39 tuổi không có bệnh nền, người đàn ông đột quỵ não, tử vong

Sự kiện: Đột quỵ

“Chúng ta có thể hình dung tình trạng chảy máu não của bệnh nhân giống như vỡ đê, bác sĩ không thể làm được gì”, BS Phương cho hay.

TS.BS Đào Việt Phương, Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trường hợp này là một bệnh nhân nam 39 tuổi, ở Hưng Yên bị đột quỵ, xuất huyết não rất nặng và đã tử vong. Bệnh nhân không có tiền sử gì đặc biệt, làm nghề tự do.

Trước đó, khoảng 11h, bệnh nhân xuất hiện mất ý thức, ý thức suy giảm nhanh. Gia đình vội vàng đưa bệnh nhân đến bệnh gần nhà cấp cứu, sau đó được chuyển đến Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai.

Bệnh nhân đột quỵ não tại BV Bạch Mai

Bệnh nhân đột quỵ não tại BV Bạch Mai

Theo bác sĩ Phương, bệnh nhân nhập viện đã trong tình trạng hôn mê sâu, glasgow 3 điểm (thang điểm hôn mê), huyết áp rất cao lên tới 230/130. Kết quả chụp CT não cho thấy bệnh nhân bị chảy máu não lớn. Dù được cấp cứu, hồi sức tích cực, tình trạng bệnh nhân vẫn rất nặng, tiên lượng khó qua khỏi. Vì thế, chỉ 8 tiếng sau khi khởi phát dấu hiệu đột quỵ, gia đình phải xin cho bệnh nhân về.

“Chúng ta có thể hình dung tình trạng chảy máu não của bệnh nhân giống như vỡ đê, bác sĩ không thể làm được gì, nếu rò rỉ nhỏ có thể can thiệp”, bác sĩ Phương cho biết

Theo bác sĩ Phương, huyết áp cao gây nhiều biến chứng nguy hiểm như đột quỵ não, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận, phù phổi cấp… Những biến chứng này ảnh hưởng nặng nề đến người bệnh, gây tàn phế hoặc tử vong.

Đây chỉ là một trong số rất ít những người trẻ bị đột quỵ được chuyển đến Trung tâm. Theo ước tính, trong số hơn 2.000 bệnh nhân đột quỵ nhập viện trong 2 tháng qua thì có khoảng 10% là người trẻ dưới 44 tuổi, thậm chí có trường hợp chỉ mới 14 tuổi.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ

Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ, khi bệnh nhân bị đột quỵ não, các triệu chứng sẽ xảy ra ngay lập tức sau vài phút hoặc sau vài giờ với các dấu hiệu sau: Đột ngột có cảm giác tê hay yếu liệt ở mặt, tay hoặc chân (các triệu chứng thường xảy ra ở một bên của cơ thể - nửa người); Đột ngột không nói được, giọng nói bị méo hoặc bệnh nhân bị nói nhảm, vô nghĩa, không hiểu được lời nói; Đột ngột mất thị lực, đặc biệt khi triệu chứng xuất hiện ở một bên mắt; Đột ngột đau đầu dữ dội; Chóng mặt, cơ thể bị mất thăng bằng hoặc không thể thực hiện vận động theo ý muốn… Nếu bất cứ ai có biểu hiện bất cứ triệu chứng nào như trên, thậm chí không rõ ràng, ngay lập tức gọi cấp cứu 115, vận chuyển an toàn tới bệnh viện gần nhất tìm cơ hội điều trị trong giờ vàng để "cứu não".

PGS. Tôn khuyến cáo: “Với người trẻ, để giảm nguy cơ đột quỵ cần khám sức khỏe định kỳ để tầm soát các yếu tố nguy cơ, nếu có cần điều trị sớm. Chẳng hạn điều trị tăng huyết áp, các bệnh lý chuyển hóa, béo phì… nên thay đổi thói quen, sinh hoạt khoa học, bỏ thuốc lá, bỏ rượu. Với bệnh nhân trong gia đình có người từng bất thường mạch máu, tăng đông nên được tư vấn bởi các bác sĩ chuyên khoa để được sàng lọc loại trừ yếu tố nguy cơ”.

Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cũng cho biết: Khoảng 1/3 các ca đột quỵ xuất hiện sau khi có một hoặc nhiều cơn đột quỵ nhẹ hay còn gọi là cơn thiếu máu não thoáng qua. Cơn thiếu máu não thoáng qua xảy ra do tình trạng ngừng tạm thời việc cung cấp máu lên não.

Các dấu hiệu như: Mất thị lực đột ngột, yếu một cánh tay hoặc chân trong ít phút có thể xuất hiện do các cơn thiếu máu não thoáng qua. Sau đó khả nặng vận động có thể sớm trở lại, điều này tạo nên cảm giác chủ quan cho người bệnh, tuy nhiên sẽ rất nguy hiểm nếu bỏ qua. Đây thường là dấu hiệu cảnh báo sớm của bệnh lý đột quỵ não.

Nguồn: [Link nguồn]

Thời điểm nào trong ngày có nguy cơ đột quỵ cao nhất?

Bác sĩ cảnh báo 2 thời điểm trong ngày có nguy cơ đột quỵ cao và những sai lầm khiến người bị đột quỵ bỏ qua cơ hội...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Đột quỵ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN