Đường lên Điện Biên: Phim chiến tranh "đẫm" tình yêu

Là bộ phim tái hiện lịch sử, song Đường lên Điện Biên lại lấy tình yêu làm sợi chỉ xuyên suốt.

Chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 là một chiến thắng “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” của quân và dân Việt Nam, là dấu chấm hết cho tham vọng cai trị của thực dân Pháp tại Việt Nam, là sự hy sinh và niềm tự hào của cả dân tộc.

Nhân dịp kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5/2014), bộ phim Đường lên Điện Biên được gửi đến khán giả như là một lời tri ân sâu sắc tới thế hệ cha anh cũng như một bài học sống động, chân thực cho thế hệ hôm nay về một thời kỳ vàng son trong lịch sử oai hùng của dân tộc Việt.

Là bộ phim tái hiện lịch sử, song Đường lên Điện Biên lại lấy tình yêu làm sợi chỉ xuyên suốt. Tình yêu quê hương đất nước, tình đồng chí đồng đội, tình cảm của đồng bào Tây Bắc với bộ đội cụ Hồ, tình yêu lứa đôi của những chiến sĩ Vệ quốc đoàn với những cô dân công hỏa tuyến. Và trên hết là ý chí quyết tâm, đồng lòng của quân và dân hướng về Điện Biên với niềm tin chiến thắng.

Bối cảnh phim chủ yếu diễn ra ở vùng núi Điện Biên, Sơn La. Để có được những thước phim sống động nhất, đoàn làm phim đã phải rất vất vả lựa chọn và dàn dựng bối cảnh sao cho giống với sự thật lịch sử nhất. Những lán, doanh trại dã chiến, trạm đóng quân trong rừng đều được dựng lại theo đúng với khung cảnh của những năm 54.

Những chi tiết về cảnh sinh hoạt của người dân đến những hình ảnh gắn liền với chiến dịch Điện Biên Phủ như những chiếc xe đạp thồ chở hàng, cảnh kéo pháo được tái hiện rõ nét.

Đường lên Điện Biên: Phim chiến tranh "đẫm" tình yêu - 1

Cảnh kéo pháo được tái hiện một cách chân thực

Để có được cảnh kéo pháo chân thực, hàng trăm diễn viên quần chúng đã phải lao động cật lực trong nhiều ngày để lấy đá lót đường. Khẩu pháo cũng được những người làm đạo cụ chăm chút đến từng chi tiết và bối cảnh được quay ở những khu vực hiểm trở của vùng núi Yên Bái.

Hàng trăm diễn viên quần chúng phải tự mình kéo pháo mà không có sự trợ giúp nào. Tuy khẩu pháo đạo cụ nhẹ hơn pháo thật nhưng để kéo được lên vùng dốc núi hiểm trở cũng là một điều không dễ dàng. Vì vậy, cảnh kéo pháo trong phim tuy là diễn mà không phải diễn, tạo cho khán giả cảm giác chân thực và thấm thía sự vất vả, hy sinh của các pháo thủ năm xưa.

Hàng trăm đôi quang gánh, hàng trăm chiếc xe thồ từ các đoàn văn công và viện bảo tàng được huy động. Hàng trăm bộ trang phục của bộ đội và nhân dân được chuẩn bị kỹ lưỡng. Bối cảnh được chọn lựa kỹ càng, những góc quay đẹp mắt.

Bộ phim được khởi quay vào trước tết là thời điểm lạnh nhất, đặc biệt là ở vùng núi Tây Bắc thời tiết rất khắc nghiệt. Để tăng tính chân thực cho phim, trong cái lạnh 0 độ, các diễn viên vẫn phải xuống hồ thực hiện cảnh tắm, sau đó lên bờ đốt lửa sưởi ấm hay thực hiện cảnh ngã xuống suối trong cái rét thấu xương.

Đường lên Điện Biên: Phim chiến tranh "đẫm" tình yêu - 2

Không chỉ có chiến tranh, Đường lên Điện Biên còn có những cuộc tình lãng mạn

Không tham vọng bao quát hết cuộc chiến, Đường lên Điện Biên chủ yếu xoay quanh hành trình của một tiểu đoàn bộ binh chủ lực trong chuyến hành quân xuyên Tây Bắc để tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ. Song song với họ là chuyến đi của 500 cô gái dân công.

Tình yêu đất nước, tình bạn, tình đồng chí, tình yêu đôi lứa,… của các nhân vật thuộc 2 đơn vị này là câu chuyện chính của phim.

Ngoài những cảnh chiến tranh hào hùng, ác liệt, những hy sinh của quân và dân ta những năm 54, bộ phim còn khéo léo lồng ghép những câu chuyện tình yêu lãng mạng giữa bộ đội và nữ dân công – một kiểu tình yêu điển hình trong chiến tranh.

Bên cạnh sự ồn ào, gấp rút của những cuộc giao tranh còn có những khoảng lặng của nỗi nhớ, tình người. Bên cạnh những mất mát, máu và nước mắt của cuộc chiến còn có những tình yêu thầm lặng nhưng sâu nặng và thủy chung.

Đạo diễn Bùi Tuấn Dũng hy vọng, những điều này sẽ khiến cho bộ phim dễ đi vào lòng người hơn, bớt đi sự khô khan và tránh sa vào kiểu phim tư liệu lịch sử.

25 tập phim bắt đầu được phát sóng từ 24/4 trên kênh VTV1 lúc 20h30 thứ năm, thứ sáu hàng tuần. Riêng trong tuần lễ truyền thông trọng tâm hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ của Đài Truyền hình Việt Nam, Đường lên Điện Biên sẽ được phát sóng 4 buổi liên tục thay vì 2 buổi như thường lệ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Giang ([Tên nguồn])
Phim Việt giờ vàng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN