Ăn côn trùng, coi chừng... ngộ độc

Tổ chức Nông Lương Liên Hợp Quốc (FAO) vừa qua có khuyến cáo “ăn côn trùng để tăng dinh dưỡng, giải quyết nạn đói, bảo vệ mùa màng”. Tuy nhiên, mới đây ở Việt Nam đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do ăn côn trùng, ấu trùng!

Ăn nấm độc tưởng... ấu trùng ve

Như Báo NTNN đã thông tin, ngày 29.5, Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai đã tiếp nhận cấp cứu 2 bệnh nhân bị ngộ độc nặng do ăn nhộng ve sầu (có 1 người khác cũng ăn và bị ngộ độc nhẹ). Trước đó, đầu tháng 5, đã có 22 người trong 2 gia đình (ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu và Bình Thuận) bị ngộ độc do ăn ấu trùng ve sầu, nhiều người phải cấp cứu trong tình trạng nôn ói, chân tay co giật và hôn mê sâu.
Điều trị bệnh nhân ngộ độc do ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm .

TS Lâm Quốc Hùng – Trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm (Cục An toàn thực phẩm) cho biết, kết quả điều tra của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Bình Thuận và Bà Rịa-Vũng Tàu đã xác định, nguyên nhân ngộ độc do người dân đã sử dụng ấu trùng ve sầu dưới lòng đất, trong những gốc cây có lá mục để chế biến (rang, xào) làm thức ăn.

Ăn côn trùng, coi chừng... ngộ độc - 1

Điều trị bệnh nhân ngộ độc do ăn ấu trùng ve sầu nhiễm nấm

Đáng lưu ý, các ấu trùng này không còn hình dáng nguyên bản của ấu trùng ve sầu mà trên đầu xuất hiện từ 1-5 cọng tựa như những cái râu. “Ấu trùng khác thường này chính là cấu trúc của một loại nấm cực độc” – TS Hùng cho biết. Độc tố từ nấm gây ngộ độc ngay sau khi ăn từ 2-3 giờ tùy thuộc vào lượng ấu trùng đã ăn (có người chỉ ăn 1 con đã ngộ độc).

Theo TS Ngô Vĩnh Viễn – Viện trưởng Viện Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT), các ấu trùng ve sầu có cấu trúc khác thường như vậy là do nấm độc đã ký sinh vào ấu trùng, làm tổ, khiến cho ấu trùng ve sầu chết, chỉ còn lại một “bọc độc tố nấm”. Người dân tuyệt đối không được sử dụng, chế biến làm thức ăn dưới bất cứ hình thức nào.

Thận trọng lựa chọn

TS Hùng cho biết, theo kinh nghiệm dân gian, người dân thường ăn rất nhiều con nhộng của các loài côn trùng (bọ cạp, đuông dừa, dế, ve…). Tuy nhiên, do sống trong đất nên các con ấu trùng này bị rất nhiều nấm ký sinh, người ăn phải có thể bị ngộ độc nặng. Những độc tố nấm không bị phá hủy bởi nhiệt độ, không bị mất đi khi sơ chế, vệ sinh, tẩy rửa, do đó dù đã chiên, xào kỹ, độc tố nấm từ các ấu trùng vẫn có khả năng gây ngộ độc.

“Người dân cần phải cảnh giác với những ấu trùng, côn trùng thu lượm được. Không ăn ấu trùng, côn trùng lạ (không biết là con gì), ấu trùng bị chết, ấu trùng có hình dạng, màu sắc khác lạ với tự nhiên”.

Mới đây, khoa Nhi – Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội đã cấp cứu 1 bệnh nhi (trú Lai Châu) bị ngộ độc do ăn bọ xít. Bệnh nhi nhập viện trong tình trạng đau đầu dữ dội, nôn, lúc nói lảm nhảm, khi thì lại li bì như bị hôn mê. TS Nguyễn Tiến Dũng – Trưởng khoa Nhi cho biết, có thể trong bọ xít có độc tố ảnh hưởng đến thần kinh khiến bệnh nhi bị kích thích khi vật vã, lúc li bì. Lại có trường hợp bệnh nhân bị tử vong vì tưởng nhầm sâu ban miêu (chứa chất độc bảng A) là bọ xít nên rang ăn.

Lương y Vũ Quốc Trung (Hội Đông y Hà Nội) cho biết, côn trùng có chứa độc tố nhất định, có thể gây ngộ độc hoặc kích ứng trên người như bọ cạp, ong vò vẽ, bọ xít. Ngoài ra, chúng còn có thể có nhiều ký sinh trùng sống bám trên cơ thể, không thể xác định được có độc hay không, vì vậy người dân nên thận trọng khi ăn (hoặc ngâm rượu). Bọ cạp và ong vò vẽ thường được ngâm rượu để “tăng cường sinh lực”, lương y Trung cho biết, nếu không biết cách chế biến, loại bỏ độc tố thì không nên sử dụng vì... chưa bổ đã chết.

Ngoài ra, việc ăn các loại côn trùng thu lượm ngoài tự nhiên cũng rất dễ nhiễm thuốc bảo vệ thực vật. Do đó, TS Viễn cảnh báo, cần phải tuyên truyền cho người dân cách thu lượm côn trùng an toàn, tránh các vùng vừa bị phun thuốc trừ sâu khiến cho các con côn trùng bị nhiễm, chết do thuốc trừ sâu, từ đó gây ngộ độc cho người ăn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Linh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN