Bão qua làng: Lại "nóng" chuyện internet về làng

"Bão qua làng" tiếp tục đem đến cho khán giả những câu chuyện chân thực và sống động về cuộc sống của người dân thôn Đợi sau khi nhận được tiền đền bù đất.

Qua 23 tập phim, Bão qua làng đang rất "nóng" với các vấn đề gây nhức nhối trong xã hội nông thôn hiện nay. Việc người dân bỗng dưng nhận được một số tiền đền bù đất khiến bộ mặt thôn Đợi thay đổi đến chóng mặt. Những ngôi nhà khang trang mọc lên, những tiện nghi đắt tiền được sắm sửa và cùng với đó những dịch vụ ăn theo cũng nhanh chóng xuất hiện.

Cũng đề cập đến vấn đề người dân mất đất sản xuất, bỗng dưng có rất nhiều tiền do được đền bù và những hệ lụy của nó nhưng khác với những bộ phim cùng đề tài trước đây, Bão qua làng không xoáy sâu vào bi kịch của số phận những người dân nghèo mất đất mà xoáy sâu vào những tệ nạn do đồng tiền “từ trên trời rơi xuống” mang lại.

Bão qua làng: Lại "nóng" chuyện internet về làng - 1

Quán internet do Hiến (Toàn Shinoda) mở ra kéo theo nhiều tệ nạn trong thôn Đợi

Quán internet do Hiến và Khuất mở ra đã khiến trẻ em trong làng dần trở nên hư hỏng với rất nhiều những thói hư tật xấu. Tình trạng trẻ em nghiện game, nói dối xin tiền học thêm để đi chơi game, trộm cắp vặt hay bị chấn thương tâm lý vì game tuy không phải là vấn đề mới nhưng vẫn khiến khán giả cảm thấy bức xúc và lo ngại cho một thế hệ tương lai.

Sự đông đúc, nhộn nhịp của quán bán thức ăn sẵn của Sở (NSƯT Hán Văn Tình) cũng nêu ra một thực trạng không thể phủ nhận ở các vùng nông thôn. Đó là việc các bà nội trợ không chăm lo cho gia đình, không có hứng thú với việc nấu những bữa cơm ngon cho gia đình mà cứ đến bữa là ra quán mua thức ăn nấu sẵn cho nhanh.

Nếu ai đã từng sống ở những vùng thôn quê hiện nay đều có thể dễ dàng nhận thấy cứ đến các buổi chiều thì những hàng bán thức ăn sẵn lại đông vui nhộn nhịp như phiên chợ. Không kể đến những người phụ nữ cũng bận đi làm, không có thời gian nấu ăn thì ngay cả các bà nội trợ cũng dần dần hình thành tâm lý “đến bữa ra quán mua cho tiện”.

Nếu nói một cách tích cực như Sở thì các mẹ, các chị đã biết “tự giải phóng bản thân”. Nhưng xét theo một khía cạnh khác thì văn hóa gia đình cũng từ đó mà dần mất đi. Hơn nữa, chất lượng của những thức ăn sẵn đó là điều không ai có thể đảm bảo.

Chưa kể đến việc không có đất sản xuất, không có việc để làm, đến việc nấu bữa cơm cho gia đình cũng không cần bận tâm thì sự rảnh rỗi của những “thông tấn xã vỉa hè” sẽ còn đem đến nhiều hệ lụy. Điển hình như việc các bà truyền tai nhau rằng Tí ăn cắp tiền để chơi game hay nguyên trưởng thôn Tương ngoại tình khiến hai gia đình đang êm ấm bỗng dưng xáo trộn.

Bão qua làng: Lại "nóng" chuyện internet về làng - 2

Quán bán thức ăn chín của Sở ((NSƯT Hán Văn Tình) trở thành trạm thông tin của làng

Tình trạng thực phẩm bẩn cũng dần xuất hiện như rau phun thuốc kích thích, lợn nuôi bằng tăng trọng, thực phẩm ôi thiu được ướp hóa chất để tẩy rửa trở thành thơm ngon,....

Ngoài nội dung hấp dẫn với những vấn đề nóng bỏng và chân thực, đem đến thành công của Bão qua làng phải kể đến dàn diễn viên gạo cội “diễn như không diễn”.

Phim quy tụ hàng loạt cái tên đình đám trong làng điện ảnh Việt như NSƯT Trần Hạnh, NSƯT Duy Thanh, NSƯT Thùy Liên, NSƯT Thu Hiền, NSƯT  Tiến Mộc, NSƯT Hán Văn Tình, Tạ Am, Phú Đôn, Thanh Nhàn, Đinh Chiến, Tuyết Liên, Hồ Liên, Thu Hà,....

Đặc biệt, vai trưởng thôn của Quốc Khánh đã chinh phục khán giả hoàn toàn. Thậm chí, khán giả có tên Hoàng Hà nhận xét Quốc Khánh xứng đáng là “Bác Trưởng thôn thứ hai của Việt Nam” sau cố nghệ sĩ Văn Hiệp.

Quốc Khánh vào vai Phất Lộc – một anh nhà báo nửa mùa chuyên cộng tác viết chuyên mục người tốt việc tốt cho các báo và sửa chữa đồ gia dụng miễn phí cho người dân trong làng. Dù không muốn nhưng bỗng dưng Phất Lộc lại được bầu làm trưởng thôn.

Ngay từ khi lên chức, Phất Lộc đã được vợ chồng Lận Đận gọi là Thánh sống vì đã giúp họ không bị thu hồi đất. Luôn quan tâm đến mọi người trong làng, tận tâm vì công việc và giải quyết mọi chuyện có lý có tình, Phất Lộc được người dân trong thôn rất tin tưởng và ủng hộ.

Bão qua làng: Lại "nóng" chuyện internet về làng - 3

Phất Lộc và Hoa luôn tạo cho khán giả những tiếng cười nhẹ nhàng, thoải mái

Bên cạnh trưởng thôn Phất Lộc còn có Hoa - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn. Hai người có cùng mục đích làm việc vì dân, có cùng chí hướng loại bỏ những tiêu cực trong làng để xây dựng thôn Đợi tốt đẹp hơn, văn minh hơn.

Tuy nhiên, Hoa lại là một người nóng tính, bộc trực, bảo thủ và luôn làm việc theo cảm tính. Những cuộc “đấu khẩu” giữa hai “quan chức to nhất làng” này luôn đem lại cho khán giả những tiếng cười nhẹ nhàng và thoải mái.

Đặc biệt, kể từ tập 18, Bão qua làng có sự xuất hiện của Toàn Shinoda với vai Hiến – một tên giang hồ bãi vàng trở về làng để làm ăn. Hiến mở một cửa hàng internet chuyên cho đám trẻ con trong làng tới chơi game và xem phim dưới sự bảo hộ của đại gia Bất Khuất.

Cũng từ quán internet của Hiến mà bao nhiêu tệ nạn như trộm cắp, trẻ con trốn học, nói dối để xin tiền bố mẹ chơi game, phát điên vì game dần xuất hiện trong làng Đợi.

Bão qua làng: Lại "nóng" chuyện internet về làng - 4

Toàn Shinoda vào vai Hiến - chủ quán internet

Trước khi Toàn Shinoda mất không có thông tin nào về việc anh tham gia bộ phim này nên sự xuất hiện của anh là một bất ngờ lớn cho khán giả. Dù chỉ tham gia với một vai phụ và không có quá nhiều đất diễn nhưng diễn xuất của Toàn Shinoda cũng phần nào để lại ấn tượng tốt đối với khán giả.

Cuộc sống làng quê đang yên ấm bỗng dưng xáo trộn, những người hàng xóm thân tình bỗng trở thành kẻ thù, đối thủ của nhau, hàng loạt tệ nạn xã hội xuất hiện theo sự giàu có bất ngờ của dân làng.

Trước thực trạng đó, Phất Lộc sẽ phải làm gì để đưa làng Đợi đi đúng hướng và xóa bỏ những vấn nạn đang lan tràn trong làng? Những diễn biến tiếp theo của bộ phim sẽ được gửi tới khán giả vào lúc 20h35 thứ năm, thứ sáu hàng tuần trên kênh VTV1.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Giang ([Tên nguồn])
Phim Việt: Tranh tối, tranh sáng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN