Federer và nỗi đau Olympic

Thứ Năm, ngày 26/07/2012 15:17 PM (GMT+7)
Chia sẻ

Từng 3 lần dự Olympic đại diện cho đoàn thể thao Thụy Sỹ nhưng tất cả là ký ức buồn với Federer.

Olympic Sydney 2000: Nước mắt chàng trai 19 tuổi

Quần vợt Thụy Sỹ dự Olympic 2000 trong cảnh rối ren khi những tay vợt hàng đầu như Martina Hingis, Patty Schnyder, Marc Rosset (từng đoạt HCV đơn nam Olympic Barcelona 1992) đều đồng loạt rút lui vào phút chót. Tất cả mọi hy vọng dồn lên vai Roger Federer, tay vợt 19 tuổi đã vươn lên số 36 thế giới, vào 2 trận chung kết ở Marseille và Basel năm 2000 nhưng chưa có danh hiệu nào trong tay.

Một kỳ Olympic ngoài sức tưởng tượng của tay vợt trẻ tới từ Thụy Sỹ với trách nhiệm lớn của cả quốc gia. Olympic Sydney không có những tay vợt hàng đầu thế giới như Pete Sampras và Andre Agassi, lại chứng kiến những thất bại bất ngờ của Marat Safin, Tim Henman và Michael Chang. Nhưng sự bùng nổ lại đến từ Federer khi thắng một mạch 4 trận mà không để thua một set nào trước khi tới bán kết.

Federer và nỗi đau Olympic - 1

Federer lần đầu dự Olympic khi 19 tuổi và gặp Vavrinec

Nhưng Federer đã khá bối rối trước một dấu mốc lớn trong sự nghiệp, có thể đoạt huy chương Olympic mà không phải tay vợt nào cũng có được. Đối diện lần đầu tiên với tay vợt người Đức Tommy Haas hạng 48 thế giới (bây giờ Federer đang dẫn Haas tới 10-3 sau 13 lần gặp nhau), Federer đánh mất hoàn toàn mọi nhuệ khí kể từ đầu giải và thua chóng vánh 3-6, 2-6. Tất cả chưa phải là quá tệ cho Federer khi vẫn còn trận tranh HCĐ với tay vợt người Pháp Arnaud Di Pasquale hạng 62 thế giới, nhưng dường như mọi thứ đã trôi qua tay Federer. Dẫn 3-0 trong loạt tie-break ở set 1, Federer lại để thua tới 7/9 điểm tiếp theo và để thua set này. Set thứ hai là sự bừng tỉnh với một lần cứu match-point trong loạt tie-break ở tỷ số 6-7 để thắng lại 9-7 và đưa trận đấu tới set thứ 3. Federer thậm chí còn có break sớm để dẫn trước 2-1 trong hoàn cảnh Pasquale bị chấn thương, nhưng một lần nữa trước ngưỡng cửa lịch sử, sự nóng vội đã khiến tay vợt người Thụy Sỹ thất bại 3-6 và chỉ đứng thứ 4 tại Olympic 2000.

Federer sau đó đã không cầm được nước mắt vì chẳng có gì để mang về nhà, dù đó là một kỳ tích thực sự với một tay vợt mới 19 tuổi. Có lẽ niềm an ủi duy nhất với Federer là sau Olympic Sydney 2000, mối tình với người bạn đời sau này Mirka Vavrinec đã nảy nở và đơm hoa kết trái.

Trận Federer gặp Haas tại bán kết Olympic 2000 (2-6, 3-6)

Olympic Athens 2004: Cú sốc khó quên

Trở lại đấu trường Olympic sau 4 năm là một Roger Federer khác, 22 tuổi và là tay vợt số 1 thế giới từ ngày 2/2/2004. Trong tay Federer giờ đã có tới 3 Grand Slam trong số 19 danh hiệu lớn nhỏ và dĩ nhiên là hạt giống đánh đơn số 1 trong môn tennis. Trọng trách mà quốc gia trao cho Federer thậm chí còn lớn hơn 4 năm trước, khi anh là người cầm lá cờ Thụy Sỹ trong ngày khai mạc.

Federer dừng chân ngay tại vòng 1 Cincinnati Masters trước đó và có thêm thời gian để chuẩn bị cho Olympic. Nhưng cú sốc đã xảy ra ngay tại vòng 2, khi mà Federer chỉ phải đối mặt với tat vợt kém hơn mình 3 tuổi xếp hạng 79 thế giới, Tomas Berdych. Lần đầu tiên gặp tay vợt số 1 thế giới, người sau này trở thành huyền thoại làng banh nỉ, nhưng Berdych không hề run sợ. Tay vợt có mái tóc đuôi ngựa (chứ không gọn ghẽ như bây giờ) đã chơi một trận hay chưa từng thấy với những cú giao bóng khủng khiếp khiến Federer không ít lần chôn chân.

Federer và nỗi đau Olympic - 2

Thất bại khó quên tại Olympic Athens 2004

Mở màn bằng thất bại 4-6 trong set 1, nhưng trong hai set sau, những cú tấn công có phần liều lĩnh của Berdych lại giúp tay vợt người Séc xuất thần giành những điểm break quan trọng. Hai set thắng cùng tỷ số 7-5, trong đó có cú trái tay giành điểm winner cuối cùng đã giúp Berdych tạo nên bất ngờ lớn nhất tại Olympic 2004. Một chiến thắng còn ấn tượng hơn cả trận đấu 6 năm sau tại Wimbledon 2010, khi Berdych loại Federer ở tứ kết.

Federer mãi sau này vẫn coi đó là một trong những thất bại kinh khủng nhất trong sự nghiệp lẫy lừng của mình. Có thể hiểu được cảm giác của tay vợt số 1 thế giới, nắm trong tay cơ hội lớn nhất có thể bổ sung vào bộ sưu tập chiến tích của mình chiếc huy chương thế vận hội mùa Hè, sự kiện mà 4 năm mới có một lần, lại để thua một đối thủ được đánh giá yếu hơn rất nhiều.

Trận Federer gặp Berdych tại vòng 2 Olympic 2004

Olympic Bắc Kinh 2008: Dư chấn Nadal?

Lần thứ ba dự Olympic và là lần thứ hai trên cương vị tay vợt số 1 thế giới, Federer một lần nữa đặt hy vọng có thể giành tấm HCV Olympic, hoặc chí ít là một huy chương có màu bất kỳ. Nhưng Federer đến Bắc Kinh năm 2008 với nhiều dấu hỏi, dẫu sau khi vừa tổ chức sinh nhật thứ 27, tay vợt người Thụy Sỹ đã có 55 danh hiệu trong đó có 12 Grand Slam.

Hai thất bại liên tiếp trước Rafael Nadal tại chung kết Roland Garros và đặc biệt là tại Wimbledon năm 2008 khiến cho ngôi số 1 thế giới của Federer lung lay dữ dội. Nguy hiểm hơn, tất cả mọi thứ lại diễn ra ngay trước khi Olympic 2008 bắt đầu. Bằng chứng là sau trận thua trước Nadal tại Wimbledon, trận chung kết Grand Slam được đánh giá là hấp dẫn bậc nhất lịch sử (Federer thua 4-6, 4-6, 7-6(5), 7-6(8), 7-9 trong 4 giờ 48 phút), Federer đã liên tiếp bị loại ở vòng 2 Rogers Cup và vòng 3 Cincinnati Masters.

Federer và nỗi đau Olympic - 3

Lần thứ ba lỗi hẹn với Olympic

Mọi chuyện ở Bắc Kinh diễn ra theo chiều hướng khá thuận lợi cho Federer, khi tay vợt số 1 thế giới thắng cả 3 trận đầu tiên, trong đó có màn “rửa hận” trước Berdych tại vòng 16 tay vợt. Nhưng biến cố chỉ xảy ra ở tứ kết, khi Federer gặp tay vợt người Mỹ James Blake, bại tướng trước Federer trong 8 lần gặp nhau trước đó. Trong một ngày phi thường, Blake với cú trái một tay giống như Federer đã chơi như thể đây là trận đấu cuối cùng trong sự nghiệp, hạ gục tay vợt người Thụy Sỹ trong cả 2 set 6-4, 7-6(2).

Lại một lần lỗi hẹn với chiếc HCV Olympic, Federer vẫn chưa thể hoàn thiện giấc mơ sau này: Giành “Career Golden Slam” như Andre Agassi và Rafael Nadal, vì những thất bại tại Olympic. Và thất bại ở Olympic 2008 cũng đánh dấu sự kiện: Federer chấm dứt 237 tuần số 1 thế giới liên tiếp để chuyển giao sang tay Nadal.

Trận Federer gặp Blake tại tứ kết Olympic 2008

Olympic London 2012: Cơ hội cuối

Lần thứ 4 dự Olympic, thật đặc biệt khi Federer lần thứ 3 đến với Thế vận hội mà là tay vợt số 1 thế giới (cũng là hạt giống số 1). Chỉ còn 2 tuần nữa, Federer sẽ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 31 (8/8) và mọi thứ anh gần như đã có: 17 Grand Slam, vượt qua con số 286 tuần số 1 của Pete Sampras. Thậm chí ngay cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa cũng đang ủng hộ Federer: Lần đầu tiên trong lịch sử Olympic, môn tennis sẽ được tổ chức trên mặt cỏ, đúng ở mặt sân mà Federer vừa giành Wimbledon thứ 7 trong sự nghiệp.

Federer và nỗi đau Olympic - 4

Federer và khúc vĩ thanh cuối cùng tại London 2012?

Nhưng câu chuyện vẫn còn ở phía trước: Liệu với điểm rơi phong độ đỉnh cao, đúng như những gì Federer tuyên bố trước mùa giải (giành thêm Grand Slam tại Wimbledon và HCV Olympic trên mặt sân cỏ nước Anh), Federer có xóa đi được nỗi buồn tại Olympic?

Lần thứ 4, chưa biết liệu sẽ có lần thứ 5 tại Brazil năm 2016, nhưng có thể đây sẽ là cơ hội cuối cùng tại Olympic của Federer

Trong 3 lần tham dự Olympic, ngoại trừ năm 2000 do đàn anh Rosset bất ngờ không tham dự phút chót, Federer đều thi đấu ở cả nội dung đánh đôi. Năm 2004 đánh cặp cùng Yves Allegro, Federer cũng để thua ở vòng 2 ngay sau thất bại trước Berdych. Năm 2008 đánh cặp cùng Stanislas Wawrinka, Federer đã giành HCV đôi nam về cho đoàn thể thao Thụy Sỹ, trong đó đáng nhớ nhất là trận thắng anh em nhà Bryan ở bán kết sau 2 set 7-6(6), 6-4.

Tại London 2012, Federer và Wawrinka sẽ tiếp tục đứng đôi để bảo vệ chiếc HCV Olympic.

Chia sẻ
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN