Bài toán “chính sách” nào cho thị trường ôtô Việt?

Gần 10 năm trở lại đây, chính sách đối với thị trường ôtô thay đổi liên tục, điểm lại các chính sách đưa ra cho thị trường này cho thấy đã có hơn chục lần sửa đổi. Chính những sự sửa đổi ấy đang trở nên bất ổn và có phần… rối.

Nhằm quản lý thị trường ôtô, các Bộ: Tài chính, Công thương và Giao thông vận tải đã cùng vào cuộc đưa ra những kiến nghị nhằm thay đổi chính sách. Đầu tiên phải kể đến việc thay đổi thuế xuất nhập khẩu, lệ phí trước bạ được Bộ Tài chính thực hiện hồi năm 2002, 2003.

Tiếp đó, năm 2004, thuế tiêu thụ đặc biệt được Bộ này sửa đổi tăng từ 5 lên 24%. Vừa tăng năm trước, năm sau (2005), thuế tiêu thụ đặc biệt lại được tăng lên 40% và lại tăng lên thêm 10% nữa (50%) vào năm 2006. Và cũng từ 2006 đến nay, liên tục các sửa đổi tăng, rồi lại hạ, hạ rồi lại tăng đối với thuế nhập khẩu, phí trước bạ…

Bài toán “chính sách” nào cho thị trường ôtô Việt? - 1

10 năm trở lại đây, chính sách đối với thị trường ôtô thay đổi liên tục

Đặc biệt, thị trường ôtô thực sự biến động phải kể đến “dấu ấn” Thông tư 20 vào năm 2011 do Bộ Công thương ban hành nhằm siết nhập khẩu ôtô nguyên chiếc. Theo Thông tư 20, các doanh nghiệp muốn nhập khẩu phải có giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối chính hãng. Thông tư này lập tức đã gây biến động mạnh đối với các doanh nghiệp trong cuộc, nhất là đối với các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe vì thông tư này đã hoàn toàn bị loại bỏ khỏi thương trường. Thông tư 20 khiến cho nhiều doanh nghiệp lao đao bởi đã ký hợp đồng, chuyển tiền, nhưng xe chưa về… và không ít doanh nghiệp đã phải “bay” khỏi thị trường bất ổn này.

Chỉ cần theo dõi biểu đồ thị trường ôtô trong vài năm trở lại đây sẽ đủ hiểu, sự lên xuống thất thường chủ yếu do việc thay đổi chính sách đến chóng mặt của các nhà làm quản lý. Khi người dân nghe tin sẽ tăng thuế trước bạ là lúc thì trường tăng đột biến, có lúc thị trường lại gần như đóng băng chỉ bởi quyết định thu phí xe cơ giới nhằm hạn chế phương tiện giao thông của Bộ Giao thông vận tải.

Bài toán “chính sách” nào cho thị trường ôtô Việt? - 2

Chỉ cần theo dõi biểu đồ vài năm trở lại đây sẽ thấy sự lên xuống thất thường

Tháng 9/2012 vừa qua, Tổng cục Hải quan đã đề nghị sửa đổi Thông tư 20 theo hướng bỏ giấy chỉ định hoặc giấy ủy quyền của nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng để các doanh nghiệp được nhập khẩu xe với lý do tăng thu cho ngân sách, hạn chế độc quyền và tránh lách luật trong nhập khẩu ôtô. Và mới đây nhất, Tổng cục Hải quan lại điều chỉnh, bổ sung giá tính thuế mới đối với hàng trăm mẫu ôtô nhập khẩu, trong đó có rất nhiều mẫu xe sang như Audi, BMW, Lexus… với giá tăng phổ biến từ 8.000 – 22.000 USD/xe so với giá cũ.

Và chắc chắn, những sửa đổi, làm mới… chính sách đối với thị trường này sẽ chưa dừng lại ở đó, khi ở thời điểm này, các Bộ vẫn đang rậm rịch thêm thắt, sửa đổi, ban hành mới một loạt những chính sách nhằm siết chặt các phương tiện giao thông cá nhân.

Bài toán “chính sách” nào cho thị trường ôtô Việt? - 3

Giá xe cũng lên xuống thất thường theo sự thay đổi của chính sách

Theo báo cáo của VAMA, doanh số bán hàng 09/2012 tăng 9% đạt 7.669 xe nhưng mức dự báo thị trường năm nay kết thúc chỉ với 94.000 xe - bỏ xa mốc dự báo 180.000 xe từ đầu năm.. Thị trường vẫn đang ở mức sụt giảm nghiêm trọng với doanh số bán hàng chín tháng đầu năm giảm 38% so với cùng kì năm ngoái.

Trong một cuộc phỏng vấn tại Vietnam Motorshow 2012, ông Laurent Charpentier – chủ tịch VAMA cho biết: “Chưa nước nào có sự sụt giảm ghê gớm như thế chỉ vì các tin đồn về những chính sách thuế mới. Kể cả Hy Lạp cũng chỉ sụt giảm 20% trong tình trạng kinh tế khủng hoảng. Viêc khó lường trước và hay thay đổi của thị trường chính là áp lực rất lớn cho chúng tôi”. Điều này minh chứng rõ rằng, sự tác động của chính sách đã làm ảnh hưởng nặng nề đến sự phát triển của thị trường ôtô Việt Nam.

Bài toán “chính sách” nào cho thị trường ôtô Việt? - 4

Chưa nước nào có sự sụt giảm ghê gớm chỉ vì các tin đồn như Việt Nam

Không ít ý kiến cho rằng, mục tiêu phấn đấu để ngành ôtô trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn sẽ bị phá sản nếu chính sách đối với thị trường này vẫn lúc thế này lúc thế khác.

Theo ông Michael Behrens - Chủ tịch kiêm TGĐ Mercedes-Benz Việt Nam phát biểu tại một hội thảo gần đây: “Việc mức thuế, phí thay đổi hằng năm đã khiến các doanh nghiệp vất vả chạy theo thực hiện, khiến ảnh hưởng đến kế hoạch đã định. Theo tôi, cần có chính sách dài hạn thay cho những điều chỉnh ngắn hạn. Chính phủ Việt Nam cần có chính sách minh bạch hơn như Bộ trưởng Kinh tế và Công nghệ Đức Philipp Roesler đã phát biểu trong chuyến thăm Việt Nam gần đây, thì sẽ thu hút các nhà đầu tư nước ngoài hơn”.

Bài toán “chính sách” nào cho thị trường ôtô Việt? - 5

Việc mức thuế, phí thay đổi hằng năm đã khiến các doanh nghiệp vất vả chạy theo

Mục tiêu của ngành công nghiệp ôtô Việt Nam từ nhiều năm nay vẫn được kỳ vọng như một ngành công nghiệp “đầu tầu”, nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế thì nếu cứ tiếp tục với chính sách; thuế và phí luôn thay đổi thì nhiều năm nữa ngành công nghiệp này cũng khó có thể phát triển.

Theo ông Đỗ Hữu Hào - nguyên Thứ trưởng Bộ Công Thương, Chủ tịch Hội Kỹ sư ô tô Việt Nam nhận định: “Tương lai, dân số VN sẽ tăng và điều kiện giao thông được cải thiện, nên nhu cầu sử dụng xe hơi sẽ cao hơn. Nếu muốn khuyến khích ngành công nghiệp ôtô phát triển, cần phải có chính sách phù hợp”.

Đáp ứng với sự phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, sự thay đổi trong chính sách kinh tế là cần thiết để hướng nền kinh tế đến sự ổn định. Nhưng nếu thay đổi quá nhiều, thay đổi trong thời gian ngắn của chính sách đối với thị trường ôtô sẽ khiến các doanh nghiệp lâm vào cảnh lao đao, thị trường lên xuống thất thường, bộc lộ nhiều dấu hiệu bất ổn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuấn Nguyễn (Auto)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN