Cấm bác sĩ bệnh viện công mở phòng khám tư: Đang có sự hiểu nhầm

Dự thảo nghị định mới thay thế nghị định 87/2011/NĐ – CP quy định từ 1/7/2016 các bác sĩ làm tại Bệnh viện công không được làm giám đốc các bệnh viện và phòng khám đa khoa tư nhân.

Cụ thể, tại Chấm 5, Điều 14, Mục 3, dự thảo nghị định trên nêu rõ: Người đang hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

Thông tin này nhanh chóng được chia sẻ trên mạng xã hội, đặc biệt là những người làm trong ngành y. Ban đầu, họ cho rằng từ tháng 7 tới họ không được mở phòng khám tư ở nhà để tăng thu nhập.

Cấm bác sĩ bệnh viện công mở phòng khám tư: Đang có sự hiểu nhầm - 1

Bác sĩ vẫn được mở phòng mạch tư

Một bác sĩ nội khoa ở TP.HCM cho biết anh đang có ý định sang tháng 8 sẽ mở một phòng khám nội tại chung cư gần nhà để tăng thêm thu nhập cho vợ chồng anh. Vợ anh là bác sĩ khoa Nhi, còn anh là bác sĩ hồi sức cấp cứu. Khi thấy bạn bè gửi thông tin này anh rất buồn và không rõ thực hư thế nào.

Nhiều bác sĩ bình luận rằng lương bác sĩ ở bệnh viện công rất thấp. Nếu không cho mở phòng khám họ sẽ bỏ nghề hết vì không đủ mức sống. 

Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, TS Nguyễn Huy Quang- Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế cho rằng các bác sĩ và dư luận đang hiểu lầm.

Theo ông Quang dự thảo lần này với điều 14 không có gì khác biệt so với trước đây và từ trước tới nay vẫn thực hiện như thế chứ không phải bắt đầu từ 1/7/2016. Ông Quang cho biết theo quy định các bác sĩ đang làm ở bệnh viện công không được đứng tên mở các bệnh viện tư nhân, phòng khám đa khoa tư nhân mà khi về hưu mới được đứng tên. Còn phòng mạch làm ngoài giờ vẫn được phép mở theo đúng quy định. 

Dự thảo lần này theo ông Quang chỉ nhấn mạnh vấn đề cần xem xét đó là loại hình chăm sóc da spa và phẫu thuật thẩm mỹ. Ông Quang cho biết hiện nay các trung tâm chăm sóc da chỉ cần giấy phép kinh doanh của phòng thương mại, không cần giấy phép y tế nên còn nhiều lỗ hổng. Vì nhiều spa vẫn phun xăm liên quan đến chảy máu, có thể lây các bệnh truyền nhiễm. Dự thảo lần này sẽ đề cập tới vấn đề đưa các spa vào quản lý của y tế.

Cụ thể, tại Điều 14, Mục 3, dự thảo nghị định trên nêu rõ: Người hành nghề khám chữa bệnh phải đảm bảo thực hiện đúng 9 nguyên tắc sau:

1. Một người hành nghề chỉ được đăng ký chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của 01 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, không được đồng thời làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật từ 02 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trở lên.

2. Một người hành nghề chỉ được đăng ký làm người phụ trách 01 khoa của 01 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (không được đồng thời làm người phụ trách từ 02 khoa trở lên trong cùng một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc đồng thời làm người phụ trách khoa của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác).

3. Người hành nghề chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thể kiêm nhiệm phụ trách khoa trong cùng 01 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhưng chỉ được phụ trách 01 khoa và phải phù hợp với văn bằng chuyên môn được đào tạo của người đó.

4. Người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của 01 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ngoài giờ.

5. Người đang hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước không được đăng ký làm người đứng đầu của bệnh viện tư nhân hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được thành lập và hoạt động theo Luật doanh nghiệp, Luật hợp tác xã, trừ trường hợp được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử tham gia quản lý, điều hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phần vốn của Nhà nước.

6. Người hành nghề đã đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của 01 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh được đăng ký làm việc ngoài giờ tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác trên cùng địa bàn tỉnh nhưng tổng thời gian làm ngoài giờ không quá 200 giờ/năm theo quy định của Bộ luật Lao động.

7. Người hành nghề đã đăng ký hành nghề tại 01 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì không được đăng ký làm người chịu trách nhiệm chuyên môn kỹ thuật của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn tỉnh khác với nơi mình đang hành nghề để bảo đảm tính liên tục, ổn định trong cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

8. Người hành nghề đã đăng ký hành nghề ở một cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi thực hiện việc khám bệnh, chữa bệnh theo chế độ luân phiên cán bộ từ tuyến trên xuống tuyến dưới, khám bệnh, chữa bệnh nhân đạo hoặc thực hiện kỹ thuật chuyên môn (ví dụ: hội chẩn, mổ phiên) theo hợp đồng giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì không phải đăng ký hành nghề.

9. Trường hợp người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh vì lý do ốm đau, nghỉ phép, đi học hoặc vì các lý do khác thì người chịu trách nhiệm chuyên môn phải thực hiện các thủ tục sau:

- Nếu thời gian vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh dưới 3 ngày thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người làm việc tại cơ sở khám, chữa bệnh đó có chứng chỉ hành nghề phù hợp với ít nhất một trong các chuyên khoa mà cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đăng ký hoạt động và có thời gian khám bệnh, chữa bệnh ít nhất là 54 tháng.

- Nếu thời gian vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên 3 ngày thì thực hiện theo quy định trên và phải có văn bản báo cáo Sở Y tế.

- Nếu thời gian vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ 30 ngày đến 180 ngày thì thực hiện theo quy định trên, có văn bản báo cáo Sở Y tế và được Sở Y tế chấp thuận bằng văn bản.

- Nếu thời gian vắng mặt tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên 180 ngày thì cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải làm hồ sơ, thủ tục đề nghị thay đổi người chịu trách nhiệm chuyên môn của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phúc Mai (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN