Thương Tín: Đời có vay có trả

Nghệ sĩ Thương Tín cho biết khi trải qua đủ hỷ, nộ, ái, ố trong đời, trải qua những vinh quang - tủi nhục, hạnh phúc - đắng cay, anh nhìn đời bằng cái tâm tĩnh lặng hơn

Phóng viên: Bặt vô âm tín một thời gian dài, bỗng dưng anh trở lại với nghề và làm việc cật lực. Vừa trở về sau những ngày dài quay phim Mỹ nhân Sài Gòn ở Phan Thiết, anh lại tiếp tục xuống Tiền Giang mà không cho mình chút thời gian nghỉ ngơi. Điều gì khiến anh cứ vội vã như vậy ở tuổi đã ngoài 60?

- Nghệ sĩ Thương Tín: Tôi thấy mình đã già. Người ta nói khi về già, thời gian mới là thực sự của mình. Lúc đó mình được thảnh thơi, bình yên, có thể thong thả ngồi ở nhà chơi với con cháu, tận hưởng cuộc sống, không còn bó buộc trách nhiệm, bổn phận, không phải chạy ngược chạy xuôi kiếm sống nữa. Nhưng hoàn cảnh của tôi lại khác. Tôi có đứa con gái nhỏ chỉ mới hơn 1 tuổi nên thời gian với tôi bây giờ quý giá lắm! Tôi phải tranh thủ từng giây từng phút để kiếm tiền nuôi con.

Sang trang mới

Anh đang gồng mình để làm việc với hơn cả sức lực mình có?

- Tôi biết mình không còn nhiều thời gian để kiếm tiền. Sức khỏe tôi ngày càng yếu. Trở lại đóng phim, tôi gặp rất nhiều khó khăn nên phải biết lượng sức mình.

Ngày xưa còn trẻ, tôi đi đóng phim quanh năm suốt tháng không mệt mỏi, 1 năm đóng tới 12 phim, thu nhập cao ngất ngưởng. Còn bây giờ, tôi chỉ đóng những vai phụ, thu nhập cầm chừng. Có lúc tôi cũng muốn gồng mình để kiếm nhiều tiền nhưng tôi luôn nghĩ đến đứa con còn quá nhỏ. Cố quá sẽ thành quá cố! Tôi sợ lỡ có chuyện gì thì vợ con mình sẽ khổ. Vậy nên có ráng cũng ráng thêm chút ít chứ không phải vắt cạn sức để làm.

Thương Tín: Đời có vay có trả - 1

Nghệ sĩ Thương Tín lúc trên đỉnh vinh quang...

Anh có xem chuyện đi đóng phim bây giờ là bắt đầu lại không?

- Bắt đầu lại ở tuổi này thì có muộn không? Tất nhiên, không có gì là muộn cả nhưng tôi không coi đó là bắt đầu mà chính xác là “sang trang mới”. Cuộc đời con người như một cuốn vở, hết trang này sẽ lật sang trang khác và khi chết đi mới là trang cuối cùng.

Cuộc đời tôi cũng có nhiều giai đoạn, xong một giai đoạn là tôi bắt đầu giai đoạn mới. Bây giờ, tôi lại tự mình viết đầy trang giấy mới của đời mình với tất cả những điều mới mẻ bằng tình yêu, sự lạc quan vào cuộc sống.

Mỗi người đều có số phận

Người ta bảo con người ta càng lớn tuổi càng hay sống bằng quá khứ.  Với anh thì sao?

-  Tôi cũng hay hoài niệm về quá khứ, về một quãng đời đầy hào quang, tiếng tăm để tự động viên mình. Có đêm, tôi nằm nhớ lại những khoảnh khắc vinh quang của nghề, những đoạn trường cay đắng của đời rồi tự nhủ: “À, mình đã có một quá khứ như thế!”. Nhưng tôi là người sống thực tế, không mơ mộng, không tiếc nuối hào quang quá khứ. Hiện tại và tương lai mới quan trọng, biết mình đang ở đâu sẽ dễ sống hơn.

Đã từng trải qua “đỉnh của đỉnh” vinh quang và “đáy của đáy” vực thẳm, anh rút ra được gì trong cuộc sống?

- Trong mỗi đời người, ai chẳng có những lúc lên đỉnh cao, những lúc xuống tận đáy sâu. Tôi cũng đã có một thời hào quang, tiếng tăm lừng lẫy và cũng có một thời đắng cay, ê chề. Thà là đừng đứng trên đỉnh hào quang, cứ đứng lưng chừng thì khi tụt xuống đáy sẽ bớt hụt hẫng, nuối tiếc, nỗi đau cũng sẽ ít hơn.

Trước đây, anh có dự cảm nào về một tương lai rực rỡ nhưng không kém phần cay đắng như đã trải qua không?

- Lúc còn là một cậu bé sống ở Buôn Ma Thuột, hằng đêm xem tivi thấy Thẩm Thúy Hằng, Kim Cương… đóng kịch, tôi nghĩ họ là những người vĩ đại, ở thế giới lung linh, xa vời. Vậy mà sau này, tôi lại đứng chung sân khấu với họ, sống chung những nhân vật trong kịch, trong phim. Bởi vậy, ở đời, có những thứ đưa đẩy mà mình không ngờ tới được, nhiều chuyện mình tính mà không thành.

Nói như vậy không có nghĩa là cứ sống theo kiểu phó mặc, đến đâu thì đến. Dù lúc nào cũng cố gắng nhưng thành công hay thất bại mình không chủ động được. Tại sao có người cả đời làm lụng vất vả mà nghèo vẫn nghèo, còn người khác làm chơi chơi mà giàu có, sung sướng? Dường như có một bàn tay vô hình nào đó sắp đặt từng bước đi của chúng ta.

Tức là anh tin mỗi người đều có số phận, khó cưỡng lại được?

- Dù thành đạt, thất bại, mỗi người đều có một số phận, một bi kịch riêng. Bi kịch đó có thể lớn, nhỏ, về gia đình, hạnh phúc, công việc, tiền bạc… Tôi cũng có bi kịch riêng, không thể giãi bày, chia sẻ được với ai, kể cả vợ con mình.

Quy luật “có vay là có trả” ở đời có đúng với anh?

- Chiêm nghiệm chính cuộc đời mình, tôi thấy đúng là “có vay có trả” mà lại trả nặng hơn. Làm điều gì sai trái thì sẽ lãnh lấy hậu quả, không phải chờ đến kiếp sau mà chúng ta phải trả ngay ở kiếp này, không chạy đâu cho thoát. Bởi vậy, sống ở đời, mình cố gắng đừng làm điều gì sai trái, đừng thù oán ai sẽ tốt hơn.

Thương Tín: Đời có vay có trả - 2

... và Thương Tín của thời hiện tại

Thất bại không phải là chấm hết

Trong cuộc sống, không ai tránh khỏi những sai lầm, quan trọng là biết đứng dậy. Anh đã trải nghiệm điều này như thế nào?

- Tôi là người sống không trốn tránh trách nhiệm. Khi làm điều gì xấu, tôi vẫn dám đứng ra nhận lỗi. Khi quỵ xuống tôi dũng cảm đứng lên sửa chữa và đi tiếp. Rất ít người hiểu được điều này: Trên đời làm gì có đường cùng, chỉ có những ranh giới mà khi bước qua vạch xuất phát này, ta sẽ đến một chặng đường khác. Chỉ cần đi là sẽ tới đích. Thất bại không phải là chấm hết, hãy đứng lên, đừng bao giờ giẫm lên thất bại cũ mới đáng quý.

Bài học nào đắt giá và có ý nghĩa nhất với anh?

-  Tôi hay nói với bạn bè, đồng nghiệp của mình là đừng bao giờ chủ quan, dù là chuyện nhỏ nhất. Cuộc đời có những lúc suy, lúc thịnh nối tiếp nhau. Bởi vậy, dù thành đạt, thành công cũng đừng cho là ghê gớm. Ở đời, thành công - thất bại, vinh quang - cay đắng, hạnh phúc - khổ đau… nhiều khi chỉ là lằn ranh rất mong manh. Có tiền nhiều, có địa vị cao nhưng chỉ cần một biến cố nhỏ xảy ra cũng sẽ tiêu tan.

Trải qua nhiều thăng trầm của cuộc đời, điều gì anh cho là quan trọng nhất trong kiếp người?

- Quan trọng nhất là cái danh. Tôi thấy tiền tài, vật chất trên đời phù du, có đó rồi mất đó, khi chết cũng không mang theo được. “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, làm sao để khi mình nằm xuống, mọi người tiếc thương như mất đi một thứ gì đó rất quan trọng và họ vẫn nhớ đến tên tuổi của mình. 

Sợ ra đi khi con còn quá nhỏ

Nghệ sĩ Thương Tín tâm sự: “3-4 năm trước, có nhiều lời mời đóng phim nhưng tôi đều từ chối vì không tìm được nguồn cảm hứng. Thời gian này, một phần vì con, một phần vì tìm lại được đam mê nên tôi quay lại phim trường. Rất khó để diễn tả được cảm xúc quay lại với nghề, chỉ biết là tôi vẫn “say” với từng vai diễn”.

Khi người ta có mục đích để làm việc thì tự dưng tinh thần sẽ tươi tỉnh hơn, sống vui vẻ, lạc quan hơn. Tôi cảm nhận mình thay đổi rất nhiều từ khi có vợ, có con. Ngày xưa tôi sống, làm việc không có mục đích vì lúc đó, tiền làm ra nhiều nhưng không phải lo cho ai, không có gia đình riêng; anh em, bố mẹ đều sung túc. Từ ngày có con, tôi bắt đầu lo làm việc và lo sợ nhiều thứ: sức khỏe, thời gian, tiền bạc. Điều tôi khổ tâm, ray rứt nhất là không may mình ra đi khi con còn quá nhỏ thì sẽ như thế nào... Tôi biết quãng thời gian tôi sống với con không còn nhiều nên cố gắng làm để sau này, con tôi cũng có một số tiền để bớt khổ hơn” - Thương Tín bộc bạch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Nga (Người Lao Động)
Ngôi sao điện ảnh Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN