Video: Cảnh lay động trong phim Hoàng Sa - Việt Nam
Trích đoạn xúc động trong bộ phim tài liệu “Hoàng Sa – Việt Nam: Nỗi đau mất mát” của Hồ Cương Quyết - André Menras, một người Pháp yêu Việt Nam.
Ra đời năm 2011, bộ phim Hoàng Sa – Việt Nam Nỗi Đau Mất Mát là câu chuyện tài liệu dài 59 phút, xoay quanh đời thật của ngư dân Quảng Ngãi, những người bám biển làm kế kinh nhai.
André Menras là người Pháp gốc, tới Đà Nẵng dạy tiếng Pháp năm 1968. Với tinh thần phản đối chiến tranh, André Menras cùng bạn là Jean-Pierre Debris từng leo lên tượng đài Thủy quân Lục chiến ở Sài Gòn treo cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam. Vì hành động này, André Menras và Jean-Pierre Debris bị xử tù.
Ra tù, André Menras tiếp tục gắn bó với Việt Nam qua nhiều hoạt động thiết thực. Tháng 11/2009, André Menras trở thành công dân Việt Nam với tên Hồ Cương Quyết.
Ông Hồ Cương Quyết, gốc Pháp quốc tịch Việt Nam vừa có những buổi chiếu phim tài liệu của mình rộng rãi ở Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh
Ý tưởng phim hình thành khi André Menras đọc báo thấy tin ngư dân Quảng Ngãi bị tàu Trung Quốc bắt. Ông đã hỏi bạn bè của mình: "Tại sao Trung Quốc, láng giềng thân thiết của Việt Nam lại có thể hành động như thế?"
Sau đó, André Menras đã nghiên cứu kỹ những tư liệu về tranh chấp tại Hoàng Sa và tìm hiểu thực tại đời sống ngư dân Quảng Ngãi. Theo thống kế của ông: từ năm 2002 đến nay đã có ít nhất 30 ngư dân Việt Nam hi sinh ở vùng biển Hoàng Sa, 121 chiếc tàu bị đánh chìm, 500 ngư dân bị Trung Quốc bắt giữ. Ông cũng tiếp xúc với các ngư dân bị bắt, nghe họ kể về những ngày bị giam cầm, đói khát như những tù binh khổ ải.
Không phải là một nhà làm phim chuyên nghiệp, người Pháp yêu Việt Nam André Menras đã cùng ekip tới vùng biển Quảng Ngãi để ghi hình và sản xuất những thước phim xúc động.
Một cảnh trong phim Hoàng Sa – Việt Nam: Nỗi Đau Mất Mát
Hoàng Sa – Việt Nam: Nỗi Đau Mất Mát đan xen của những hình ảnh, lời kể, lời bình, tư liệu về nỗi đau mà ngư dân tại Bình Châu, Lý Sơn phải gánh chịu.
Phim mô tả lại chuyện thật về những người dân thường đi biển bằng những con thuyền thô sơ. Họ phải đối diện với bão tố, họ có thể bị bắt, bị đánh, bị giam cầm. Nếu họ được trở về thì tàu cũng bị phá hoại.
Song song với số phận của những người ra khơi là số phận vợ con của những ngư dân đã chết ngoài biển. Nỗi đau của người ở lại không chỉ là mất người thân, mà còn mang trên vai gánh nợ lớn.
Hoàng Sa – Việt Nam: Nỗi Đau Mất Mát nói chuyện thật đau đớn
Trích đoạn phim là cuộc trò chuyện với những người làm phim, ông Nguyễn Việt cho biết, con trai ông là Nguyễn Thanh Biên đi biển bị Trung Quốc bắt ở Hoàng Sa năm 2009, thuyền bè bị tịch thu và gia đình phải đóng tiền chuộc. Các giấy tờ ghi lại số tiền chuộc lên tới hàng trăm triệu đồng bằng hai ngôn ngữ Việt - Trung cũng được ông Việt đưa ra.
Bà Nguyễn Thị Hào, ở Bình Châu, Bình Sơn, Quảng Ngãi có chồng và con đi biển không về, kèm theo là món nợ 700 triệu đồng phải trả. Bà Lê Thị Sanh không kìm được nước mắt khi kể về người chồng đi biển mất tích với năm người khác, để lại mình bà với ba đứa con.
Trích đoạn phim ông Hồ Cương Quyết phỏng vấn ngư dân Việt Nam
Tuần qua, phim được công chiếu rộng rãi tại các buổi giao lưu và chia sẻ học thuật ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, lay động mạnh tới người xem. Tác giả phim cũng cho biết, ông chia sẻ trực tuyến bộ phim này miễn phí.
"Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không trở về." Những lời ca ai oán này mở đầu và khép lại tác phẩm tài liệu chân thực và thấu hiểu.