Bác sĩ dùng miệng cứu người

Thiếu niên 12 tuổi đang nằm trên bàn mổ bị trào ngược, thức ăn tràn đầy cả miệng, mũi gây tắc đường hô hấp, bác sĩ lao đến dùng miệng hút hết các tạp chất ra kịp thời để ca mổ thành công...

Miệng bác sĩ thay máy hút

Theo bác sĩ Nguyễn Lâm Hùng – Trưởng khoa Nhi và bác sĩ Lang Hải Chiêu – Quyền trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An kể lại, khi bác sĩ Quỳnh mới về khoa Ngoại, Bệnh viện phẫu thuật cho một cháu bé 12 tuổi bị thoát vị bẹn. Các bác sĩ đã căn dặn người nhà, trước khi lên bàn mổ phải để cháu bé thật đói, không được ăn uống bất cứ thứ gì.

Thế nhưng, thấy con khóc vì đói bụng, ông bố thương con đã giấu giếm bác sĩ, đưa con đi ăn một bát phở. Sau khi gây mê, chuẩn bị phẫu thuật, bỗng dạ dày cháu bé phản ứng nôn thốc nôn tháo, thức ăn tràn ra cả miệng và mũi. Lúc đó bệnh nhân đã ngấm thuốc mê, nếu không hút hết các tạp chất kịp thời, chỉ trong vòng 2-3 phút các tạp dịch sẽ tràn vào màng phổi gây ngạt thở, bệnh nhân sẽ tử vong.

Hồi đó bệnh viện đang rất thiếu thốn phương tiện, chưa có máy hút. Các bác sĩ lúng túng chưa biết nên xử lý thế nào thì lập tức bác sĩ Quỳnh đến dùng miệng của mình ngậm vào miệng, mũi bệnh nhân vừa hút vừa nhả các tạp chất ra ngoài để thông đường hô hấp. Nhờ hành động kịp thời này, ca phẫu thuật đã diễn ra thành công.

Sau ca “hút tạp chất bằng miệng” đó không lâu, bác sĩ Quỳnh tiếp tục khiến cả bệnh viện vừa “ghê” vừa nể phục với hành động dùng miệng để hút thông đường hô hấp, cứu sống một cháu bé sơ sinh vừa chào đời bị sặc nước ối từ trong bụng mẹ.

Vị bác sĩ đó là Hà Văn Quỳnh – Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nam Nghệ An.

Bác sĩ dùng miệng cứu người - 1

Bác sĩ Hà Văn Quỳnh.

Cứu bệnh nhi bằng máu của mình

23h50’ ngày 23/12/2010, Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An (đóng ở thị trấn Con Cuông) nhận một ca cấp cứu khẩn cấp, bệnh nhân là Nguyễn Dũng Cường (sinh năm 1989 ở Khe Bố, huyện Tương Dương), nhập viện trong tình trạng nguy kịch. Những người đưa bệnh nhân vào viện cho biết: người thanh niên này bị ngã xe máy vào khoảng 21h30’ cùng ngày. Các bác sĩ trực cấp cứu khám và kết luận: “Bệnh nhân bị chấn thương rất nặng ở vùng ngực và bụng, vỡ gan, gãy xương sườn, tràn dịch màng phổi, máu chảy rất nhiều...”.

Bác sỹ Hà Văn Quỳnh – Phó giám đốc phụ trách chuyên môn của Bệnh viện cùng các đồng nghiệp lập tức có mặt để trực tiếp chỉ đạo cấp cứu.

Do nạn nhân bị chảy máu trong nên việc cầm máu hết sức khó khăn, các bác sĩ phải phẫu thuật. Hơn 30 phút sau, công việc cầm máu thành công, nhưng huyết áp của bệnh nhân đã tụt xuống 0 do mất máu quá nhiều và lượng máu chảy ra bị nhiễm bẩn nặng không thể truyền trở lại. Dùng tai nghe kiểm tra thì không còn thấy nhịp tim đập.

Bác sĩ trực tiếp phẫu thuật thở dài: “Hết hy vọng rồi” và đề nghị thông báo cho người nhà bệnh nhân đến đưa về lo hậu sự. Bác sĩ Quỳnh ra lệnh: “Còn một phần nghìn hy vọng vẫn phải dốc hết sức cứu chữa”. Rồi ông lập tức ông đề nghị y tá khẩn trương tiếp máu cho bệnh nhân, tuy nhiên cả bệnh viện không còn một đơn vị nhóm máu O nào nữa. Ông quyết định không một phút đắn đo: “Tôi nhóm máu O, để tôi cho máu”.

Theo đúng quy trình, người hiến máu phải được kiểm tra máu trước khi cho và phải được sự đồng ý của bệnh nhân hoặc người nhà. Tuy nhiên, trong tình thế quá cấp bách, nếu chậm trễ thêm chút nữa bệnh nhân sẽ tử vong. Để kịp thời, bác sĩ Quỳnh lấy máu của mình truyền ngay cho bệnh nhân mà không cần chờ xét nghiệm, ông cam đoan mình hoàn toàn khỏe mạnh, không mắc bệnh truyền nhiễm gì.

Sau khi được truyền 250ml máu của bác sĩ Quỳnh, máy Mornitor theo dõi sinh tồn hiển thị chỉ số huyết áp tối đa bệnh nhân tăng lên 40 mmHg, hy vọng cứu sống bệnh nhân được mở ra. Bác sĩ Quỳnh hỏi các đồng nghiệp “Ở đây còn có ai nhóm máu O không?”. Bác sĩ trẻ Lương Hồng Thanh, người tham gia kíp mổ xung phong: “Em cũng nhóm máu O”. “Vậy tiếp máu ngay cho bệnh nhân” – bác sĩ Quỳnh đề nghị. Noi gương “sếp”, bác sĩ Lương Hồng Thanh cũng lấy máu của mình truyền thêm 250ml cho bệnh nhân. Được tiếp nhận 500ml máu từ hai bác sĩ, huyết áp bệnh nhân hồi phục dần và tăng lên trên 60 mmHg, cả kíp trực cấp cứu thở phào nhẹ nhõm.

Sáng hôm sau, người nhà bệnh nhân đến đông và lần lượt tiếp thêm máu, huyết áp của người thanh niên bị tai nạn giao thông đã dần ổn định và duy trì ở mức 80 – 120. Tiếp tục điều trị dưỡng thương ở Bệnh viện đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An thêm một thời gian, Nguyễn Dũng Cường được ra viện và hiện nay rất khỏe mạnh.

Trên đây chỉ là một trong những ca cấp cứu điển hình mà bác sĩ Hà Văn Quỳnh cùng các bác sĩ, y tá Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Nam Nghệ An đã cứu bệnh nhân thoát khỏi bàn tay tử thần một cách ngoạn mục.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Hảo (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN