Bác sỹ cố tình kê đơn thuốc đắt tiền

Thói quen kê đơn thuốc đắt tiền không cần thiết của một số bác sỹ hiện khiến cho người dân nghèo đói.

Ông Phạm Mạnh Hùng- Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam nhận định tại buổi họp báo nhân ngày Thầy thuốc Việt Nam diễn ra hôm nay (20/2).

Thiếu y đức đẩy người dân vào cảnh nghèo đói

Theo ông Hùng, người dân không phủ nhận những thành tựu mà ngành y tế thu được trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cho nhân dân nhưng hiện nay người dân khi phải đối mặt với chi phí khám chữa bệnh quá lớn.

Ông Hùng phân tích, khi người dân bị bệnh, đặc biệt là bệnh nặng, cần thời gian và chi phí điều trị lớn, không có khả năng lao động, sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống mưu sinh.

“Không chỉ có gánh nặng bệnh tật khiến người dân lâm vào cảnh nghèo hóa mà hiện một bộ phận bác sỹ không có ý đức cũng đẩy người dân lâm vào tình cảnh này”, ông Hùng nói.

Ông Hùng nhận định, có một thực tế tại các cơ sở khám chữa bệnh hiện nay là một số bác sỹ đã lạm dụng các xét nghiệm, yêu cầu bệnh nhân xét nghiệm không cần thiết. Bên cạnh đó, do lợi nhuận, do phần trăm hoa hồng với các doanh nghiệp dược, doanh nghiệp thực phẩm chức năng mà nhiều bác sỹ đã cố tình kê đơn thuốc đắt tiền không cần thiết cho bệnh nhân khiến họ đã nghèo lại càng nghèo hơn.

Bác sỹ cố tình kê đơn thuốc đắt tiền - 1

Do lợi nhuận, nhiều bác sỹ đã cố tình kê đơn thuốc đắt tiền không cần thiết cho bệnh nhân

Bà Đào Lan Hương, chuyên gia y tế Ngân hàng Thế giới cho rằng, trong khám chữa bệnh của người dân Việt Nam, việc chi trả cho dịch vụ y tế tự nguyện còn hạn chế, dù tỷ lệ người dân sử dụng dịch vụ y tế tự nguyện ở mức cao, chiếm tới 50% trong tổng số người sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh và mua thuốc của người dân, dẫn đến tình trạng người dân rơi vào nghèo hóa.

Theo bà Lan Hương, hiện nay, người Việt phải chi trả chi phí dịch vụ y tế quá cao, chiếm đến gần 50% tổng chi tiêu y tế (trong khi ở nhiều nước có nền kinh tế ngang bằng Việt Nam, tỷ lệ này chỉ dưới 30%).

Dạy lại y đức cho thầy thuốc?

Theo ông Phạm Mạnh Hùng, y đức của y, bác sỹ ngày xưa và nay đã khác nhau rất nhiều. Trước kia trên giảng đường giáo dục y đức cho sinh viên, chỉ với cụm từ "hy sinh, hy sinh và hy sinh". Nhưng ngày nay nếu chỉ rao giảng về điều này sẽ không đi vào lòng người mà phải dung hòa mối liên hệ giữa hy sinh và lợi ích thu được. Tuy nhiên mục tiêu cao nhất của y, bác sỹ vẫn là đặt tính mạng của bệnh nhân lên hàng đầu.

Phân tích về bài học cay đắng sau vụ bác sỹ Nguyễn Mạnh Tường ở thẩm mỹ viện Cát Tường vứt xác bệnh nhân, ông Hùng nói: Đây là trường hợp mà những người công tác trong ngành Y không thể hiểu nổi, một bác sỹ không  những không đặt tính mạng, lợi ích của bệnh nhân lên trên mà còn có hành vi giấu dốt, không dám thừa nhận sai phạm, yếu kém của bản thân, thật là đáng buồn. Tai biến y khoa hay sai sót trong nghiệp vụ là điều mà không người làm ngành Y nào mong muốn tuy nhiên để có bản lĩnh đối diện với sai sót này thì cần cả một quá trình.

"Thầy thuốc không được viện cớ về tỷ lệ tai biến y khoa nằm trong giới hạn cho phép để biện minh cho những sai sót y khoa của mình. Nhưng khi xảy ra tai biến nên bình tĩnh nhìn nhận một cách khách quan và khoa học về tai biến", ông Hùng nói.

Do vậy, bên cạnh việc giáo dục y đức cho sinh viên y khoa, cho các bác sỹ đang công tác, công tác giáo dục tính chuyên nghiệp trong y học hay còn gọi là y nghiệp cần đặc biệt coi trọng.

"Đây là nhân tố sẽ theo mỗi người công tác trong ngành Y suốt cuộc đời với suy nghĩ vừa dấn thân, vừa tự nguyện hiến dâng cuộc đời cho sự nghiệp thiêng liêng và cao cả", ông Phạm Mạnh Hùng chia sẻ.

Theo vị Giáo sư này, câu châm ngôn "thầy thuốc như mẹ hiền" đã ngấm vào máu, đi vào tâm thức của nhân dân Việt Nam, nhưng hiện nay bài học vỡ lòng này hiện đã nhạt nhòa trong một bộ phận y, bác sỹ. Một bộ phận y, bác sỹ đã quên mất cách tiếp xúc lâm sàng với bệnh nhân, thay vào đó là quá lạm dụng vào công nghệ, máy móc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN