Saxophone Trần Mạnh Tuấn và những tai họa trời giáng

Sự kiện: Sao Việt

Năm lần phẫu thuật và chạy thận, đã có lúc nghệ sĩ Saxophone phải đối diện với sự sống mong manh bằng hai quả thận hư và một con mắt. Chính âm nhạc và cây kèn Saxophone là “thần dược” giúp anh nhiều lần vượt qua “thần chết”.

Trần Mạnh Tuấn là một trong những nghệ sĩ Saxophone nổi tiếng tại Việt Nam. Anh còn được biết đến là một người chơi nhạc Jazz, cuốn hút khán giả với những bản nhạc Jazz đầy quyến rũ cùng với những nhạc khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn.

Sinh năm 1972 tại Hà Nội, bố mẹ của anh là nghệ sĩ cải lương do vậy anh có cơ hội được tiếp xúc với nghệ thuật ngay từ khi còn nhỏ. Trần Mạnh Tuấn chia sẻ: “Tên cúng cơm của tôi là Thêm, chứ không phải Tuấn. Tôi là con thứ tám trong gia đình, tôi phải xa cha mẹ từ tấm bé, sống rong ruổi cùng đoàn hát đi khắp nơi. Tôi lớn lên ở phố Tạ Hiện, nơi hỗn độn mọi thành phần của xã hội, được va chạm sớm nên tôi hiểu thế nào là sự chia sẻ. Cuộc sống lang bạt cho tôi sự cứng cáp, từng trải. Tôi có óc tổ chức, làm ông bầu từ bé, khả năng sinh tồn buộc mình phải khai thác, khám phá, khó khăn càng làm cho mình rắn rỏi, mạnh mẽ hơn. Tôi đi đêm về hôm mà mình không hư cũng là nhờ âm nhạc, để hiểu được cái đẹp. Sau này, mẹ tôi vẫn thường nói không ngờ đứa con mà bà định bỏ đi mang lại hạnh phúc cho bà nhiều nhất”.

Saxophone Trần Mạnh Tuấn và những tai họa trời giáng - 1

Năm 8 tuổi, Trần Mạnh Tuấn đã  được tặng cây saxophone alto đầu tiên trong đời. Tiếp xúc với chiếc kèn từ thuở nhỏ cũng là món đồ chơi duy nhất trong thời thơ ấu của mình, Trần Mạnh Tuấn hăng say với công việc thổi kèn và như thế công việc đó trở thành đam mê.

Năm 9 tuổi, Trần Mạnh Tuấn đã  được phân công phụ trách tân nhạc, cùng với bố  mẹ đi theo đoàn hát khắp nơi để biểu diễn, kiếm sống qua ngày. Năm 11 tuổi, Trần Mạnh Tuấn bắt đầu chơi kèn solo trong các buổi diễn. Địa điểm phục vụ thường là ở các sân hợp tác xã, sân đình nên những lúc trời mưa, nước hay tuôn vào kèn làm "bể dĩa" tiết mục của Tuấn. Năm 13 tuổi, anh được vào Tổng cục Du lịch, thổi kèn cho khách quốc tế thưởng thức, người ta phải mượn một đôi giày Thụy Điển to đùng cho anh "diện" để thích hợp với khung cảnh trang trọng. Đến năm 18 tuổi, Trần Mạnh Tuấn gia nhập một đoàn xiếc, chuyên thổi kèn đệm cho tiết mục tung hứng. Được một thời gian, anh lại rời đoàn, từ đó chuyên chơi nhạc jazz cho các đám cưới, trong những vũ trường...

Năm 1992, Trần Mạnh Tuấn tổ chức liveshow “Trần Mạnh Tuấn và ban nhạc Phương Đông” tại Nhà Hát lớn Hà Nội như một chương trình chính quy dài suốt mấy tiếng đồng hồ, nhờ đó danh tiếng trở nên vang lừng. Năm 1993, Trần Mạnh Tuấn vinh dự nhận đượcGiải thưởng nghệ sĩ saxophone xuất sắc nhất Việt Nam trong liên hoan ca nhạc nhẹ chuyên nghiệp toàn quốc tại Đà Nẵng. Năm 1995, anh là người Việt Nam đầu tiên nhận được học bổng tại trường Berkley, Boston, Mỹ.

Nói về thời tuổi thơ  cho đến lúc thành danh, Trần Mạnh Tuấn tâm tình: “Vừa sinh ra đã không được ở gần bố mẹ, thiếu thốn mọi chăm sóc, chỉ sinh hoạt trong đoàn hát, tôi không có khoản thời gian nào cũng như trò chơi con nít nào để chơi, nói trắng luôn là không biết chơi cái gì cả. Thế nên khi có được cây kèn, tự nhiên tôi đã coi nó như một món đồ chơi mà mình phải chơi và chỉ biết chơi với nó. Nó là bạn và còn hơn là một người bạn, vì âm thanh từ nó đã biết trò chuyện, đã biết vỗ về tôi. Phải chăng chính sự cô độc đã là cú hích khiến tôi chơi với kèn?”.

Trần Mạnh Tuấn tiết lộ: “Năm 13 tuổi, tôi bị đau mắt, bác sĩ chẩn đoán chỉ bị viêm mắt bình thường, đâu ngờ ba ngày sau để tay lên mắt không còn nhìn thấy gì nữa. Bác sĩ phải tiêm một loại thuốc rất mạnh để giữ con mắt còn lại. Đau đớn vô cùng, tôi nằm lịm đi suốt mấy tiếng đồng hồ, rồi lại một mình trở về nhà. Lúc ấy, tôi tưởng cuộc đời thế là chấm dứt. Tôi lao vào thổi kèn như điên, và không ngờ âm nhạc đã cứu sống tôi”.

Saxophone Trần Mạnh Tuấn và những tai họa trời giáng - 2

Năm 2004, Trần Mạnh Tuấn cho thành lập câu lạc bộ nhạc “Jazz Sax n’art” như một nơi gặp gỡ bạn bè và những người yêu thích nhạc Jazz, biến câu lạc bộ nghệ thuật của mình trở thành nơi sinh hoạt có lợi ích cho cộng đồng và âm nhạc. Giờ đây, các đoàn nghệ thuật nước ngoài biểu diễn nhạc jazz tới Việt Nam bao giờ cũng tìm đến câu lạc bộ của anh để giao lưu, học hỏi cùng các nghệ sĩ trong nước và quốc tế.

Năm 2010, Trần Mạnh Tuấn cho thành lập studio của chính mình mang tiêu chuẩn quốc tế. Năm 2012, cùng với những người đam mê nhạc Jazz, Trần Mạnh Tuấn lại tiếp tục thành lập ban nhạc Saigon Bigband với mục tiêu đưa nhạc Jazz đến gần hơn , trở thành món ăn tinh thần quen thuộc của khán gỉa Việt.

Cùng với sự phát triển của ban nhạc Saigon Bigband, năm 1990 – 2013 Trần Mạnh Tuấn lại có cơ hội đi biểu diễn và tham dự các cuộc liên hoan cũng như hội thảo quốc tế tại nhiều nước như Mỹ, Pháp, Đức, Thái Lan, Singapore…Thế nhưng, khi sự nghiệp của mình đang ở đỉnh cao thì cùng lúc đó tai họa cũng đến với anh. Trần Mạnh Tuấn phát hiện hai quả thận của mình bị hư khi lưu diễn ở Đức.

“Một tháng trời tôi bị sốc, chỉ nằm nhìn lên trần nhà. Tôi không thể tin được đó là sự thật. May mắn là tôi được nhiều người thương, kể cả những người bạn ở Mỹ. Chính anh trai đã cho tôi quả thận của mình rồi bạn bè gom góp tiền cho tôi đi Mỹ chữa bệnh. Năm lần phẫu thuật, sống với một con mắt và hai quả thận hư, may cho tôi là còn có âm nhạc. Suốt ba tháng đầu tiên phải vào bệnh viện để chạy thận, lúc nào tôi cũng có cây kèn bên mình. Khi không thổi kèn được thì tôi nghe nhạc. Sợ nhất là lúc gây mê, y như cảm giác đứng trước cái chết, sợ rằng mình sẽ không bao giờ tỉnh lại nữa. Trước mỗi ca mổ như thế tôi thường chơi vài hợp âm gì đó. Âm nhạc giúp tôi và cả những người bệnh xung quanh lạc quan hơn”, Trần Mạnh Tuấn tâm sự.

Saxophone Trần Mạnh Tuấn và những tai họa trời giáng - 3

Qua đi hết những sóng gió của cuộc  đời, những lúc thảnh thơi Trần Mạnh Tuấn thường đi chùa. Anh có duyên lành được làm bạn với nhiều nhà sư. Đã có những chương trình âm nhạc được anh biểu diễn ở chùa, ghi âm ở chùa, đưa tiếng chuông chùa thâm nghiêm vào nhạc jazz. Anh mong muốn sẽ tạo ra một thứ nhạc jazz đậm bản sắc truyền thống Việt Nam nhưng vẫn rất đương đại. Lấy không gian Phật giáo làm nên một tinh thần mới cho nhạc jazz là một sự ngạc nhiên thú vị mà Trần Mạnh Tuấn dành cho khán giả.

Trần Mạnh Tuấn chia sẻ: “Đất nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập, đó là cơ hội để tôi mang âm nhạc Việt Nam ra thế giới. Hầu hết các Tổng lãnh sự các nước tại Việt Nam đều đến câu lạc bộ của tôi, họ gọi tôi là sứ giả âm nhạc của Việt Nam, tôi rất hạnh phúc về điều này. Âm nhạc đã cho tôi cơ hội được bắt tay Tổng thống Mỹ Bill Clinton, tham dự giải âm nhạc Grammy, đưa nhạc Trịnh Công Sơn đến mọi người. Cũng là âm nhạc đã cho tôi cơ hội đặt chân đến 40 nước trên thế giới, có nhà đẹp để ở, xe đẹp để đi, lại có một gia đình hạnh phúc với người vợ thủy chung và những đứa con xinh xắn. Cho dù rất nhiều tai họa đã giáng xuống đầu tôi, thử thách lòng yêu cuộc đời của tôi, thì tôi vẫn luôn thấy mình là người may mắn vì những phần thưởng ấy”.

Nhờ có sức mạnh của âm nhạc, Trần Mạnh Tuấn đã vượt qua những thử thách của cuộc đời mình, để lại nhiều dấu ấn trên con đường sự nghiệp của mình cũng như trong lòng khán giả. Tiếng kèn của anh cũng chính là tiếng lòng của một người thiết tha với cuộc đời. Trải qua khoảng thời gian “thập tử nhất sinh” của đời người, anh càng thêm quý trọng thời gian. Trần Mạnh Tuấn quan niệm mỗi giây phút trải qua đều như thể là giây phút cuối cùng của cuộc đời, anh sẽ mãi tiếp tục thổi vào âm nhạc nhiều hơn nữa những âm sắc du dương trong tiếng kèn của mình, mang những thanh âm cuộc đời thấm vào lòng những người yêu nhạc, nhất là những “thực khách” của “món ăn nhạc Jazz”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sẩm Lệ (Giadinh.net)
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN