ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai

Sau khi có những nhận định về chuyện quảng cáo quá nhiều trong vở hài kịch Chôn nhời, cũng như nội dung phim bị cho là siêu nhảm và dung tục, đạo diễn Phạm Đông Hồng đã lên tiếng chia sẻ cùng độc giả về việc này.

Vở hài kịch Chôn nhời là sản phẩm hài Tết 2014 làm theo đề tài dân gian, là sự kết hợp dựa theo một số tích truyện cười dân gian Việt Nam khá phổ biến đối với nhiều người hâm mộ. Phim do Công ty nghe nhìn Thăng Long Audio Visual (TLva) sản xuất và phát hành, đạo diễn dày dạn kinh nghiệm với thể loại hài dân gian Phạm Đông Hồng trực tiếp dàn dựng chỉ đạo.

Chôn nhời quy tụ các nghệ sĩ hài nổi tiếng của làng hài kịch phía Bắc như Phạm Bằng, Quốc Anh, Quang Thắng, Minh Hằng, Hán Văn Tình, Kim Oanh, Thành Trung... Nội dung phim xoay quanh rất nhiều câu chuyện cười ra nước mắt. Trong đó có chuyện Tri phủ (NSƯT Phạm Bằng) “đong đưa” với vợ của Tri huyện (Kim Oanh). Trong khi đó, bà vợ trẻ đẹp này của Tri huyện cũng nhiều lần liếc mắt đưa tình và sàm sỡ anh giúp việc “giả câm” có một dáng vóc khỏe mạnh, vạm vỡ. Vai diễn này của Kim Oanh được cho là một vai diễn rất thú vị, hứa hẹn nhiều bất ngờ.

ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai - 1

Bìa đĩa phim hài tết Chôn nhời của Thăng Long Audio Visual.

Phim đã được công chiếu trên nhiều đài truyền hình trong dịp Xuân Giáp Ngọ vừa qua, đồng thời nhận được nhiều ngợi khen tích cực từ phía khán giả. Tuy vậy, vẫn có những ý kiến chưa thực sự hài lòng về Chôn nhời, đặc biệt về yếu tố quảng cáo trong phim bị cho là dày đặc và lạm dụng.

Nội dung phim có ý kiến nhận định là nhảm, nhạt và dung tục. Trong buổi nói chuyện với phóng viên Khám phá, đạo diễn Phạm Đông Hồng đã có những chia sẻ thẳng thắn về quan điểm cá nhân của ông về những vấn đề trên.

Quảng cáo không quá 1/6 thời lượng phim

PV: Mời tài trợ và quảng cáo có phải phương thức duy nhất để có nguồn kinh phí thực hiện phim? Đoàn phim có phải phụ thuộc quá lớn vào nguồn tài trợ quảng cáo cũng như những ràng buộc từ các doanh nghiệp tài trợ?

Đạo diễn Phạm Đông Hồng (ĐD. PĐH): Nói về các sản phẩm hài ở Việt Nam  hiện tại, có 2 loại hình chính. Loại thứ nhất là sử dụng tiền của các nhà tài trợ, sử dụng làm kinh phí để dựng phim. Sau khi phát hành thành đĩa, mục đích của những đĩa phim hài đó không phải để trình chiếu trên các kênh truyền hình chính thống, mà được phát hành ngoài thị trường, thông qua các trang mạng xã hội, diễn đàn mạng, trang chia sẻ video... cho cộng đồng mạng xem. Vì vậy, loại hình này gần như hoàn toàn không phải qua quy trình kiểm duyệt của các cơ quan chức năng nhà nước. Do vậy, hình thức này là để mang lại lợi ích cho cả  nhà sản xuất lẫn các doanh nghiệp tài trợ, bởi càng có nhiều người xem càng tốt.

ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai - 2

Đạo diễn Phạm Văn Hồng (ngoài cùng bên trái) cùng nghệ sĩ đoàn phim Chôn nhời.

Loại hình thứ hai là sản phẩm hài không dùng tiền của các nhà tài trợ dựng phim, mà nhà sản xuất bỏ vốn của chính mình ra để kinh doanh, đầu tư từ A - Z, từ kịch bản phim, nhân lực, đạo cụ, phục trang... cho đến khâu phát hành. Chôn nhời là một sản phẩm nằm trong loại hình này.

Sau khi hoàn thành, sản phẩm sẽ được qua hệ thống kiểm duyệt của nhà nước (Cục Điện ảnh). Khi đã được sự phê chuẩn của Cục, nhà sản xuất mới tính đến việc kêu gọi, mời các doanh nghiệp tài trợ. Đây là một trong nhưng cách thức xã hội hóa được nhà nước quy định và kêu gọi từ lâu do kinh phí nhà nước không đủ. Như vậy, hình thức kêu gọi tài trợ là việc nhà sản xuất và các doanh nghiệp đều được lợi, khi sản phẩm của đơn vị sản xuất quảng cáo cho doanh nghiệp tài trợ, đồng thời nhận được kinh phí phát hành.

Về ý kiến cho rằng, Chôn nhời và nhiều đĩa phim hài có lồng ghép quá nhiều quảng cáo. Có bài viết khẳng định, cứ 5 phút lại lồng quảng cáo, và 1/3 thời lượng của phim là quảng cáo. Điều này được đạo diễn Phạm Đông Hồng phủ nhận khi lấy dẫn chứng từ luật quảng cáo trong phim do Chính phủ ban hành. Theo đó, không được phép xuất hiện quảng cáo chiếm 1/6 thời lượng của cả phim. Nghĩa là, một phim có thời lượng 100 phút, quảng cáo không được quá 6 phút. Vì vậy không thể có chuyện tùy tiện chen các đoạn quảng cáo một cách thoải mái vào trong phim.

Với Chôn nhời là sản phẩm của đơn vị phát hành Thăng Long, là một doanh nghiệp hoạt động theo luật doanh nghiệp, chịu theo luật quảng cáo cũng như những quy định của Bộ Văn hóa TT&DL. Do đó, không phải những đơn vị nào cũng có thể được mời tài trợ quảng cáo, mà phải được duyệt qua Cục Văn hóa cơ sở mới được thông qua.

Không cho phép doanh nghiệp quảng cáo tham gia nội dung phim

Đạo diễn Phạm Đông Hồng cũng nhấn mạnh, Chôn nhời không như các sản phẩm hài kịch khác thường cho phép các doanh nghiệp quảng cáo tham gia vào nội dung phim. Trong khi điều này được quán triệt và không được phép xảy ra với nội dung kịch bản của Chôn nhời.

ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai - 3

Đạo diễn Phạm Đông Hồng khẳng định, không cho phép thương hiệu của doanh nghiệp trực tiếp tham gia nội dung của Chôn nhời.

Hiện nay, nhiều vở hài kịch thường khai thác theo chủ đề hiện đại. Điều này có mục đích giúp các nhà sản xuất dễ dàng đưa hẳn thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp vào nội dung phim. Nghĩa là các nhà tài trợ được tham gia chính thức vào mặt nội dung kịch bản. Người xem có thể thấy nhân vật sử dụng một thương hiệu sản phẩm nào đó, kèm theo những câu thoại ít nhiều liên quan đến tuyên truyền quảng bá luôn cho sản phẩm đó, phần nào khiến người xem thấy phản cảm và gượng ép. Cách làm trên là việc lái nội dung kịch bản theo hướng làm sao quảng cáo được càng nhiều cho doanh nghiệp càng tốt.

Trong khi nội dung của Chôn nhời lại khai thác theo đề tài dân gian truyền thống. Mặc dù nhà sản xuất nào cũng thích có thật nhiều tiền, có thật nhiều quảng cáo, hoặc có sự góp mặt của các "hotgirl", hoa hậu, ca sĩ nổi tiếng, vì điều này mang lại lợi nhuận cho nhà sản xuất. Thế nhưng Chôn nhời lại làm đề tài cổ trang, vì vậy, dù nhà sản xuất có muốn cho phép các doanh nghiệp tham gia vào nội dung cũng không thể được, đơn giản vì những sản phẩm đó không hề phù hợp với bối cảnh cổ trang của phim.

Ví dụ, doanh nghiệp sản xuất cốc chén không thể ép đoàn phim cổ trang sử dụng những chiếc chén của thời hiện đại. Điều này hoàn toàn có thể cho phép trong một đoàn phim lấy bối cảnh thời hiện đại. Do đó, ê-kíp đoàn phim Chôn nhời tuyệt đối không cho phép các doanh nghiệp tham gia vào mặt nội dung của phim.

ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai - 4

Đạo diễn Đông Hồng theo dõi diễn viên tham gia vở Chôn nhời.

Đạo diễn Đông Hồng cũng thừa nhận, việc xã hội  hóa, kêu gọi tài trợ, mời quảng cáo trong các bộ phim ngày nay là chuyện hết sức bình thường và hiển nhiên của thời đại kinh tế thị trường. Việc các nhà sản xuất hay ngay cả các đài truyền hình kêu gọi các doanh nghiệp tham gia tài trợ để được quảng cáo là đúng theo quy định của pháp luật. Phim có hay thì càng có nhiều doanh nghiệp muốn tham gia tài trợ, có nhiều quảng cáo.

PV: Nhiều khán giả cảm thấy khá bức xúc và khó chịu khi thấy có quá nhiều quảng cáo đan xen trong một bộ phim. Đặt bản thân là khán giả, đạo diễn có cảm thấy điều này?

ĐD. PĐH: Về bản chất, nếu là người xem đơn thuần, khi bạn xem một bộ phim hay nhưng đến những đoạn cao trào lại xuất hiện quảng cáo, chắc chắn sẽ thấy vô cùng khó chịu. Về tâm lý, việc người xem thấy khó chịu là điều dễ hiểu. Nhưng khán giả cũng nên đặt mình vào vị trí của nhà sản xuất và cơ chế thị trường hiện nay.

Nếu nhà sản xuất không dùng cơ chế xã hội hóa để kêu gọi các doanh nghiệp, xã hội tài trợ, nghĩa là mời quảng cáo, thì nhà sản xuất lấy đâu ra tiền sản xuất. Đặc biệt trong thời buổi, đĩa vừa phát hành ra thị trường, chỉ trong nháy mắt đã xuất hiện đĩa in sao lậu tràn lan. Vì vậy phải có quảng cáo để bù đắp lại vốn, nếu không làm sao có nguồn để tái sản xuất.

Tuy nhiên với quan điểm của tôi, quảng cáo cũng phải tuân theo luật. Thời lượng của quảng cáo như thế nào là phải đúng theo quy định, còn quảng cáo xuất hiện trong phim như thế nào là do nhà sản xuất quyết định. Bởi không có quy định nào về việc cho quảng cáo ở đoạn đầu hay đoạn cuối của phim bao giờ cả.

ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai - 5

Đạo diễn của Chôn nhời mong khán giả thông cảm và hiểu cho những khó khăn mà đoàn phim gặp phải.

Do đó tôi mong khán giả hết sức thông cảm cho việc làm này, cả thế giới cũng đã làm chứ không riêng gì Việt Nam. Còn nếu không có quảng cáo thì nhà sản xuất không thể có kinh phí làm phim phục vụ công chúng. Ngoài ra, phim có hay thì mới có quảng cáo, vì không doanh nghiệp nào tài trợ cho những sản phẩm không có chất lượng.

PV: Thế nhưng với một sản phẩm có thời lượng quảng cáo quá dày đặc thì đạo diễn nghĩ sao?

ĐD. PĐH: Tất nhiên một đĩa phim dày đặc quảng cáo thì không đúng luật, doanh nghiệp sản xuất phải tự chịu trách nhiệm và bị phạt. Điều này chắc chắn gây khó chịu và phản cảm cho người xem. Ngay bản thân tôi cũng như thành viên trong gia đình cũng cảm thấy bực dọc khi xem phim hay đĩa phim có quá nhiều quảng cáo.

Nói về Chôn nhời năm nay, tôi thấy không hề nhiều quảng cáo, thậm chí tôi có phần thất vọng khi hô hào quảng cáo năm nay bị thiệt  mất 1/2 thời lượng so với năm ngoái. Những tài trợ vàng cũng hụt đi nhiều, doanh số quảng cáo cũng thiệt gấp đôi.

Tôi cũng mong công chúng cũng như truyền thông báo chí ủng hộ các nhà sản xuất, có nghĩa là thông cảm cho những doanh nghiệp sản xuất trong thời buổi sản xuất khó khăn như hiện nay, nhất là tình trạng đĩa lậu và ăn cắp bản quyền. Trong khi các nhà sản xuất đã phải tốn kém rất nhiều khi bỏ ra một lượng kinh phí khổng lồ. Bởi vậy phải nhờ đến việc xã hội hóa, hô hào cộng đồng góp vào, cùng chung tiếng nói để có sản phẩm nghệ thuật sạch và chất lượng phục vụ công chúng người xem.

ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai - 6

Không có quảng cáo thì không có kinh phí để bù đắp vốn đầu tư cho Chôn nhời.

Ông cũng lấy dẫn chứng về nạn ăn cắp bản quyền mà Chôn nhời gặp phải. Sau khi đĩa phim được chào bán trên thị trường, ngay lập tức liền xuất hiện trên Youtube. Phía nhà sản xuất đã cho người theo dõi và yêu cầu Youtube gỡ những clip vi phạm sau 1 giờ đồng hồ. Tuy nhiên, có ngày có đến hơn 200 clip vi phạm được đăng tải, vì vậy nhà sản xuất cũng đành "bó tay" vì không còn cách nào để kiểm duyệt.

Làm phim xong mới mời quảng cáo

Theo tiết lộ của đạo diễn Phạm Đông Hồng, đoàn phim Chôn nhời khi bắt tay vào dàn dựng, phía nhà sản xuất phải bỏ ra một khoản vốn lớn, chi trả cho các khâu từ đầu vào cho đến sản phẩm cuối ra đời. Sau đó mời các doanh nghiệp lớn tới, chiếu phim cho họ xem, để các doanh nghiệp tự chấm điểm cũng như đưa ra quyết định có tài trợ cho phim hay không.

Phim Tết của Thăng Long năm nay có đến 3 sản phẩm, vì vậy thời gian chiếu cho các doanh nghiệp cũng mất hàng tuần liền mới hoàn thành. Hơn nữa, các doanh nghiệp đều là những người có con mắt tinh đời và am hiểu nhu cầu cũng như thị hiếu xã hội. Họ biết phim nào có ảnh hưởng sâu rộng và lan tỏa tới cộng đồng, từ đó mới quyết định tài trợ cho những bộ phim hay, có ảnh hưởng tốt tới xã hội. Nghĩa là để có được tài trợ của các doanh nghiệp, trước hết mình hãy làm tốt sản phẩm của mình, sau đó mới mời quảng cáo. Chôn nhời cũng đi theo hướng như vậy.

ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai - 7

Đạo diễn Phạm Đông Hồng và diễn viên Thành Trung.

Việc mời quảng cáo được đạo diễn Phạm Đông Hồng chia sẻ ngắn gọn các quy trình như gửi hồ sơ cho các doanh nghiệp tài trợ. Hồ sơ là một đề cương thông báo về bộ phim, bao gồm nội dung phim cũng như đề xuất về mức giá quảng cáo. Theo đó, mức giá được chia theo các mức tài trợ Vàng, Bạc, Đồng...

Quảng cáo trên truyền hình do nhà đài tự quyết định

Đạo diễn Phạm Đông Hồng cho biết, khi bán bản quyền phim cho các đài truyền hình, sản phẩm đó đều là những đĩa sạch, tức là không có quảng cáo. Rất nhiều đài cảm thấy đây là một sản phẩm hay, vì vậy họ mới bỏ tiền ra mua bản quyền. Khán giả theo dõi sẽ thấy, Chôn nhời phát sóng trên đài truyền hình sẽ thấy ít quảng cáo hơn hẳn so với xem từ đĩa, bởi để chống chọi lại nạn đĩa lậu, quảng cáo nhiều trong đĩa là điều hoàn toàn có thể cảm thông được.

Việc xuất hiện những quảng cáo khi phim được phát trên các đài truyền hình là hoàn toàn do nhà đài tự quyết, không liên quan đến nhà sản xuất. Kêu gọi quảng cáo cũng như nguồn thu từ quảng cáo đều do nhà đài đảm nhiệm và sử dụng. Hơn nữa, lượng quảng cáo của nhà đài cũng ít đi do tình hình khó khăn nói chung, do đó khán giả sẽ thấy quảng cáo trên truyền hình cũng ít hẳn đi. Ngay cả quảng cáo trên phiên bản đĩa DVD cũng ít hơn hẳn hai lần so với các năm.

ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai - 8

Thành viên đoàn phim Chôn nhời tại một ngôi nhà cổ ở Đường Lâm, Hà Nội.

ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai - 9

Đoàn phim Chôn nhời chuẩn bị quay trước đình làng Mông Phụ ở làng cổ Đường Lâm.

Trong khi các quảng cáo thương hiệu sản phẩm cho các doanh nghiệp tài trợ cho đoàn phim Chôn nhời, sẽ được lưu hành trong các sản phẩm đĩa DVD do Thăng Long phát hành.

Như vậy, lượng quảng cáo mà khán giả xem trên truyền hình là hoàn toàn do nhà đài quyết định chứ không phải đoàn phim. Chỉ khi những quảng cáo trên đĩa DVD mới thực sự do nhà sản xuất của Chôn nhời biên tập và chỉnh sửa.

'Phim tục thì đã không được Hội đồng quốc gia duyệt'

PV: Một số ý kiến cho rằng, Chôn nhời và những phim hài Tết khác năm nay là siêu nhảm, siêu nhạt và dung tục. Đạo diễn có nhận định gì về ý kiến trên hay không?

ĐD. PĐH: Những bộ phim khác bị cho là nhảm nhí, dung tục thì tôi không muốn bàn sâu đến về mặt nội dung của họ. Nhưng về Chôn nhời là phim được khai thác theo đề tài dân gian, cốt truyện xuất phát từ kho tàng truyện cười dân gian Việt Nam hay các truyện tiếu lâm. Hơn nữa, có Hội đồng duyệt phim quốc gia kiểm duyệt sau khi phim hoàn thành.

Như vậy, không có lý gì khi một phim đã được Hội đồng duyệt phim quốc gia phê chuẩn lại bị cho là nhảm nhí hay dung tục. Mặc dù, có rất nhiều những ý kiến khen ngợi từ phía khán giả, nhưng như tôi đã nói, làm đạo diễn phim hài như làm dâu trăm họ, không ai có thể làm hài lòng tất cả số đông khán giả.

Cũng sẽ có người khen kẻ chê, và mình phải nghe ngóng xem họ chê có đúng không. Nếu đúng thì mình nên tiếp thu và sửa chữa để làm cho phim hay hơn. Còn nếu cảm thấy những lời chê đó không đúng với những gì mình làm thì cũng đành phải chịu, vì đâu biết thanh  minh với ai.

ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai - 10

Ê-kip đoàn phim Chôn nhời.

Làm phim hài rất khó, khó ở chỗ nếu làm quá đi thì bị chê là nhảm, là bậy, tục. Vì vậy người đạo diễn phải biết tiết chế để làm sao phim không nhạt, không tục mà vẫn gây cười cho khán giả. Những phim hài của tôi phần nhiều liên quan đến đề tài dân gian, từ Không hề biết giận, Lên voi, Râu quặp, Thầy dở... và tôi đều phải tiết chế. Một đặc điểm nữa là hài của tôi, có nhiều lúc người xem không cười ngay được mà chỉ là tiếng cười dí dỏm hay khi xem lại khán giả sẽ bật lên cười khoái trí. Nhiều năm làm phim hài nên tôi  nhận thấy đây là thể loại rất khó, nhất là làm dâu trăm họ khi có người khen người chê, điều này nhà sản xuất phải chấp nhận.

PV: Chôn nhời có nhiều nội dung dựa theo các truyện tiếu lâm dân gian Việt Nam, tất yếu sẽ có nhiều yếu tố tục. Lại có nhận định cho rằng, hài bây giờ là phải tục, đạo diễn có nhận xét gì về ý kiến trên?

ĐD. PĐH: Tôi không đánh giá hài là phải tục! Trước hết phải nói đến thể loại hài đang được làm phổ biến ở Việt Nam, bao gồm hai loại. Thứ nhất là "Trò nhời", tức là các nghệ sĩ hài sẽ sử dụng hình thức ngôn ngữ, lời thoại "đốp chát" qua lại với nhau nhằm mục đích gây cười. Hình thức này, người nghệ sĩ chủ yếu chọc cười khán giả bằng cách biến tấu câu thoại sao cho thật hài hước, dí dỏm và có phần thâm thúy, sâu cay. Trên cơ sở của lời thoại, khán giả nghe và phải bật cười.

ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai - 11

Tấu hài "Trò nhời" ít được sử dụng trong các vở hài kịch của đạo diễn Phạm Đông Hồng.

Loại hình này phổ biến nhiều ở thị trường trong Nam, trong khi ngoài Bắc cũng có một số nghệ sĩ áp dụng hình thức này. Riêng tôi thì tránh làm theo cách này, mà tôi làm theo loại thứ hai là bằng hành động  hài, tình huống hài. Tất nhiên, phim là phải có lời, nhưng tôi đặc biệt nhấn nhá đến hành động, chi tiết và tình huống hài. Hành động thì khó tục chứ không như lời nói, rất dễ sa đà vào câu tục, hay ngôn ngữ chợ búa. Trong phim của tôi tránh nói tục, ngay cả Chôn nhời cũng vậy.

PV: Trong một cảnh Tri huyện (Quang Thẳng) tuyển người hầu, nhân vật thằng hầu của Thành Trung đã có những hành động như chống đẩy trên  mặt đất bị cho là khá dung tục và khiến người xem đỏ mặt. Đạo diễn giải thích sao về cái gọi là hành động hài thì không tục?

ĐD. PĐH: Thực ra chuyện này bây giờ tôi mới nghe nói và để ý. Trong thời gian quay tôi cũng cố gắng nghĩ nên để cho nhân vật của Thành Trung làm gì để khiến người xem cười. Và những hành động mà Thành Trung thực hiện, trong đó có đoạn chống đẩy bị coi là thô và tục. Nhưng theo tôi, phim hài khác so với thể loại khác chính là ở chỗ này, có người xem thấy buồn cười nhưng có người lại nghĩ theo cách khác.

ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai - 12

Nghệ sĩ Thành Trung trong tạo hình thằng hầu chụp ảnh lưu niệm cùng đạo diễn phim Chôn nhời.

Việc này nằm ở sự khác nhau về tư tưởng và nhận thức khác nhau của mỗi người. Bạn có thể thấy những cảnh phim hai người nam nữ nằm chung giường, nhưng đâu có ai nghĩ đó là cảnh dung tục. Đó chính là cái khó của nghệ thuật, đơn giản như một bức tranh khỏa thân, mỗi người có một tư duy khác, có người thì cho là tục tĩu, bậy bạ, với người khác thì nó lại là nghệ thuật.

Còn với hành động của Thành Trung trong Chôn nhời thì tôi thấy đó là yếu tố hết sức bình thường và với mục đích gây cười, không nên nghĩ nó trở thành quá ghê gớm, to tát quá.

Lo lắng về tên phim Chôn nhời

PV: Điều gì làm đạo diễn nhớ nhất khi bắt tay vào dàn dựng Chôn nhời?

Ngày đầu tôi làm, sau đó tôi làm và đến giờ này sau khi phim đã phát hành, vẫn có rất nhiều người hỏi: Tại sao lại đặt phim là Chôn nhời? Với cái tên này tôi đã nghĩ ra rất nhiều tên, nhưng cuối cùng Chôn nhời vẫn là lựa chọn cuối cùng.

Như mọi người đều biết, đề tài phim là về dân gian, vì vậy tên phim phải có hơi  hướng dân gian và cổ truyền, đặc biệt nó phải liên quan đến nội dung phim. Vì nó liên quan đến lối sống, lời ăn tiếng nói của các cụ ngày xưa, ngay đến từ "Lời" cũng được các cụ nói thành "Nhời". Ngay cả hiện nay cũng vẫn còn nhiều vùng vẫn có người nói "Lời" thành "Nhời", cũng như "Trăng" với "Giăng", "Trời" thành "Giời"... Và để giữ gìn nét dân gian, tôi cũng đã sử dụng tên phim sao cho thực sự gợi hình ảnh và âm thanh có hơi hướng dân gian như vậy.

Trong Chôn nhời, có nhân vật thằng hầu của Thành Trung, vì bị vợ chồng Tri huyện bắt phải câm, nên hễ có chuyện bực tức là đêm đến anh này lại mang nói hết những "nhời bực dọc" vào một chiếc chum. Kịch bản ban đầu để anh hầu đêm đêm vác cuốc ra sau vườn, đào một chiếc hố và nói hết những bực dọc vào đó rồi chôn cái nhời đấy đi. Nhưng tôi cảm thấy chi tiết đó không hay bằng nói vào chiếc chum nên đã thay đổi lại. Từ tình tiết này nên tôi đã nghĩ ra tên của phim là Chôn nhời.

ĐD 'Chôn nhời': Quảng cáo đúng luật có gì sai - 13

Việc chọn đặt tên cho phim Chôn nhời khiến đạo diễn Phạm Đông Hồng vô cùng lo lắng trong khâu kiểm duyệt.

Một điều nữa là người Việt mình hay có cách ngược khá dí dỏm và hài hước, nếu nói ngược từ "Chôn nhời" sẽ thành "Chơi nhồn". Và nếu đặt tên là Chôn lời như ngôn ngữ ngày nay, ắt hẳn sẽ có nhiều người phì cười. Đây cũng chính là một điều khiến tôi cũng khá trăn trở và lo lắng khi đặt tên phim như vậy và mang đi duyệt. Vì mình đặt tên như vậy nhưng lại có người sẽ nghĩ theo hướng khác, mặc dù đây là cái tên tôi khá tâm đắc. Rất may là Hội đồng duyệt quốc gia đã không có ý kiến gì. Như vậy coi như mọi người cũng đồng cảm với cách nghĩ của mình. Đây cũng chính là điều ấn tượng và đáng nhớ nhất của tôi trong năm nay khi làm phim Chôn nhời.

Thế nhưng không phải không có ý kiến về việc đổi tên phim. Khi bán bản quyền cho các đài, một số đài đã có gợi ý cho đổi lại tên phim. Sau khi được chấp thuận, có đài đã đặt là Tân quan huyện, hay đài ATV đặt là Làm quan... mặc dù những cái tên đó với tôi thực sự là không mấy liên quan đến nội dung phim.

PV: Đạo diễn có vẻ rất tâm đắc với tên phim, lý do gì ông lại cho phép các đài tự ý đổi tên đứa con tinh thần của mình, dù sau  khi đặt lại không hề liên quan đến nội dung?

ĐD. PĐH: Thực ra mình thứ nhất vừa là một đạo diễn, đồng thời cũng là một người chủ doanh  nghiệp. Nói thật, trong tôi có hai con người, một con người làm nghệ thuật và một người làm kinh doanh. Đứng trên lĩnh vực kinh doanh, khi người ta bỏ tiền ra mua sản phẩm của mình, vì vậy những điều họ  mong muốn thì mình cũng nên cố gắng đáp ứng. Còn con người làm nghệ thuật lại có cái ích kỷ riêng, thế nên mình cũng cố gắng để dung hòa hai con người này. Và dù có đổi tên khác, nhưng nhiều người vẫn biết đây là phim Chôn nhời.

Cảm ơn đạo diễn về cuộc trò chuyện thân tình dịp đầu năm!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Long Hy ([Tên nguồn])
Phim hài Tết 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN