Thất vọng vì phim chiến tranh sa đà tình cảm

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã từng chia sẻ về Đường lên Điện Biên: “Đây không phải là phim cúng cụ. Ngoài vấn đề chiến tranh, phim còn đề cập đến chuyện tình yêu của các tuyến nhân vật”. Và vì thế, Đường lên Điện Biên dành rất nhiều đất diễn cho các câu chuyện tình yêu.

Đi đến quá nửa chặng đường (14/25 tập) mà Đường lên Điện Biên vẫn chủ yếu kể về những cuộc gặp gỡ, tâm tình giữa các cặp đôi hay các cuộc gặp gỡ, đối đáp giữa bộ đội và các đoàn dân công.

Có lẽ, vì quá tập trung và tình yêu giữa các nhân vật mà có nhiều lúc đạo diễn Bùi Tuấn Dũng quên rằng, đây là một bộ phim kể về một trong những cuộc chiến oai hùng và ác liệt nhất trong lịch sử Việt Nam.

Khán giả Hòa Bình theo dõi phim từ đầu đến giờ nhận xét, mới đầu chị rất thích nội dung của phim bởi nó gần gũi với những câu chuyện cuộc sống đời thường. Thế nhưng, càng về sau, chị thấy phim quá sa đà vào chuyện tình cảm mà thiếu đi cái "chất" của một bộ phim chiến tranh.

"Các câu chuyện tình yêu được khai thác triệt để và liên tục từ đầu phim tới giờ. Ban đầu là chuyện tình yêu giữa bộ đội Hào và cô gái bản Diên, giữa Đội phó Tạc và cô liên lạc Hoà của Đoàn 8/3, chuyện Tạc dụ dỗ và hủ hoá với các nữ dân công trong Đoàn. Tiếp đó là chuyện tình cảm giữa những anh bộ đội và các nữ dân công...", chị Hòa Bình nói.

Thất vọng vì phim chiến tranh sa đà tình cảm - 1

Đường lên Điện Biên đang chủ yếu kể về cuộc tình giữa các nhân vật

Gần đây nhất, Đường lên Điện Biên dành đến gần 3 tập phim chỉ để kể về quá khứ cuộc gặp gỡ và chiến đấu giữa Cầm Chi (một trinh sát cũ trong đơn vị của Hùng trước đây) và Hùng, khiến cho bộ phim trở nên loãng và làm chậm nhịp một cách không cần thiết. "Điều này khiến mạch phim đứt quãng và cho khán giả cảm thấy nhàm chán", anh Trần Văn Thanh cho biết.

Hết kể về quá khứ của Hùng và Cầm Chi, Đường lên Điện Biên quay lại với chủ đề tình yêu và cuộc chiến nội bộ giữa Tạc, Hoà và các nữ dân công trong đoàn 8/3.

Trên một số diễn đàn phim, những người đang theo dõi Đường lên Điện Biên đều tỏ ra không thích những hình ảnh yêu đương xuất hiện với mật độ quá dày. Dù  kể về những khó khăn, vất vả của các nữ dân công trên con đường gánh gạo lên Điện Biên phục vụ chiến dịch, nhưng đa phần tập trung vào chuyện tham nhũng và lạm dụng chức quyền của Đoàn phó Tạc hay cuộc ghen tuông của Hoà khi thấy Tạc ve vãn những cô gái khác.

Đúng như lời hứa, đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã khai thác câu chuyện tình yêu trong chiến dịch Điện Biên một cách triệt để, đến nỗi nếu không thỉnh thoảng có những câu khẩu hiệu quyết tâm hay lời nhắc nhở của nhân vật, khán giả gần như quên mất đây là phim về chiến dịch Điện Biên Phủ.

Thất vọng vì phim chiến tranh sa đà tình cảm - 2

Đi quá nửa chặng đường, khán giả vẫn chưa thấy những cảnh quay "hoành tráng"

Mặt khác, phim đã đi quá nửa chặng đường nhưng vẫn chưa có được một cảnh quay “hoành tráng, chân thực” về cuộc chiến Điện Biên như đạo diễn Bùi Tuấn Dũng đã hứa.

Dù không được công bố công khai về chi phí làm phim, nhưng theo ông Nguyễn Hà Nam, Trưởng Ban thư ký biên tập Đài truyền hình Việt Nam cho biết: "Đường lên Điện Biên là phim trọng điểm của VTV trong năm 2014 nên so với các phim khác thì chi phí cho mỗi tập phim gấp khoảng 2,5 lần".

Hiện tại, mức giá trung bình chi cho mỗi phim khoảng từ 180-200 triệu đồng. Điều này có nghĩa,  mức đầu tư cho mỗi tập Đường lên Điện Biên dài 45 phút trung bình khoảng 500 triệu đồng.

Đây là một con số không hề nhỏ và vì thế, khán giả có quyền đòi hỏi và mong chờ một bộ phim có chất lượng thực sự. Nhưng, đến thời điểm này, Đường lên Điện Biên lại đang dần làm khán giả thất vọng.

Là phim dài tập đầu tiên về chiến thắng Điện Biên, được đầu tư công phu và tốn kém, Đường lên Điện Biên đã được khán giả kỳ vọng có thể tái hiện cuộc chiến Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của cha ông một cách toàn vẹn nhất, chân thực nhất. Nhưng đến thời điểm này, tác phẩm của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng vẫn chưa làm hài lòng khán giả như kỳ vọng ban đầu.

Mời độc giả xem trích đoạn tập 13 Đường lên Điện Biên:

Thất vọng vì phim chiến tranh sa đà tình cảm
Bạn nhận xét ra sao về bộ phim này?

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Giang ([Tên nguồn])
Phim Việt giờ vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN