Xúc động với Đường lên Điện Biên
Phim tạo cho khán giả một cảm xúc vừa vui vẻ vừa thương mến và rất xúc động.
Tinh thần yêu nước sục sôi được thể hiện qua từng thước phim Đường lên Điện Biên. Chưa có những cảnh chiến đấu trực tiếp với kẻ thù, những tập phim đang tái hiện quá trình hành quân lên chiến trường Điện Biên của Tiểu đoàn 5 thuộc Đại đoàn 316 bộ đội chủ lực và đoàn dân công 8-3.
Dù chưa thực sự bước chân vào trận đánh nhưng tinh thần yêu nước và sự hy sinh của quân và dân vẫn được thể hiện rất rõ. Đó là những cuộc hành quân không ngừng nghỉ, những lời động viên an ủi lẫn nhau của các chiến sĩ trẻ, những cơn sốt rét rừng hoành hành và cả những mất mát, hy sinh khi quân giặc ném bom trúng nơi đóng quân của tiểu đoàn 5.
Những khán giả từng là người lính đều xúc động khi từng cảnh phim trong Đường lên Điện Biên tái hiện một cách chân thật cuộc sống đời thường của bộ đội chủ lực trên đường hành quân.
Còn với những người chưa từng cầm súng, họ thêm yêu mến và tự hào về những người lính của quân đội Việt Nam. Những câu hò đối đáp để vơi đi nỗi vất vả, những “liều thuốc dân công” để phấn chấn tinh thần, những màn đối thoại hài hước giữa những người lính trẻ, những nỗi nhớ nhà da diết, những ước mong về ngày toàn thắng,… tạo nên cho khán giả một cảm xúc vừa vui vẻ vừa thương mến.
Đường lên Điện Biên đang tái hiện lại cuộc hành quân lên Điện Biên của tiểu đoàn 5
Vượt lên trên tất cả khó khăn, tình đồng đội luôn toả sáng. Tinh thần đoàn kết, gắn bó một lòng, sẵn sàng giúp đỡ nhau trong chiến đấu cũng như đời thường luôn được thể hiện một cách đậm nét. Đó là hình ảnh tiểu đoàn trưởng Hùng sẵn sàng đưa hai viên thuốc quý của một thầy lang người Thái cho bộ đội Sình khi cậu đang lên cơn sốt rét trong khi chính mình cũng đang bị bệnh. Đó là hình ảnh chính trị viên Thân quan tâm, lo lắng cho từng người lính của mình, đi hái thuốc cho Hùng hay lội bắt cá để thêm chất tươi cho bữa ăn của anh em.
Và, có lẽ khán giả khó lòng kìm được sự xúc động trước hình ảnh cậu lính trẻ Sình nhút nhát mặc dù bị trọng thương vẫn nói rằng không muốn về trạm chữa trị mà muốn lên Điện Biên chiến đấu. Trước lúc hy sinh, Sình vẫn còn thẹn thùng nói với cô y tá rằng mình chưa bao giờ được cầm bàn tay con gái. Sự hy sinh của người lính trẻ và tinh thần quyết tử ấy là biểu tượng cho hàng triệu những con người đã ngã xuống vì sự Tổ quốc. Sự thẹn thùng ấy cũng là nỗi xót xa và lòng cảm phục của bao thế hệ với những con người sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân vì độc lập, tự do của dân tộc.
Hình ảnh những nữ dân công cũng được tái hiện một cách chân thực và sống động
Song song với cuộc hành quân của tiểu đoàn 5 là cuộc hành quân gánh gạo lên Điện Biên của đoàn dân công 8-3. Một đoàn dân công gồm 500 cô gái trẻ luôn tràn đầy tinh thần lạc quan và hết lòng vì nhiệm vụ, những cô gái không quản khó khăn, vất vả, luôn một lòng hướng về Điện Biên với tất cả tình yêu và niềm tin chiến thắng. Không vác súng trên vai như những anh bộ đội, các cô vừa phải gánh trên đôi vai gầy yếu của mình những gánh gạo nặng vài chục cân vừa phải trèo đèo lội suối để đưa những gánh gạo ấy tới được chiến trường một cách toàn vẹn nhất.
Một cảnh gây xúc động nữa là hình ảnh khi trời đổ mưa dông, các cô gái chạy khắp các nhà trong bản để gửi gạo, tìm mọi cách che phủ để gạo không bị ướt trong khi bản thân mình thì dầm mưa ướt sũng. Từng hạt gạo tới chiến trường để các chiến sĩ “ăn no đánh thắng” đã thấm biết bao mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của những người dân công ấy.
Những cuộc gặp gỡ giữa tiểu đoàn 5 và đoàn dân công 8-3 luôn là những hình ảnh xúc động, nhẹ nhàng và là biểu tượng cho sự gắn bó sâu sắc giữa hai đơn vị quan trọng nhất trong chiến dịch Điện Biên lịch sử. Những cuộc gặp tuy chỉ ngắn ngủi nhưng cũng đủ tiếp thêm sức mạnh cho những con người đang mang trong mình nhiệt huyết của tuổi trẻ, đủ cho khán giả cảm nhận được khoảng lặng của cuộc chiến và cũng là tiền đề để khán giả hiểu hơn về những mất mát, hy sinh sau này của những con người ấy.
Đường lên Điện Biên không chỉ là hình ảnh của quá khứ mà còn thể hiện tinh thần yêu nước sâu sắc, nồng nàn, sẵn sàng hy sinh tất cả vì độc lập, tự do và sự toàn vẹn lãnh thổ của cả dân tộc Việt Nam. Dù trong hoàn cảnh nào, thời đại nào, người dân Việt Nam vẫn nhớ lời Bác Hồ đã dạy: Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ.
Phim đang được phát sóng vào lúc 20h35 thứ năm, thứ sáu hàng tuần trên kênh VTV1.