Báo động bệnh nghề nghiệp tăng cao
Các chuyên gia về lao động cảnh báo trong xu thế hội nhập, với nhiều ngành nghề mới được phát triển, việc sử dụng nhiều hóa chất sẽ làm tăng cao số bệnh nghề nghiệp
Từ miền Tây lên TP HCM làm công nhân (CN) chế biến thủy sản, giờ đây, chị N.T.N (37 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) làm việc tại KCX Linh Trung mang trong mình căn bệnh tê cứng xương khớp. Đi khám bác sĩ, chị được xác định đang mắc bệnh nghề nghiệp do đặc thù công việc, nếu không được chăm sóc sẽ khổ sở về sau. “Biết làm sao được, đứng cả ngày trong phòng đông lạnh gần 10 năm nay thì xương khớp chân tay nào chịu nổi, vì gia đình và phải nuôi con nhỏ tôi đành chịu thôi” - chị buồn bã nói.
Cắn răng vì cơm áo
Anh L.H.N là một trường hợp khác. Tuy tuổi đời còn khá trẻ nhưng anh đã phải sống chung với chứng điếc tai khó chữa. Từ miền Trung vào TP làm CN cơ khí chưa đến 2 năm, giờ đây, mỗi lần trao đổi với người đối diện, người ta phải hét như quát anh mới nghe được. Đi khám chuyên khoa tai mũi họng, thầy thuốc cảnh báo anh đang mắc bệnh giảm thính lực giai đoạn nặng do ảnh hưởng tiếng ồn công nghiệp và có thể bị điếc nếu tình trạng kéo dài.
Đây chỉ là một số trường hợp trong hàng triệu lao động bất đắc dĩ “dính” thêm căn bệnh vì cuộc mưu sinh. Chỉ riêng khảo sát của Viện Vệ sinh Y tế công cộng TP HCM (Bộ Y tế), trong số 1.000 CN nghề may đã có đến 93% bị mệt mỏi sau lao động, trong đó 47% mệt mỏi toàn thân; 15% kiệt sức; hơn 80% đau mỏi cơ - xương - khớp... TS-BS Trịnh Hồng Lân, Trưởng Khoa Sức khỏe lao động - Bệnh nghề nghiệp của viện này, cảnh báo người lao động đang đối diện với nhiều nguy cơ tiềm ẩn của bệnh nghề nghiệp nhưng chưa đến 10% (trong số khảo sát) được chăm sóc sức khỏe.
Ngộ độc thực phẩm luôn là nỗi ám ảnh của công nhân
Tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng bệnh nghề nghiệp TP HCM, nếu như các năm trước, tỉ lệ bệnh nhân là CN mắc các bệnh nghề nghiệp chỉ chiếm 10% - 15% thì gần đây, tỉ lệ này là 30%. Bác sĩ Đỗ Thị Ngọc Diệp, Giám đốc Trung tâm Dinh dưỡng TP, cảnh báo có đến 35% CN không bảo đảm 4 bữa ăn trong ngày; tỉ lệ người lao động, đặc biệt là nữ CN, thiếu vi chất dinh dưỡng ở mức đáng quan ngại.
Công bố mới đây của Sở Y tế TP HCM cũng cho thấy tình trạng về môi trường lao động tại các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn TP là đáng báo động. Trong 1.424 cơ sở gồm công ty, xí nghiệp trực thuộc nhà nước, các công ty liên doanh liên kết với nước ngoài, hợp tác xã, công ty cổ phần, tư nhân… được kiểm tra môi trường năm 2015, kết quả xác định nhiều mẫu vượt tiêu chuẩn cho phép như: điện từ trường 4,7%; hơi khí độc 5,3%; nhiệt độ 14%; tiếng ồn 13%; ánh sáng 22%. Tình trạng ô nhiễm này ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người lao động, khiến nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp như bụi phổi, viêm phế quản mạn tính, nhiễm độc, điếc, bệnh về da… lên tới gần 65%. Công tác chăm sóc sức khỏe cho người lao động ở hầu hết các cơ sở vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chỉ hơn 21% cơ sở có yếu tố nguy cơ thực hiện khám bệnh nghề nghiệp cho người lao động.
Doanh nghiệp lơ là trách nhiệm
Theo Cục An toàn Lao động (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), Việt Nam hiện có 30.000 người lao động mắc bệnh nghề nghiệp. Tuy nhiên, con số thực tế cao hơn gấp nhiều lần. Nước ta chỉ mới công nhận 30 bệnh nghề nghiệp, trong đó bệnh bụi phổi là phổ biến và nguy hiểm nhất (chiếm 74%), kế đến là điếc do tiếng ồn (17%), rồi các bệnh khác như nhiễm độc benzen; bệnh do tia X; sạm da nghề nghiệp, viêm da…
Mặc dù đối diện với nhiều nguy cơ mắc các bệnh do nghề nghiệp tác động song vì nhiều lý do khác nhau như điều kiện sinh hoạt kém, chế độ dinh dưỡng không hợp lý, DN thiếu trách nhiệm nên việc chăm sóc sức khỏe để tái tạo sức lao động cho CN bị bỏ ngỏ. TS-BS Huỳnh Tân Tiến, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ sức khỏe lao động và Môi trường TP HCM, chỉ ra thực trạng trên là do đơn vị sử dụng lao động đang trốn tránh trách nhiệm trong việc bảo đảm vệ sinh an toàn lao động cho người lao động; công tác quản lý nhà nước còn lỏng lẻo; chính sách cho cán bộ y tế hệ dự phòng chưa phù hợp, mức thu nhập thấp nên không thu hút được nhân lực, dẫn tới thiếu bác sĩ chuyên khoa về vệ sinh lao động, bệnh nghề nghiệp và khám sức khỏe định kỳ cho người lao động.
Các chuyên gia về lao động cảnh báo trong xu thế hội nhập, với nhiều ngành nghề mới được phát triển, việc sử dụng nhiều hóa chất khác nhau sẽ dẫn đến số bệnh nghề nghiệp tăng cao, cả cấp tính và mạn tính, đặc biệt khi để bệnh tích tụ lâu năm thì càng nguy hiểm, không có thuốc chữa, thậm chí tử vong. Người lao động có vai trò to lớn tạo ra giá trị vật chất cho DN, thế nhưng sức khỏe và tính mạng của họ chưa được các đơn vị này quan tâm đúng mức.
Theo Bộ Y tế, hiện chỉ có khoảng 15% cơ sở lao động trong toàn quốc được giám sát môi trường lao động, khám sức khỏe và khám phát hiện bệnh nghề nghiệp định kỳ. |