Rời “đỉnh hoảng loạn”, Phố Wall đi lên

Nhà đầu tư đã bớt hoảng loạn sau khi Dow Jones có 6 phiên giảm liên tiếp.

Hồi sinh đầu tiên nhưng sức mạnh của cổ phiếu phai nhạt dần trong những phút cuối cùng của phiên giao dịch thứ năm nhưng Dow Jones vẫn gắng gượng giữ được màu xanh. Tuy nhiên, không ai dám chắc màu xanh sẽ ở lại lâu cùng thị trường khi mà nhà đầu tư tiếp tục thận trọng với sự không chắc chắn của các nước khu vực đồng euro và triển vọng đáng thất vọng của người khổng lồ công nghệ Cisco.

Đóng cửa phiên giao dịch ngày 10/05/2012, chỉ số Dow Jones tăng 19,98 điểm, tương ứng 0,16%, đóng cửa ở mức 12.855,04 điểm và chấm dứt chuỗi 6 phiên liên tiếp. Mặc dù tăng nhưng chỉ số này vẫn cách xa ngưỡng quan trọng 13.000 điểm.

Trong số 30 cổ phiếu đang niêm yết tại đây, cổ phiếu của hãng Pfizer và Chevron dẫn đầu đà tăng với tỷ lệ tương ứng 1,69% và 1,55%. Ở chiều ngược lại, cổ phiếu của hãng công nghệ Cisco bất ngờ lao dốc tới 10,49% và dẫn đầu mức giảm điểm trên chỉ số Dow Jones.

Chỉ số S&P 500 tăng 3,41 điểm, tương ứng 0,25%, chốt phiên ở mức 1.357,99 điểm.

Trong tổng số 10 chỉ số ngành trên S&P 500, cổ phiếu ngành tài chính và tiện ích công cộng tăng mạnh nhất, cổ phiếu ngành công nghệ lại giảm mạnh nhất.

Theo thống kê của Reuters, có 66,4% trong tổng số 449 công ty đã báo cáo kết quả kinh doanh quý trên chỉ số S&P 500 công bố lợi nhuận vượt dự báo của các chuyên gia phân tích.

Chỉ số Nasdaq tiếp tục giảm 1,07 điểm, tương ứng 0,04%, chốt ở mức 2.933,64 điểm. Như vậy, chỉ số này vẫn cách xa ngưỡng 3.000 điểm quan trọng.

Tình hình của hệ thống ngân hàng Mỹ được cải thiện nên chỉ số KBW Bank (BKX) tăng 1% khi 22 trong 24 cổ phiếu ngành này đi lên. Cổ phiếu của Wells Fargo tăng 1,7% lên 33,19 USD. Cổ phiếu của US Bancorp (USB) tăng 1,4% lên 31,91 USD.

Chỉ số CBOE Volatility Index, VIX, chỉ số đo mức độ sợ hãi của các nhà đầu tư, giảm 6,2% về mức 18,83 điểm. Như vậy, nhà đầu tư đã rời “đỉnh hoảng loạn”.

Rời “đỉnh hoảng loạn”, Phố Wall đi lên - 1

Nhà đầu tư đã bớt hoảng loạn sau khi Dow Jones có 6 phiên giảm liên tiếp

Có khoảng 6,75 tỷ cổ phiếu giao dịch thành công trên cả 3 sàn giao dịch New York, America Exchange và Nasdaq. Khối lượng này đã cao hơn so với mức bình quân 6,65 tỷ cổ phiếu của 50 phiên giao dịch gần đây.

Trên sàn giao dịch New York, cứ hơn 3 cổ phiếu tăng điểm thì có 2 cổ phiếu giảm điểm. Trong khi tại sàn Nasdaq, tỷ lệ này là 7/5.

Cisco tiếp tục là cổ phiếu có tác động mạnh đến thị trường khi có phiên lao dốc thứ hai liên tiếp. Cổ phiếu của nhà sản xuất trang thiết bị hệ thống máy tính lớn nhất giảm 10% xuống 16,81 USD. Giám đốc điều hành John Chambers cho biết đơn đặt hàng từ các công ty lớn đã giảm và Cisco phải mất nhiều thời gian hơn để kiếm các hợp đồng lớn với nhiều khách hàng là các tập đoàn. Cisco cũng lo ngại nhu cầu từ châu Âu, Ấn Độ và các đại diện chính phủ suy giảm.

Chứng khoán đảo chiều bất chấp nhiều thông tin vĩ mô kém lạc qua. Hôm qua, Bộ Thương mại Mỹ công bố thâm hụt thương mại trong tháng 3 tăng cao hơn dự báo của các chuyên gia kinh tế khi đạt 51,8 tỷ USD, mức cao nhất trong vòng gần 1 năm trở lại đây.

Trong khi đó, thông tin về thị trường lao động lại có tín hiệu tích cực. Bộ Lao động Mỹ số người nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp giảm 1.000 đơn vị về mức điều chỉnh theo mùa đạt 367.000 người. Số liệu của tuần trước được điều chỉnh tăng từ mức 365.000 người lên mức 368.000 người.

Tại thời điểm này, thông tin vĩ mô ít nhận được sự quan tâm của nhà đầu tư bằng các diễn biến từ châu Âu.

Quincy Krosby, chiến lược gia thị trường tại Prudential Financial nhận xét: “Chúng ta đang dẽo theo phút trấn tĩnh của châu Âu. Đồng euro lấy lại được sức mạnh so với euro. Con số thất nghiệp mới được đưa ra đã làm giảm bớt nỗi lo ngại. Tuy nhiên, châu Âu mới làm tâm chấn. Chúng ta vẫn tập trung chờ đợi các thông tin tiếp theo của khu vực này”.

Hiện tại Phố Wall vẫn lạc quan với hệ thống ngân hàng Mỹ. Chủ tịch Cục Dữ trữ liên bang FED, ông Ben S. Bernanke khẳng định hệ thống ngân hàng đang ngày một khỏe hơn và có sức chịu đựng tốt hơn mặc dù vẫn phải đối mặt với thách thức từ chất lượng tín dụng và thanh khoản.

Bernanke phát biểu: “Ngân hàng đang hồi sức trở lại và đang dần thích ứng với môi trường pháp lý và môi trường kinh doanh sau khủng hoảng. Hệ thống ngân hàng tài chính tốt hơn là điều kiện để mở rộng cho vay”.

Báo cáo kết quả kinh doanh của một số tập đoàn cũng góp phần nâng đỡ thị trường. Lợi nhuận trên cổ phiếu cao nhất là 70% của các công ty trong S&P 500. Đây là kết quả tính từ đầu mùa báo cáo thu nhập.

Cổ phiếu của News Corp. (NWSA) tăng 4,9% lên 20,32 USD sau báo cáo tăng trưởng thu nhập. Ông chủ của Fox Broadcasting và Fox News kiếm được ít nhất 70% lợi nhuận từ truyền hình.

Thị trường chứng khoán châu Âu cũng cùng chung sắc xanh. Chỉ số Stoxx Europe 600 nhích thêm 0,6% đóng cửa ở mức 251,1 điểm. Chỉ số FTSEurofirst 300, chỉ số của các cổ phiếu bluechip tại khu vực châu Âu, phục hồi 0,4% lên mức 1.018,90 điểm.

Có tới 16 trong tổng số 18 chỉ số chứng khoán chính tại khu vực Tây Âu đã tăng điểm trong phiên này. Trong đó thị trường chứng khoán Hy Lạp gây ấn tượng mạnh khi chỉ số chứng khoán AGI nhảy vọt 4,2% lên mức 640,91 điểm.

Chỉ số chứng khoán FTSE MIB của Italia tăng 1,7% lên 14.004,9 điểm. Chỉ số IBEX 35 của Tây Ban Nha tăng 3,2% lên mức 7.034 điểm. Chỉ số FTSE của thị trường Anh tăng 0,25% chốt ở mức 5.543,95 điểm. Chỉ số chứng khoán của Đức, DAX 30 tăng 0,66% dừng ở mức 6.518,00 điểm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngân Hà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN