Tiệm mì 60 năm “không ngủ” ở Sài Gòn tiết lộ bí quyết mỗi đêm bán 600 vắt mì

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Không phải tiệm hủ tiếu duy nhất ở Sài Gòn mở cửa khi mọi người đã ngủ, ai cũng có thể nhìn thấy đâu đó trên mảnh đất “hoa lệ” này rất nhiều những hàng quán tương tự. Nhưng ở Nguyên Lợi – một tiệm mì nhỏ xíu bên vệ đường Xô Viết người ta còn thấy cả một câu chuyện về 3 thế hệ người Hoa trên chiếc xe hủ tiếu hơn 60 năm tuổi.

Đêm Sài Gòn, chiếc xe hủ tiếu hơn 60 năm tuổi nằm gọn bên vệ đường, may mắn nổi bật khi gom được chút ít ánh sáng đèn điện len lỏi giữa bầu trời tối đen như mực. Cả khu phố im lìm, đường xá cũng im lìm, đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (quận Bình Thạnh, TP.HCM) không phải là con phố sầm uất lắm, tuy vậy, quán hủ tiểu vẫn là tâm điểm dù đã quá 12 rưỡi đêm.

Tiệm mì Nguyên Lợi có mặt trên đất Sài Gòn từ năm 1960, đến nay đã được hơn 3 đời giữ lửa. Anh Lạc Vĩnh Châm (39 tuổi) hiện là chủ nhân đời thứ 3 của tiệm mì cho biết: “Ông nội tôi là người Tiêu, bà nội là người Quảng, ông bà là người khai sinh ra tiệm mì này sau đó cứ thế cha truyền con nối đến tận đời tôi”.

Chân dung anh Lạc Vĩnh Châm – Chủ nhân đời thứ ba của tiệm mì Nguyên Lợi.

Chân dung anh Lạc Vĩnh Châm – Chủ nhân đời thứ ba của tiệm mì Nguyên Lợi.

Trên chiếc xe gỗ “có tuổi” được minh chứng bởi những nét chữ không rõ nguyên tác từ nhiều thập kỷ trước, người ta không thấy hàng trăm bát hủ tiếu, hoành thánh… mà còn thấy được cách người Hoa gây dựng sự nghiệp, gây dựng nếp sống và tạo ra một món ăn bất hủ với Sài thanh: Hủ Tiếu!

Chiếc xe hủ tiếu 60 năm tuổi và hành trình xây dựng thương hiệu gia truyền

Theo lời kể của anh Châm, trước đây người Hoa ở Sài Gòn thường tập trung sinh sống, làm ăn ở quận 5. Không biết vì lý do gì ông bà nội anh lại quyết định mở tiệm mì Nguyên Lợi ở quận Bình Thạnh, đây không phải nơi thuận lợi cho việc giao thương buôn bán thời đó. Nhưng chính nhờ vậy, quán Nguyên Lợi bây giờ lại trở thành quán mì gốc Hoa “độc nhất vô nhị” ở khu vực này.

Tiệm hủ tiếu duy nhất của người Hoa trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh: nhỏ nhắn, đơn giản nhưng hơn 60 năm nay chưa bao giờ thôi sáng đèn.

Tiệm hủ tiếu duy nhất của người Hoa trên đường Xô Viết Nghệ Tĩnh: nhỏ nhắn, đơn giản nhưng hơn 60 năm nay chưa bao giờ thôi sáng đèn.

Không biển hiệu to, đèn điện sáng trưng. Thứ ánh sáng ở tiệm hủ tiếu chỉ đủ chiếu cho thực khách và người đứng bếp làm mì. Quán rộng khoảng 20m2, kê 5-6 chiếc bàn inox xung quanh là vài chiếc ghế nhựa. Trên mặt bàn có kệ nhỏ tích hợp đặt muỗng đũa và chai nước tương, xì dầu, hủ ớt dầm, giấm.

Đặc biệt nhất ở quán vẫn là chiếc xe hủ tiếu gia truyền. Xe mì nằm “yên vị” dưới hiên cao su rộng hơn 1 mét. Bất cứ thứ gì trên xe cũng có riêng một vị trí riêng, không chen lấn, không lộn xộn, sự ý tứ "có tuổi" này đã đi qua ít nhất ba thế hệ và nó được chứng minh bởi màu gỗ bóng lóe lên, bởi những nét chữ không rõ nguyên tác từ nhiều thập kỷ trước hay đơn giản là sự ghép nối cầu kỳ mà máy móc hiện đại không thể góp phần.

“Chiếc xe được mua từ Quảng Đông - Trung Quốc trong những ngày đầu mở quán. Hồi xưa cả xe không có lấy một cây đinh. Giờ lâu rồi nên nó mục phải gia cố, chỗ nào hở thì mình đóng đinh, ở dưới thì niềng sắt lại hết, vì nó phần chịu thiệt hại nhiều nhất, mưa gió, ngập đường bánh xe cũng mòn cũng cũ phải thay…”, anh Châm vừa nói vừa dùng chiếc khăn lau đi mấy cọng hành rơi vương vãi trên xe.

Chiếc xe hủ tiếu được chuyển từ Quảng Đông – Trung Quốc về Việt Nam đến nay đã hơn 60 năm tuổi. Xe chở nguyên liệu tạo ra bát hủ tiếu thượng hạng của người Hoa ở Sài Gòn nhưng cũng “chở” cả một nếp sống gia truyền được gìn giữa qua 3 thế hệ con cháu.

Chiếc xe hủ tiếu được chuyển từ Quảng Đông – Trung Quốc về Việt Nam đến nay đã hơn 60 năm tuổi. Xe chở nguyên liệu tạo ra bát hủ tiếu thượng hạng của người Hoa ở Sài Gòn nhưng cũng “chở” cả một nếp sống gia truyền được gìn giữa qua 3 thế hệ con cháu.

Tuy “có tuổi” nhưng khả năng làm việc của chiếc xe không thua kém gì máy móc hiện đại. Quán Nguyên Lợi mở bán 24/24, trong đó cao điểm nhất vào buổi sáng và buổi trưa, đặc biệt trong hai ngày cuối tuần và lễ Tết, khách phải xếp hàng đợi mới có chỗ ngồi ăn. Cùng với đó, xe hủ tiếu cũng hoạt động 24/24, mỗi ngày tạo ra hàng trăm bát mì, hủ tiếu, hoành thánh các loại.

Những ngày cao điểm, quán anh Châm tiêu thụ khoảng 600 vắt mì, 5-6kg hoành thánh, chưa kể kể hủ tiếu và các món ăn thêm. Khách ăn đêm thường vắng hơn, nhưng bao nhiêu năm quán vẫn duy trì để bán phục vụ cho các bác tài chạy xe tỉnh về muộn.

Những ngày cao điểm, quán Nguyên Lợi tiệu thụ được khoảng 600 bắt mì, 5-6kg hoành thánh.

Những ngày cao điểm, quán Nguyên Lợi tiệu thụ được khoảng 600 bắt mì, 5-6kg hoành thánh.

Quán mở cửa 24/24, điều đặc biệt, nhân viên của quán đều là người trong gia đình.

Quán mở cửa 24/24, điều đặc biệt, nhân viên của quán đều là người trong gia đình.

Khoảng 1 giờ sáng có lượt khách mới vào, anh Châm khéo léo đợi họ xếp gọn đồ đạc sau đó mở lời mời món. Khách vừa dứt lời, anh nhanh nhẹn ra xe mì dặn chú Toàn (chú ruột anh Châm) nào là một tô hành phi nhiều một tô không hành lá, một tô đầy đủ. Cứ như thế hai chú cháu luân phiên làm cùng nhau chưa tới 2 phút đã xong một bát mì hoàn thiện, đầy ắp.

Thi thoảng phải bưng nồi nước dùng từ trong nhà ra chiếc xe, chú Toàn nhờ anh Châm phụ giúp rồi hai chú cháu hô to: “Nước sôi, nước sôi” - rôm rả hết cả một góc phố.

Có gì trong bát “hủ tiếu thượng hạng” của người Hoa?

Tiệm Nguyên Lợi bán các loại mì hoành thánh, hủ tiếu và có cả một loại đặc biệt trộn cả 2 loại sợi này. Trong đó đặc trưng nhất là món hủ tiếu mì hoành thánh. Sợi hủ tiếu màu trắng, mềm, tươi; còn sợi mì màu vàng, đã chiên qua dầu nên cứng.

Giống như các loại mì khác, nước dùng đóng vai trò rất quan trọng để một tô mì hủ tiếu có ngon và đi vào lòng thực khách hay không. Nước dùng của hủ tiếu không cầu kỳ như phở miền Bắc, nhưng cũng phải ninh nhiều loại nguyên liệu trong thời gian dài mới ra được nồi nước dùng ngon, chuẩn vị gia truyền.

Một bát hủ tiếu đầy đủ như trong hình có giá khoảng 35.000 đồng/bát.

Một bát hủ tiếu đầy đủ như trong hình có giá khoảng 35.000 đồng/bát.

Nguyên liệu không quá khác biệt nhưng nồi nước dùng chính là bí quyết gia truyền của tiệm mì người Hoa này.

Nguyên liệu không quá khác biệt nhưng nồi nước dùng chính là bí quyết gia truyền của tiệm mì người Hoa này.

"Nước dùng thường phải ninh từ 3-4 tiếng mới đủ chất lượng bán cho khách hàng. Tôi chọn hầm xương ống với sườn, lấy nước cốt pha ra", anh Vĩnh Châm chia sẻ. "Từ thời đầu, bà nội tôi đã nêm nếm biến thể một chút cho hợp với khẩu vị của dân bản địa. Nước nguyên gốc thì hơi nồng, bà phải gia giảm từ từ tới khi khách ăn thấy vừa miệng và giữ nguyên từ đó tới giờ”.

Nói xong anh Châm đặt bát hủ tiếu lên bàn, hơi nóng phất lên nghi ngút hòa giữa nền nhiệt độ đang hạ giữa đêm tạo thành những vệt khói mỏng, vương mùi tỏi phi ở mặt trên tô mì cùng hòa với nước xương hầm beo béo.

Một tô mì hủ tiếu vừa vặn gồm thịt heo miềng hoặc thịt bằm, giá, tôm và các loại hành hẹ rau. Nghe đơn giản nhưng chỉ cần như thế đã đủ làm ấm lòng thực khách. Đôi khi giữa Sài Gòn, chính sự đơn giản ấy là điều khiến người ta nhớ mãi.

Có những người ăn mấy chục năm, đời ông, đời bố sang tới đời con cháu vẫn tới ăn, cứ vậy rồi thành bạn của gia đình chủ quán lúc nào không hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Thúy ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN