Những đối tượng dễ mắc đột quỵ trong ngày rét đậm, rét hại

Sự kiện: Đột quỵ

Các chuyên gia cảnh báo, những đối tượng sau cần cảnh giác để không mắc đột quỵ trong ngày lạnh giá.

Ngày 8/1, không khí lạnh cường độ mạnh đã ảnh hưởng đến nhiều nơi ở miền Bắc khiến nhiệt độ giảm sâu xuống mức rét đậm, rét hại.

Các chuyên gia cảnh báo, những đối tượng sau cần cảnh giác để không mắc đột quỵ trong ngày lạnh giá.

BS Hà Thị Vân Anh, Phó trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Lão khoa Trung ương (Hà Nội), ngoài tuân thủ điều trị, bệnh nhân tiểu đường, cao huyết áp có thể giảm rủi ro khởi phát cơn tai biến (đột quỵ) từ chính chế độ ăn uống và sinh hoạt hàng ngày của mình.

Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại bệnh viện.

Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại bệnh viện.

Với bệnh nhân tiểu đường: Ngoài việc giảm đường, hạn chế mỡ, kiêng phủ tạng động vật…, cũng nên chia khẩu phần ăn thành nhiều bữa nhỏ trong ngày. Những bệnh nhân sử dụng insulin càng phải chú ý chia nhỏ bữa, để tránh việc hạ đường huyết do dùng thuốc.

Bệnh nhân cao huyết áp: Cần tuân thủ nghiêm ngặt việc hạn chế muối trong bữa ăn. Việc giảm muối tùy thuộc vào tình trạng bệnh. Trong trường hợp cao huyết áp chưa có biến chứng suy tim thì bệnh nhân nên ăn khoảng 5g muối/ngày (tương đương 1 thìa cà phê muối tinh). Tuy nhiên, nếu bệnh nhân đã có biến chứng suy tim, khẩu phần muối cần giảm xuống dưới 2g/ngày.

Bên cạnh đó, người bệnh cũng cần tuân thủ nguyên tắc chung như: đảm bảo bữa ăn đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng; hạn chế tối đa việc uống rượu bia; đảm bảo mặc ấm; không ra ngoài khi thời tiết quá lạnh; tránh sự thay đổi nhiệt độ hay tư thế đột ngột…

BSCKII Nguyễn Danh Cường, Phó trưởng khoa Cấp cứu và Đột quỵ, Bệnh viện Lão khoa Trung ương cũng cảnh báo 2 thời điểm trong ngày có nguy cơ đột quỵ cao. Đó là đêm khuya hoặc sáng sớm.

BS Cường cho biết, thời điểm đêm muộn hoặc sáng sớm cũng là lúc người cao tuổi thường rời khỏi giường, để đi tiểu đêm hoặc tập thể dục. Trong khi đó, đây lại là khoảng thời gian nhiệt độ xuống thấp nhất trong ngày. Nếu không cẩn thận, người cao tuổi sẽ có nguy cơ bị đột quỵ.

Việc thay đổi tư thế đột ngột hoặc thay đổi nhiệt độ đột ngột đều là những những yếu tố làm tăng nguy cơ đột quỵ, đặc biệt là với người cao tuổi.

Do đó, khi vừa tỉnh giấc, người dân không nên ngồi dậy ngay, mà cần nằm thêm một vài phút sau đó từ từ ngồi dậy tránh thay đổi tư thế đột ngột.

Ngoài ra, việc cho cơ thể thích ứng với sự thay đổi nhiệt độ cũng là một yếu tố quan trọng để phòng ngừa đột quỵ.

Để phòng đột quỵ, mọi người cần có thói quen sinh hoạt lành mạnh như: tích cực vận động thể dục thể thao, hạn chế sử dụng thức ăn nhanh, các thực phẩm chế biến sẵn, nói không với thuốc lá, hạn chế bia rượu, thường xuyên đo huyết áp và khám định kỳ.

Khi trời rét, việc sử dụng máy sưởi cũng cần đặc biệt chú ý, nhất là với người cao tuổi; Không để nhiệt độ quá chênh lệch so với ngoài trời.

Khi thấy cơ thể có những dấu hiệu đột ngột như tê bì, méo miệng, nói ngọng, chóng mặt, thị lực giảm, đau đầu dữ dội mà không rõ nguyên nhân… cần nghĩ ngay tới đột quỵ. Người bệnh cần được đưa tới bệnh viện càng sớm càng tốt để tận dụng thời gian vàng sau đột quỵ là 3 - 6 giờ đầu.

Nguồn: [Link nguồn]

7 thói quen giúp phòng tránh đột quỵ một cách không ngờ, ai biết cũng muốn làm hằng ngày

Đột quỵ là một trong những bệnh lý vô cùng nguy hiểm hiện nay. Bệnh nhân bị đột quỵ có thể tử vong sau thời gian ngắn...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Đột quỵ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN