Ba trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin

Vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B được bảo quản đúng quy trình, còn hạn sử dụng, được tiêm bởi y tá giàu kinh nghiệm. Kết luận ban đầu cho thấy nguyên nhân do sốc phản vệ.

Chiều 20/7, gia đình anh Hồ Văn Hang, trú tại bản 7, xã Thuận, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị), đã đưa thi thể đứa con mới sinh về quê an táng. Con anh Hang là 1 trong 3 trẻ tử vong tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa vào sáng cùng ngày sau khi được tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi B.

Không kịp trở tay

Anh Hang cho biết con anh sinh vào đêm 19-7, rất khỏe mạnh. Đến khoảng 7 giờ ngày 20-7, y tá đến tiêm vắc-xin viêm gan B. Một lúc sau, gia đình phát hiện cháu tím tái, khó thở và tử vong ngay sau đó.

Hai nạn nhân còn lại là con gái của vợ chồng anh Nguyễn Đình Đạo và Nguyễn Thị Nga (ngụ huyện Phong Điền, thỉnh Thừa Thiên - Huế) và con của một phụ nữ tên Hà ở khóm 3, thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa. Cũng như con anh Hang, 2 cháu bé được sinh ra khỏe mạnh nhưng sau khi tiêm vắc-xin viêm gan siêu vi B thì tử vong.

Ba trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin - 1

Gia đình ông Nguyễn Đình Đạo đưa thi thể của con về chôn cất. Ảnh: CAM LỘ

Bác sĩ Nguyễn Văn Thiện, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa, cho biết người trực tiếp tiêm cho 3 trẻ trên là y tá Nguyễn Thị Thuận, đã có trên 20 năm kinh nghiệm trong khoa sản và tiêm chủng. “Về kinh nghiệm và kỹ thuật tiêm thì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào y tá Thuận. Đây là số vắc-xin do Trung tâm Y tế dự phòng huyện cung cấp vào đầu tháng 7 này, hạn sử dụng đến năm 2015” - ông Thiện khẳng định.

Ông Võ Quy Nhơn, Trưởng Phòng Y tế huyện Hướng Hóa, cho biết 3 trẻ này đều sinh thường vào đêm 19, rạng sáng 20-7 tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa. Đến sáng 20-7, 3 trẻ được tiêm chủng ngừa viêm gan B (sau 24 giờ kể từ lúc sinh). Nhưng sau khi tiêm xong thì các bé bắt đầu lịm dần, người tím tái và 2 giờ sau thì tử vong mặc dù bệnh viện cố gắng cứu chữa.

Ông Nhơn khẳng định trước khi tiêm phòng các trẻ này đều bình thường, khi xảy ra sự cố thì các y bác sĩ tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa không kịp trở tay vì lần đầu tiên gặp trường hợp này.
“Chúng tôi đã cho xe chở thi thể các trẻ về quê và động viên, chia buồn cùng gia đình. Sự việc cũng được báo cáo với Bộ Y tế, ngày mai (21-7), lãnh đạo bộ sẽ có mặt tại huyện để kiểm tra sự việc” - ông Nhơn cho biết thêm.

Ba trẻ tử vong sau tiêm vắc-xin - 2

Gia đình chị Hà, ngụ thị trấn Khe Sanh, huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, đưa thi thể con về chôn cất vào chiều 20-7. Ảnh: BẾN HẢI

Vắc-xin do Việt Nam sản xuất

Ngay trong ngày 20-7, một đoàn chuyên gia của Cục Y tế dự phòng, đại diện chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia, đã đến Quảng Trị để làm rõ nguyên nhân tai biến trên.

Theo 1 chuyên gia của Cục Y tế dự phòng, vắc-xin gây tử vong cho 3 trẻ sơ sinh ở Quảng Trị do Việt Nam sản xuất. Về nguyên tắc, trên địa bàn huyện Hướng Hóa sẽ đình chỉ việc tiêm vắc-xin loại này, còn trên địa bàn tỉnh Quảng Trị sẽ có quyết định sau.

Theo ông Võ Quy Nhơn, số vắc-xin tiêm cho 3 trẻ nằm trong tổng số 30 lọ được Trung tâm Y tế huyện Hướng Hóa cấp cho Bệnh viện Đa khoa Hướng Hóa cùng với số vắc-xin ngừa viêm gan B đã triển khai tiêm phòng tại 22 xã, thị trấn của huyện Hướng Hóa trước đó. “Cũng lô vắc-xin này nhưng trước đây tiêm chẳng xảy ra chuyện gì” - ông Nhơn nói.

Cũng theo ông Nhơn, qua kiểm tra quy trình bảo quản vắc-xin viêm gan B tại Bệnh viện Đa khoa huyện Hướng Hóa thì không phát hiện sai sót.

Đến 14 giờ cùng ngày, các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Trị đã hoàn tất việc khám nghiệm tử thi. Theo ông Phạm Văn Vân, Giám đốc Trung tâm Pháp y tỉnh Quảng Trị, kết quả bước đầu cho thấy 3 trẻ có triệu chứng sốc phản vệ do tiêm phòng bệnh viêm gan B dẫn đến tử vong. Tuy nhiên, ông Vân cho rằng chưa thể khẳng định nguyên nhân vì sao xảy ra triệu chứng sốc phản vệ sau khi tiêm.

Từng có nhiều trẻ tử vong tương tự

Trong năm 2007, có 10 trẻ tiêm vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B sau sinh bị tử vong.

Đơn cử, ngày 7-5, sau khi sinh 20 phút tại Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP HCM), 1 bé gái được tiêm 0,5 ml vắc-xin ngừa viêm gan siêu vi B, ký hiệu EUVAX UVX 06006, sản xuất ngày 27-2-2006, hạn dùng 26-2-2009, do Hàn Quốc sản xuất. Năm phút sau tiêm, bé bị tím tái, có dấu hiệu sốc, dù được cấp cứu nhưng đã tử vong.

Ngay sau đó, các cơ quan liên quan cùng chương trình Tiêm chủng mở rộng của Bộ Y tế đã họp khẩn cấp, đã ra quyết định ngừng sử dụng loại vắc-xin trên.

Trước đó, cuối tháng 4-2007, chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia đã đề nghị ngưng sử dụng lô vắc-xin phòng viêm gan B bị nghi ngờ gây tử vong cho 2 trẻ sơ sinh ở Hà Tĩnh (cùng nhà cung cấp, chỉ khác số lô với vắc-xin tiêm cho em bé ở TP HCM). Đây là vắc-xin do UNICEF viện trợ cho nước ta và đã tiêm hơn 10 triệu mũi cho khoảng 4 triệu trẻ em ở Việt Nam cho đến thời điểm đó.

V.Hy

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo QUANG NHẬT - NGỌC DUNG (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN