Bảo hiểm y tế: Thủ tục rườm rà
Sở dĩ chị Trần Hồng Yến, 19 tuổi ở Ba Vì, Hà Nội nhập viện trong tình trạng bệnh lao rất nặng vì chị không được đăng ký khám chữa bệnh ban đầu theo thẻ bảo hiểm y tế ở các bệnh viện chuyên khoa.
Trong khi nhiều người còn chưa hài lòng với chất lượng khám chữa bệnh BHYT thì ngành y tế đang triển khai khám BHYT ban đầu từ tuyến xã. Tuy nhiên, trên thực tế các trạm xá xã đều thiếu trang thiết bị, thiếu bác sỹ, y tá nên người bệnh không hài lòng và tin tưởng với tuyến khám ban đầu này.
Đơn cử như Trạm y tế xã Chu Minh, Ba Vì, Hà Nội, bác sĩ không có, chỉ có y sĩ và y tá, trang thiết bị không đủ đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân. Trường hợp chị Yến thấy mình có dấu hiệu bệnh lao đến khám tại Trạm y tế xã Chu Minh nhưng cán bộ y tế vẫn không thể khẳng định chị nhiễm lao. Các y tế cho biết xã không có máy xét nghiệm đờm nên không thể kết luận được chính xác bệnh của chị khiến chị chán nản ra về. Chị Yến chán nản ra về, đến khi bệnh nặng mới lên tuyến Trung ương.
Trạm y tế xã không thể kết luận chính xác bệnh cho bệnh nhân. (Ảnh: Thu Trinh)
Trạm y tế xã Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên cũng trong tình trạng tương tự, thiếu cán bộ y tế và thiếu trang thiết bị máy móc, không đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh cho nhân dân trong xã. Vì thế chẳng mấy ai mặn mà bỏ tiền ra mua thẻ bảo hiểm y tế. Chị Thắm ở Tân Châu, Khoái Châu, Hưng Yên chia sẻ: “Việc bỏ tiền ra mua bảo hiểm y tế lại chỉ được khám chữa ban đầu ở trạm y tế xã/phường nên tôi không tham gia. Tâm lý người dân ở đây chỉ khi nào bệnh nặng mới phải đi viện. Nếu phải đợi làm thủ tục cho đúng tuyến từ xã lên tuyến huyện, tuyến tỉnh rồi mới đưa đến tuyến trung ương thì bệnh tình đã rất nặng rồi”.
Không những thế, nhiều người tham gia bảo hiểm y tế còn phàn nàn về thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Chị Lan ở Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội chia sẻ: “Dù có thẻ nhưng tôi chẳng mấy khi dùng đến mà toàn khám dịch vụ. Trước đây, tôi đã vài lần đi khám BHYT nhưng phải xếp hàng lấy số rồi chờ đến lượt khám rất rườm rà, mất thời gian. Nhân viên y tế thì gắt gỏng, để được phát vài viên thuốc theo bảo hiểm y tế cũng toát mồ hôi hột”.
Bệnh nhân có bảo hiểm y tế điều trị vẫn phải nằm ghép 2-3 người một giường. (Ảnh: Thu Trịnh)
Khám bệnh bằng BHYT đã vất vả là thế, nếu phải điều trị nội trú thì bệnh nhân có bảo hiểm y tế cũng phải nằm ghép 2-3 người/giường bệnh. Chị Duyên, Nam Định mắc bệnh ung thư vú không những bức xúc về việc nằm ghép giường mà còn bức xúc về thuốc men do BHYT cấp: “Hầu như những loại thuốc đặc trị đắt tiền lại nằm ngoài danh mục thuốc chi cho BHYT nên dù có BHYT nhưng tiền điều trị vẫn rất tốn kém”.
Thủ tục BHYT rườm ra, nên nhiều không tham gia. (Ảnh: Thu Trịnh)
Nói về những rắc rối trong thủ tục BHYT, PGS.TS. Đinh Ngọc Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Lao và Phổi Trung ương cũng thừa nhận rằng: “Thủ tục bảo hiểm y tế chính là rào cản đối với người bệnh. Người bệnh mua thẻ bảo hiểm y tế nhưng không được đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại các bệnh viện chuyên khoa nên họ chán nản và cứ thế bệnh ngày càng nặng”.
PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ Trưởng Bộ Y tế từng trả lời trên báo giới về những bất cập của bảo hiểm y tế rằng: “BHYT hiện vẫn chưa đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh của người tham gia, đôi khi những dịch vụ y tế thuộc phạm vi quyền lợi đã được xác định cũng không được đảm bảo. Thủ tục hành chính phức tạp có nguyên nhân từ cơ chế thanh toán chi phí và cách thức tổ chức khám chữa bệnh BHYT cũng góp phần làm giảm đi tính hấp dẫn của BHYT đối với người đã tham gia BHYT và những người chưa tham gia BHYT. Hạn chế này vẫn đang là một trở ngại cho việc mở rộng bao phủ BHYT”.
Những rắc rối về thủ tục bảo hiểm y tế cũng là lý do khiến số người tham gia BHYT tại Việt Nam còn thấp, có đến trên 30% số dân chưa tham gia bảo hiểm y tế. Bà Tống Thị Song Hương, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm y tế, Bộ Y tế cũng nhận định: “Thủ tục khám chữa bệnh cho người dân có BHYT còn phức tạp, quy trình chuyển tuyến phiền hà. Thêm vào đó tình trạng quá tải tại các bệnh viện nhất là các cơ sở tuyến tỉnh, tuyến trung ương phần nào ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.”