắn. 

Tâm sự của một người cha

Anh Đỗ Văn Đạo - một bệnh nhân của bác sĩ Vệ cho biết: "Hơn một năm trước tôi có đến gặp bác sĩ Lê Vương Văn Vệ. Hai vợ chồng phải làm xét nghiệm, và phải làm đến lần thứ hai vợ tôi mới mang bầu. Con trai tôi hiện nay đã được 8 tháng, cháu tên là Đỗ Đức Nguyên Khang.

Trước khi đến gặp bác sĩ Vệ, vợ chồng tôi đã đi khắp các bệnh viện ở Hà Nội như bệnh viện 103, bệnh viện Bạch Mai nhưng không đạt được kết quả mong muốn. Một bác sĩ ở bệnh viện Quân đội 103 đã giới thiệu tôi với bác sĩ Lê Vương Văn Vệ và có cháu Nguyên Khang. Từ trước đến nay tôi chưa bao giờ nghĩ là mình có thể có hạnh phúc làm cha. Tôi và gia đình mãi mãi biết ơn bác sĩ Vệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lạc Thành (Đời sống & Pháp luật)
Bệnh vô sinh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN