ĐB Quốc hội đề nghị Chính phủ chấn chỉnh y đức

Thảo luận tại Quốc hội ngày 8/11, nhiều đại biểu cho rằng, y đức trong đội ngũ cán bộ y tế xuống cấp trầm trọng...

Phát biểu thảo luận về việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, vấn đề y đức của đội ngũ y bác sĩ đã phần nào làm giảm lòng tin của nhân dân.

Đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng, chậm cải thiện y đức, thái độ phục vụ, tinh thần trách nhiệm và cách ứng xử của một số cán bộ nhân viên y tế đã gây bức xúc cho người dân và dư luận xã hội. Đặc biệt một số vụ việc xảy ra gần đây là tai nạn nghề nghiệp không ai mong muốn. Nhưng đối với ngành y sai sót này đã là giảm sút lòng tin của nhân dân.

ĐB Quốc hội đề nghị Chính phủ chấn chỉnh y đức - 1

ĐB Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc). Ảnh: Người lao động

Theo đại biểu Phạm Thị Hải (Đồng Nai), thống kê cho thấy nhiều tỉnh có tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế thấp, có 4 tỉnh dưới 50% dân số tham gia. Tỷ lệ đối tượng tham gia bắt buộc chưa ổn định và tỷ lệ nhóm tự nguyện tham gia còn rất thấp, thậm chí có tỉnh chỉ đạt từ 1 - 3%.

Nguyên nhân bởi chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế ở một số cơ sở y tế nhất là ở tuyến dưới còn nhiều bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu của người bệnh. Bên cạn đó, năng lực chuyên môn và vấn đề y đức của đội ngũ y bác sĩ đã phần nào làm giảm lòng tin, gây tâm lý e ngại và chưa đủ sức thuyết phục thu hút người dân tham gia bảo hiểm y tế.

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cũng chỉ ra một loạt hạn chế trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế. ĐB đề nghị Chính Phủ tăng cường quản lý nhà nước về bảo hiểm y tế, chấn chỉnh y đức để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh.

Cùng chung quan điểm với các đại biểu trên, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) cũng cho rằng, vấn đề y đức xuống cấp trầm trọng, thủ tục hành chính phiền hà đã trực tiếp đe dọa phá vỡ ý nghĩa nhân văn trong chính sách bảo hiểm y tế.

Ông Nghĩa cho rằng, chất lượng thuốc bảo hiểm y tế chưa cao, phong bì phiền hà, rườn rà trong thủ tục khám, chữa bệnh... làm cho người mua bảo hiểm y tế tự nguyện vẫn còn thấp.

Ông Nghĩa cho biết, nhiều cử tri kiến nghị, thủ tục chuyển tuyến, khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế quá phiền hà. Ông đề nghị: “Người có thẻ bảo hiểm y tế được quyền đến khám tại các bệnh viện chuyên khoa. Và được thanh toán bảo hiểm y tế như tại nơi đăng ký khám bệnh ban đầu mà không cần làm thủ tục chuyển viện”.

Đồng quan điểm với đại biểu Nghĩa, đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cũng đề nghị người tham gia bảo hiểm y tế được chủ động đăng ký nơi khám, chữa bệnh ban đầu. Trong đó có cả các bệnh viện tư nhân, bệnh viện có nguồn vốn đầu tư từ nước ngoài để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh. Đồng thời thúc đẩy nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và y đức, ý thức phục vụ người bệnh.

Tại phiên thảo luận, đại biểu Lê Khánh Nhung (Quảng Bình) đưa ra giải pháp “tránh thái độ phân biệt đối xử trong khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm và dịch vụ”. Theo Đại biểu, cần tạo một môi trường để cán bộ y tế không muốn, không dám và không thể làm sai y đức. Ví dụ vừa qua Bộ Y tế đã chấn chỉnh y đức bằng cách cung cấp đường dây nóng, bước đầu đã phát huy hiệu quả.

Tại phiên thảo luận, nhiều đại biểu đề cập đến sự việc cấp trùng thẻ bảo hiểm y tế thời gian qua. Theo đại biểu Nông Thị Lâm (Lạng Sơn) cho biết qua báo cáo và rà soát của 42 tỉnh, thành phố đã có gần 800 nghìn thẻ cấp trùng, có những người có từ 3 - 4 thẻ. Do vậy gây khó khăn cho người có thẻ cũng như lãng phí nguồn ngân sách.

“Nếu như rà soát hết 63 tỉnh, thành phố tôi tin rằng số thẻ trùng còn cao hơn rất nhiều”, đại biểu Lâm nhận định.

Tuy nhiên, trong báo cáo chưa thấy quy rõ trách nhiệm của các bộ, ngành trong việc này. Đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm các cơ quan, các bộ, ngành.

Đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cũng đề nghị Chính phủ quy định cụ thể rõ ràng trách nhiệm trong việc cấp phát thẻ bảo hiểm y tế để tránh tình trạng cấp trùng, cấp muộn ảnh hưởng đến việc khám, chữa bệnh của người dân.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN